{keywords}

Trong ký ức của bác sĩ trẻ Huỳnh Phương Liên ngày ấy là những thiếu thốn trăm bề và cái đói triền miên. Dẫu vậy, giữa muôn vàn khắc nghiệt, vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa cũng ra đời, được dán nhãn kiểm định chất lượng và cung cấp cho vùng giáp ranh địch – ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi.

{keywords}

Sinh ra trong gia đình có bố là Phó ban Thống nhất Trung ương, GS.TS Huỳnh Phương Liên luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc về truyền thống cách mạng của gia đình. Lớn lên ở Quảng Nam, năm 1954, cả gia đình bà tập kết ra Bắc.

“Nhà tôi có 8 anh em thì 4 người “đi B”, 2 người đi bộ đội. Đến đứa em út cũng hào hứng muốn ra trận như các chị, các anh. Ba tôi vẫn đồng ý cho con lên đường".

Năm 1963, khi vừa học hết năm thứ ba ở Trường ĐH Y Hà Nội, Liên cũng xung phong “đi B”. Đến năm 1966, sau khi tốt nghiệp bác sĩ và trải qua 2 tháng luyện tập, cô bác sĩ trẻ được lệnh tập trung để chuẩn bị vào miền nam.

Để đến được điểm tập kết, Liên cùng đồng đội phải mất hai tháng rưỡi vượt đường Trường Sơn. Lần đầu nếm trải tất cả gian khổ của cuộc hành quân, nhiều người trong đơn vị không khỏi bỡ ngỡ.

{keywords}

GS.TS Huỳnh Phương Liên - Người đã chế tạo thành công vắc-xin viêm não Nhật Bản cho Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Nhận công tác tại đơn vị có mật danh K15, thuộc Ban Dân y khu V, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cô bác sĩ trẻ sửng sốt khi đứng trước vài ngôi nhà lá tít tận rừng sâu - nơi cây cối rậm rạp che khuất cả ánh nắng mặt trời mà người giao liên gọi là “cơ quan”. 

Nhưng với khí thế và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô gái tuổi đôi mươi thả ba lô xuống đất, xắn áo cùng mọi người vào rừng vác nứa, dựng nhà.

“Sau này tôi mới biết cơ quan của mình đã bị máy bay B52 xóa sạch và đây là nơi mới chuyển đến. Nhiệm vụ của tôi khi đến đây là phải sản xuất ra được vắc-xin thương hàn, tả, đậu mùa. Thế nhưng, nơi tôi đến không có phòng thí nghiệm. Dụng cụ phục vụ cho nghiên cứu cũng không có gì, dù chỉ là một chiếc ống PET”.  

Nhận được chi viện của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương gửi vào, cả cơ quan phải huy động người đi nhận và cõng hàng về mất 20 ngày. Đồ đạc phục vụ cho phòng thí nghiệm chỉ thô sơ, đơn giản với những chiếc tủ ấm nuôi cấy vi sinh chạy bằng đèn dầu hỏa, được điều chỉnh nhiệt độ vừa đủ để vi khuẩn phát triển.

Dù thiếu thốn nhưng một phòng thí nghiệm giữa chiến trường cũng được dựng lên. Cô gái trẻ cùng đồng đội căng dù trắng, xung quanh bọc bằng nilong, trông hệt như một phòng thí nghiệm bình thường. Tới nỗi, ai đi qua cũng phải bất ngờ: “Tại sao giữa chiến trường lại có thể dựng lên một phòng thí nghiệm như thế?”. 

{keywords}

Nhưng sự thiếu thốn dụng cụ không phải nỗi ám ảnh duy nhất. Trong ký ức của cô gái Hà Nội ngày ấy còn là cái đói triền miên.

“Quanh năm cả đội phải ăn ngô, ăn sắn. Sắn dễ trồng nên là lương thực chủ yếu” – bác sĩ Liên nhớ lại.

Ngoài bác sĩ thủ trưởng đơn vị, Liên được giao phụ trách chuyên môn. Để sản xuất được vắc-xin, Liên phải đào tạo cho những em học sinh trình độ văn hóa lớp 3, lớp 4 xuống phụ việc.

Nhóm học sinh này chia thành từng tốp luân phiên nhau làm từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, sau đó đi làm rẫy đến 5 giờ chiều. Có nhóm lại được phân công đi cõng hàng tiếp tế từ đồng bằng. Vì vậy, số lượng ở lại làm chuyên môn rất ít.

Sau nhiều nỗ lực, vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa cũng ra đời, được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng đầy đủ, đem đi cung cấp cho bà con vùng giáp ranh giữa địch và ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

{keywords}

Tính cách nghiêm túc và gương mẫu, bác sĩ trẻ Huỳnh Phương Liên được đồng đội tín nhiệm bầu vào chi ủy, đảng ủy rồi trở thành phó bí thư đoàn của Ban Dân y Khu V.

Thời điểm mới vác ba lô vào chiến trường, Liên vẫn còn là cô gái tuổi đôi mươi có nước da trắng, mái tóc đen dài. Nhưng sau 6 năm ở nơi núi thẳm, rừng sâu cùng những cơn đói, sốt, cô bác sĩ trẻ chỉ còn vỏn vẹn 31 kg.

Sức khỏe ngày càng sa sút, Liên được cho ra Bắc để vừa điều trị, vừa học nâng cao tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Suốt 75 ngày vượt Trường Sơn, không ít lần Liên nuối tiếc về quãng thời gian được sống ở chiến trường.  

Năm 1974, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử đoàn đi tập sinh khoa học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Huỳnh Phương Liên là 1 trong 5 người được chọn.

“Tiêu chuẩn của chúng tôi là đi 3 năm. Nhưng đến năm 1975, qua vô tuyến, chúng tôi biết miền Nam đã được giải phóng. Cả đoàn vui quá, ai cũng háo hức xin được về. Vì vậy, đi 2 năm, chúng tôi trở về nước”.

Quay về Việt Nam, đứng trước nhiều ngã rẽ, cô gái trẻ quyết định về Hà Nội.

Suốt gần 25 năm sau đó, công việc của GS Huỳnh Phương Liên gắn với phòng thí nghiệm để nghiên cứu về virus viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm.

Đến năm 1989, tỷ lệ viêm não Nhật Bản tại Việt Nam đang ở mức cao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới khảo sát tại vùng Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh) và để Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản. Một lần nữa, GS Huỳnh Phương Liên được lựa chọn.

Nhớ lại khoảng thời gian sang Nhật Bản tiếp nhận công nghệ mới cùng một nữ đồng nghiệp, GS Huỳnh Phương Liên cho biết, “đó là một cuộc chạy đua vô cùng gấp rút”.

“WHO muốn chúng tôi dành thời gian thâm nhập để nắm sơ qua về tình hình. Nhưng chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 1 tháng ở Nhật vì thời gian quá cấp bách. Họ nghĩ rằng chúng tôi chỉ đi cưỡi ngựa xem hoa vì các nước khác cứ một nhóm 5-6 người học trong vài tháng rồi lại về để nhóm khác sang.

Nhưng chúng tôi nghĩ khác, làm khác. Những cuốn tài liệu chuyển giao công nghệ được chúng tôi nghiền ngẫm rất sâu. Song nếu chỉ áp dụng đúng theo quy trình như trong tài liệu thì không thể làm ra được vắc-xin. Vì thế, mỗi khi chuyên gia đưa đi đâu, chúng tôi đều ghi chép lại rất tỉ mỉ, từ số ml, số giờ, số phút,…"

Cũng nhờ đó, đến năm 1990, bác sĩ Huỳnh Phương Liên và đồng nghiệp đã sản xuất thành công vắc-xin viêm não Nhật Bản. Đến năm 1992, vắc-xin viêm não Nhật Bản bắt đầu được thử nghiệm với trẻ em, đáp ứng miễn dịch 100% so với vắc –xin của Nhật Bản.

Ban đầu chỉ sản xuất vài trăm nghìn liều. Dần dần, số lượng vắc-xin sản xuất ra tăng lên 1 triệu, 2 triệu đến 4 – 5 triệu liều mỗi năm.

Kết quả này khiến nhiều chuyên gia quốc tế ngỡ ngàng. Một giáo sư người Nhật ngỏ ý muốn đưa vắc-xin này sang Nhật kiểm định. Kết quả, vắc-xin do Việt Nam sản xuất có chất lượng rất tốt, đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản.

“Chuyên gia Nhật rất bất ngờ trước kết quả này và chúc mừng Việt Nam. Chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sung sướng”, bác sĩ Huỳnh Phương Liên nói.

Năm 1997, vắc-xin viêm não Nhật Bản được đưa vào tiêm chủng mở rộng. Thậm chí, hơn 5 triệu liều vắc-xin còn được xuất khẩu sang Ấn Độ. Với nỗ lực ấy, Việt Nam đã đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống còn 5 - 10%.

{keywords}

GS Liên luôn có mặt ở phòng làm việc đúng giờ dù đã 80 tuổi

Năm 2005, Nhật Bản thông báo vắc xin viêm não thế hệ 1 có nguồn gốc não chuột gây ra bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM), tỷ lệ khoảng 1/1.000.000. Từ đó, WHO dừng không nhập vắc-xin viêm não Nhật bản của Nhật và khuyến cáo sẽ từng bước thay thế vắc-xin viêm não Nhật bản có nguồn gốc từ tế bào.

Năm 2006, ở tuổi 66, GS Huỳnh Phương Liên quyết định đi tắt đón đầu, nghiên cứu sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero. Nguồn kinh phí lúc đó chỉ khoảng 600 triệu đồng (đề tài cấp Bộ). 

Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech – đơn vị trực thuộc Bộ Y tế), GS Huỳnh Phương Liên đã thành công.

Nhờ đó, Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới có được công nghệ này, sau Áo, Nhật Bản và Trung Quốc.

Giờ đây, ở tuổi 80, mắt đã không còn tinh tường và việc di chuyển hạn chế hơn, nhưng dù nắng hay mưa, GS Huỳnh Phương Liên vẫn có mặt tại phòng làm việc rất đúng giờ.

Bà nói rằng, những điều bà làm “không có gì là kỳ tích”.

“Tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình với tất cả tinh thần và trách nhiệm, một khi đã làm chỉ nghĩ đến việc cống hiến hết mình, bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê”.

{keywords}

Thúy Nga - Ngọc Linh

Thiết kế: Quốc Dũng - Ảnh: NVCC

Hai nhà khoa học người Việt nhận giải thưởng Noam Chomsky

Hai nhà khoa học người Việt nhận giải thưởng Noam Chomsky

GS.TS Trần Thị Lý và PGS.TS Trần Xuân Bách là 2 người Việt vừa nhận được giải thưởng Noam Chomsky. Giải thưởng trao tại trụ sở Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (Mỹ) vào 7 giờ sáng nay (9/12) theo giờ Việt Nam.