Hồi nhỏ tôi rất thích thức khuya để cúng giao thừa với gia đình, có ba má và các chị. Tôi thích nghe tiếng pháo nổ vang trời; thích cả mùi khói pháo và thơm tho của nén nhang trầm cắm trên bàn thờ; thích dậy thật sớm vào sáng mùng 1 để má mặc cho quần áo mới, xịt dầu thơm thơm phức rồi ba chở trên chiếc Vespa đi chùa và chúc Tết người thân. Sài Gòn xưa sáng mùng 1 vẫn se se lạnh với ánh nắng vàng trong ấm áp. Mọi người đi xe chầm chậm chứ không dám lao nhanh để tránh mọi rủi ro xui xẻo. Ai nấy nói năng từ tốn nhỏ giọng và cười…

Má bao giờ cũng là người tự tay đi chợ mua trái cây để chuẩn bị cho mâm ngũ quả cúng đón giao thừa. Ba cũng mặc nguyên bộ pyjama mới toanh mỗi khi cúng kiếng. Thời đó mặc pyjama là lịch sự, sang trọng lắm và mỗi lần ba mặc tôi lại thấy ông tự nhiên hiền như ông Bụt. Ba là người lên nhang lư hương trước, rót ba tách trà nóng cúng dâng lên bàn Phật và ông bà tổ tiên. Sau đó đến má rồi theo thứ tự lớn nhỏ các chị và thằng út sau cùng, điều đó đã thành lệ.

Tại sao nói khi mặc pyjama lại thấy ba hiền như Bụt? Vì ba vốn là người khá nghiêm khắc trong chuyện giáo dục con cái nên mấy đứa con từ chị lớn đến thằng út ai cũng sợ ba như sợ một vị thần. Ba mà đánh đòn là đau lắm! Nhưng trong ngày Tết ba hay mặc pyjama và tính tình dịu dàng hẳn. Chúng tôi coi như hôm đó ba đóng kép văn chứ không phải kép võ, nhu chứ không cương. Ba dạy những ngày này trong nhà phải giữ hoà khí, chỉ nói chuyện vui không nói chuyện buồn, vậy đó mà!

{keywords}

Cả nhà ngồi quây quần bên nhau, ai cũng thích nghe ba má kể chuyện đời xưa. Hồi đó mấy ghe hát, gánh hát đón Tết ra sao, hát tuồng gì… năm nào cũng cứ bao nhiêu chuyện đó mà kể đi kể lại. Bởi vốn dĩ ba má cũng là đào kép hát mà nên chuyện hát xướng lúc nào cũng một bồ kể hoài không hết. Chuyện mới rồi lại chuyện cũ vậy mà nghe mãi không chán, vẫn cứ thích cứ mê!

Sáng sớm mùng 1 Tết, thằng em út như tôi luôn bị các chị dựng đầu dậy thật sớm. Đứa nhóc thức quá khuya và dậy quá sớm nên dễ nổi quạu khóc nhè. Nhưng càng vậy các chị càng chọc cho khùng thêm lại càng khóc to hơn mới đã nư các chị. Má phải vừa la mắng các chị, vừa thay đồ mới cho thằng út, một tay lau nước mắt nước mũi vừa xịt dầu thơm và dỗ cho nó nín. Thằng nhỏ dù đang khóc vẫn kịp nhìn thấy ba cứ ngồi đó uống trà và cười. Không hiểu tại sao nó khóc vậy mà ba lại cười?

Ba má chở đi chơi sáng mùng 1 tới đầu giờ chiều là đi vô luôn sân khấu để hoá trang làm tuồng hát Tết. Suốt mấy ngày gia đình tôi coi như ăn Tết với gánh hát thôi. Bao nhiêu thứ tuồng một ngày 2 suất cứ thế mà trôi qua mắt thằng út, thấm vào thịt da, vào máu xương, vào trái tim và ký ức… mãi mãi.

Ngày mùng 3 còn được xem là Tết thầy, Tết của nghệ sĩ, tức là ngày cúng ra nghề với Tổ sân khấu. Lại thấy ba tinh tươm trong bộ pyjama nhưng thần thái lại nghiêm trang kính cẩn hơn. Vật cúng ra nghề là con gà trống luộc và ba chung rượu trắng. Hỏi ba tại sao lại cứ là gà trống mới được? Ba giải thích gà trống mới có tiếng gáy, cũng như người nghệ sĩ thì phải có tiếng hát cho hay, cho to. 

{keywords}

Hồi nhỏ thích ngày mùng 3 hơn ngày mùng 1. Vì mùng 1 nói năng đi đứng phải giữ kẽ và ăn chay. Còn mùng 3 thì được tưng bừng thoải mái hơn và nhất là được ăn món cháo và gỏi gà xé phay má nấu ngon lắm. Ai nói đào hát không giỏi chuyện bếp núc là nói ai chứ chắc không phải nói má. Má nấu ăn là số 1 khó cãi, chắc ba mê má phần nào cũng vì cái tài nấu ăn của má.

Cứ thế mà từng cái Tết trôi qua theo năm tháng. Các chị trưởng thành và lập gia đình rồi định cư xa xứ. Tết giảm đi ý nghĩa đoàn tụ và ba ít nói dần, sức khoẻ cũng giảm theo nỗi buồn tuổi tác. Giao thừa chỉ còn lại thằng út ngồi đó với ba với má dù mâm ngũ quả vẫn tinh tươm như ngày nào.

Ba nói muốn sống đến năm 2000 để chứng kiến sự đổi thay của nhân loại vì lúc đó người ta dự báo sẽ có cuộc tận thế toàn cầu. Nhưng ba đã không đợi được lâu hơn. Năm 1997, ba bay về trời để đêm giao thừa lại cho má và thằng út.

Nhà chỉ còn lại hai má con. Lúc còn khoẻ, má vẫn thích mỗi ngày xách giỏ đi chợ nấu cơm cho thằng út ăn. Vì nó đi làm mỗi ngày mỗi tối, không thể ngồi ăn chung mâm với má. Tối đi diễn về trộn tô cơm ngồi ăn một mình nhưng má ngắm thằng út ăn chén canh mình nấu, con cá mình chiên, má cũng vui. Dĩ nhiên mỗi đêm giao thừa má vẫn là nữ tướng chỉ huy, thay chỗ của ba. Lúc này giao thừa có bắn pháo bông trên trời nên má lên nhang trước, thằng con trai ngắm pháo bông cho đã đời rồi mới đốt nhang sau má. Hồi đó ba đánh chuông nghe vừa phải nhẹ tai, bây giờ má đánh chuông to hơn ba mấy lần. Hỏi sao má đánh chi lớn tiếng vậy thì má giải thích: “Giờ người ta bắn pháo bông nhiều quá sợ ông bà lo ngắm mà quên đường về nhà. Đánh chuông lớn vậy ông bà mới giật mình mà chịu quay về!”. Má vốn cũng là đào hát mà nên cũng tiếu lâm hài hước y như ba. 

{keywords}

Những năm sau, sức khoẻ má yếu dần. Mâm trái cây giao thừa trao trọn cho thằng út, cũng có ngũ quả, có nhang đèn và hoa tươi sáng rực. Má ngồi dưới phòng khách “chỉ đạo” cho con trai dọn cúng trên gác lửng.

- Con nhớ pha bình trà mới nha con, canh cứ 5 phút thì châm trà 3 lần. Nhớ chịu khó ngồi canh tàn nhang mới tắt đèn đi ngủ nha!

- Dạ, con nhớ rồi má!

Năm nào má cũng nhắc đúng bài đó, là bài mà ba đã truyền lại đó thôi. Nhưng ba và má quên là các con của ba má đã thuộc nằm lòng từ bao nay. Sau này, má không nhắc nữa vì đã mệt nhiều nhưng mỗi khi lên đèn cúng, thằng út không quên đánh chuông khá lớn giống như má. Không phải để cho vong linh ông bà phảng phất nghe mà là cho má đang nằm thiêm thiếp trên giường nghe được mà biết rằng giao thừa đã về…

Năm 2019 má ra đi theo ba sau 22 năm chỉ sống với thằng út. Má thấy út lớn quá rồi có thể ra đường ăn cơm hàng cháo chợ được nên quyết định đi tìm ba, nấu ăn tiếp cho ba… cũng là đoàn tụ!

{keywords}

Đã 2 năm trôi qua, Út cúng giao thừa một mình. Từ sáng sớm 30 Tết đã lo đi sắm sửa, tự tay cắm hai bình hoa, sắp đặt trái cây trên bàn thờ và mâm ngũ quả cho giờ giao thừa. Xong việc lại cà phê với bè bạn đâu đó thì 8 giờ tối là phải nhanh chân về nhà để lo bày biện lên nhang đèn. Hồi trai trẻ, có ba có má làm sẵn cho hưởng, giờ phải tự gánh vác chuyện nhà lên vai bởi nhà có còn ai nữa đâu mà nạnh hẹ.

Thằng con trai út Tết này cũng đã ngoài 60, vẫn mâm trái đó, vẫn đèn nhang đó, vẫn mùi hương trầm thoảng thoảng quanh nhà đó. Nhưng từ lâu đã vắng hẳn tiếng cười nói của ba, tiếng nhắc nhở chỉ dẫn của má, của những người thân trong gia đình. Các chị ai nấy cũng đã yên vị theo từng hoàn cảnh sống của riêng mình. Út gióng chuông lên, tiếng chuông ngân dài lướt khắp không gian của ngôi nhà và dội vào tim út - im ắng, vắng lặng - nhưng út đã quen vậy rồi…

Hai năm qua thành phố út sống và làm việc cũng bệnh trầm kha. Thời kỳ giãn cách không thể tự do ra đường, thằng út ở trong nhà có dịp thưa chuyện tâm tình nhiều với ba má qua hương thơm của từng nén nhang thắp mỗi ngày.

Và bao giờ con cũng hiểu…

Ra đi chỉ là sự bước vào cõi mới an lành hơn. Ba má vẫn còn nguyên vậy trong con, chỉ cần ba má đoàn tụ và thuận hoà là chúng con lòng an khôn xiết. Con vẫn đi tiếp con đường nghệ thuật mà hai người đã để lại dấu vết dở dang. Con đã và vẫn còn đang dệt thêm cho bầu trời nghệ thuật thêm đẹp thêm lành. Và mỗi năm, khi giao thừa con hiểu rằng lúc thắp nhang rước ông bà về với gia đình, bao nhiêu năm nay còn có cả ba với má về chơi với con, lắng nghe tiếng con trai út thì thầm nhỏ to tâm sự.

{keywords}

NSƯT Thành Lộc