Tháng 12/2023, khác với khung cảnh tĩnh lặng của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, xã Đồng Văn rộn vang tiếng máy thi công xây cầu, tiếng xe trộn bê tông rải thảm làm đường làng... Nhắc đến Đồng Văn trong mười tháng qua, nhiều người ví von rằng đang có một đại công trường mang tên "nông thôn mới" ở nơi đây. 

Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An hay bất cứ địa phương nào trên cả nước giờ đây không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, xã Đồng Văn đặc biệt hơn khi chỉ cách đây chưa đầy một năm, khái niệm về đích nông thôn mới vẫn chưa nằm trong mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025. 

Xuất phát điểm là xã thuộc vùng 135, có diện tích rộng nhất huyện Tân Kỳ với mật độ dân cư phân bổ chưa đồng đều - Đồng Văn xưa nay vốn thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, về Đồng Văn những ngày này không khó để cảm nhận sự khác biệt khi xã từng nằm trong nhóm đặc biệt khó khăn đã chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều mặt. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Xã Đồng Văn đang trở thành công trường với nhiều hạng mục công trình công cộng dần hoàn thiện. 

Sinh ra, lớn lên tại Đồng Văn, ông Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đảng ủy xã hiểu hơn ai hết sự thay đổi của quê hương trong thời gian qua. Hình ảnh ngôi trường THCS cũ với bức tường phủ đầy rêu, trạm y tế thiếu thốn và những con đường làng nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt... đã là quá khứ. 

Trên chuyến xe đưa phóng viên "trải nghiệm" Đồng Văn, vị bí thư 7X không giấu được niềm vui. Nhiều lần ông xuýt xoa khi ngắm nhìn những con đường bê tông rải khắp các ngõ ngách trong làng; ngôi trường THCS mới xây khang trang với đủ thiết bị dạy học tiên tiến; nhà văn hóa, trạm y tế chăm sóc người dân tốt hơn...

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn Nguyễn Văn Khánh. 

"Bí thư đi mô đó?"- giọng bà con đang thi công rãnh thoát nước ở thôn Thung Mòn cất lên khi thấy ông Khánh đi qua. "Tui đi xem đường một chút", ông Khánh đáp. Thống kê cho thấy, đã có gần 60km đường bê tông nông thôn được xây dựng trong khoảng 10 tháng qua.

Ông Khánh cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, xã Đồng Văn đạt được bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đang trình hồ sơ để cấp có thẩm quyền nghiệm thu. Việc xây dựng nông thôn mới trong khoảng thời gian chưa đến một năm với ông là hành trình "thần tốc".

Là cán bộ tăng cường từ UBND huyện Tân Kỳ về cơ sở, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nói vui khi nhận mình là "thổ địa" Đồng Văn. Ông luôn xem đây là quê hương thứ hai, dồn toàn tâm, toàn ý để đưa địa phương phát triển. 

"Khi về nhận nhiệm vụ tại xã năm 2022, lãnh đạo Huyện ủy gợi ý cho xã về việc xây dựng nông thôn mới tại Đồng Văn. Khi hỏi "có tự tin làm được không"?. Tôi đáp, anh em sẽ cố gắng hết sức nhưng rất cần sự hỗ trợ của cấp trên", ông Thắng nhớ lại.  

Bắt tay ngay vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ông Thắng cho biết, xã có những "lực cản" rất lớn về đường giao thông, nhà văn hóa và hạ tầng y tế, giáo dục. Xã có diện tích lớn, dân cư phân bổ theo cụm, tạo nên sự chia cắt. Việc vận động bà con đóng góp là rất khó vì xã nghèo, người dân đã quen với việc được Nhà nước hỗ trợ. 

"Chúng tôi bắt đầu họp dân trước khi triển khai. Trong đó, phần lớn họp về đêm vì ban ngày mọi người phải đi làm", Chủ tịch xã Đồng Văn nhớ lại giai đoạn khó khăn bước đầu. 

Theo ông Thắng, năm 2022 đã có hai sự kiện mang tính bước ngoặt với Đồng Văn. Một là xã nhận được 400 tấn xi măng từ UBND huyện và dấu ấn nữ Bí thư chi bộ xóm tiên phong ứng tiền để xây đường.

Diện mạo giao thông nông thôn ở Đồng Văn thay đổi tích cực. 

"Khi nhận được 400 tấn xi măng từ huyện phân bổ xuống, xã chọn hai xóm Tân Đông và Thung Mòn để làm điểm. Tuy nhiên, bà con còn dè dặt và chưa đặt hết niềm tin vào chủ trương này. Lúc đó, nữ Bí thư chi bộ xóm Thung Mòn là bà Nguyễn Thị Thanh đi từng nhà thuyết phục. Thậm chí, bà Thanh còn ứng tiền túi ra để làm con đường thay đổi diện mạo quê hương", ông Thắng nói. 

Từ việc xây dựng thành công và lợi ích thiết thực của hai tuyến đường ở hai xóm nêu trên, nhân dân xã Đồng Văn thay đổi cách nhìn về chủ trương làm đường giao thông. Không chỉ góp công sức và vật chất để làm đường, nhiều hộ dân đã hiến đất với hơn 62.000m2 để mở rộng đường nông thôn. 

Gần một năm, Đồng Văn xây mới 60km đường bê tông nối liền các khu dân cư. 

Từ mỏm đồi cao nơi nhà văn hóa xóm Thung Mòn nhìn xuống đoạn đường bê tông dài hun hút, nữ Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Thanh (SN 1977) hồi hộp nhớ lại "ngày ứng tiền làm đường". Theo bà Thanh, chủ trương làm đường đã có từ lâu, nhưng khi triển khai bà con vẫn e ngại. Bà con nói rằng "nếu làm thật cho ra con đường thì chúng tôi ủng hộ. Lúc đó, dự án làm đường bê tông ở xóm hết tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng, bà Thanh đã ứng 100 triệu đồng". 

"Đường làm xong, bà con phấn khởi, tôi nhớ mãi hình ảnh từng bà con đến đóng góp kinh phí làm đường. Cảm xúc trong tôi đến nay vẫn lâng lâng hạnh phúc khi đặt niềm tin vào bà con và được bà con đón nhận và đáp lại", chị Thanh nói. 

Từ bước đà trên, năm 2023, xã tiếp tục nhận được hỗ trợ 2.800 tấn xi măng từ huyện, lúc này, không cần cán bộ đi vận động, đồng loạt người dân hưởng ứng. 

Bí thư chi bộ xóm Thung Mòn Nguyễn Thị Thanh.

Bên cạnh đường giao thông, nhiều trường học được đầu tư xây mới từ cấp mầm non, tiểu học và THCS. Mới đây nhất, trường THCS Đồng Văn hoàn thành các chỉ tiêu, cơ sở vật chất để thẩm định công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Các tiêu chí văn hóa, y tế, nghèo đa chiều... cơ bản đạt được những yêu cầu đề ra. 

Với nỗ lực xây dựng nông thôn mới, xã Đồng Văn đã thay đổi diện mạo về bức tranh kinh tế - văn hóa, xã hội – quốc phòng an ninh. Nổi bật trong số đó là thu nhập bình quân đầu người từ 30 triệu đồng năm 2011 tăng lên hơn 49 triệu đồng năm 2023 (bình quân chung của huyện đạt 46,7 triệu); tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 32% và nghèo đa chiều năm 2022 hơn 24%, giảm xuống còn 6,26% năm 2023... 

Là người chứng kiến bước chuyển mình của xã Đồng Văn, với cương vị Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ - ông Bùi Thanh Bảo đánh giá, Đồng Văn đã tạo được "kỳ tích" trong xây dựng nông thôn mới. 

Ông Bùi Thanh Bảo đặc biệt ấn tượng với xã Đồng Văn khi cán bộ xã đón nhận nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong tâm thế rất chủ động, không sợ sệt. Đặc biệt hơn, với xuất phát điểm ở mức đặc biệt khó khăn, sự chuyển mình trong thời gian ngắn của xã đã tạo cảm hứng và khí thế chung cho toàn huyện. 

Ông Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ (thứ 3 từ trái sang) trong buổi làm việc với  tổ tư vấn kinh tế của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bông Mai

Nói về xuất phát điểm trước khi xây nông thôn mới, ông Bảo nhấn mạnh: "Hạ tầng nông thôn của Đồng Văn rất yếu và thiếu, đặc biệt là hệ thống lưới điện sinh hoạt, hệ thống giao thông và trường học. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 32% và năm 2022 vẫn còn hơn 24%. Sau sáp nhập, xã có 12 đơn vị xóm, tương ứng phải xây mới hoặc nâng cấp 12 nhà văn hóa...". 

Với hàng loạt khó khăn bủa vây, với cương vị người đứng đầu Huyện ủy, ông Bùi Thanh Bảo cho biết bản thân có những lo lắng, băn khoăn nhất định. Tuy nhiên, với cam kết của xã, huyện với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đã triển khai các bước đi bài bản, trong đó ban hành thông báo và kế hoạch và phân bổ nguồn lực cụ thể để xã tập trung thực hiện đúng định hướng. 

Trường THCS Đồng Văn cũ (ảnh trên) và hiện nay được đầu tư khang trang, hiện đại.

"Đến thời điểm hiện tại, huyện Tân Kỳ đã tổ chức thẩm định kết quả xây dựng các tiêu chí, kết quả thẩm định cho thấy 19/19 tiêu chí được thông qua và đủ điều kiện trình UBND tỉnh thẩm định và công nhận xã Đồng Văn đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023", ông Bảo chia sẻ.

Theo Bí thư Bùi Thanh Bảo, từ kết quả thẩm định nêu trên và thực tiễn tại Đồng Văn cho thấy tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên giữ vai trò then chốt. Tiếp đó là sự đồng lòng, cống hiến của nhân dân, người dân chủ động hơn thay vì trông chờ như nhiều năm trước. Việc xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. 

"Lấy cảm hứng và khí thế từ kết quả vượt bậc của xã Đồng Văn, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương khác. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 1-2 đơn vị được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao", ông Bảo chia sẻ.

Xây dựng nông thôn mới "không có điểm kết thúc"

Cuối năm 2023, Tân kỳ sẽ có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Kỳ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Sau 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được hơn 5.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng. Các chỉ số tại thời điểm này so với năm 2015 tăng ít nhất gấp 2 lần (gồm giá trị sản xuất từ hơn 4.500 tỷ tăng lên 8.057 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người từ 22,4 triệu tăng lên 46,7 triệu đồng…). 

Với mục tiêu xuyên suốt “xây dựng nông mới là quá trình thường xuyên và không có điểm kết thúc”, có sự tham gia giám sát, đóng góp trí tuệ, tài sản của người dân, doanh nghiệp… diện mạo kinh tế huyện đã có những chuyển biến rõ rệt. Nổi bật trong đó là quy mô kinh tế đứng thứ 4 trong 11 huyện thị miền núi của tỉnh.

Bài: Đoàn Bổng - Quốc Huy
Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Minh Hoà