icon icon

Phạm Dạ Hương (34 tuổi) là giảng viên tại một trường đại học ở Hà Nội. Ngày 13/7 (Âm lịch), như mọi nhà cô tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên nhân dịp lễ Vu Lan từ sáng sớm. Lịch làm việc kín mít, lại phải vào bếp, cô bỗng bận rộn hơn bình thường.

Hương có một cậu con trai, cùng ở trong một căn hộ chung cư cao cấp. Sáng nào cũng vậy, người phụ nữ 34 tuổi tất bật chăm sóc bé Măng (6 tuổi). Kể từ khi cậu quý tử bắt đầu vào lớp 1, giờ giấc sinh hoạt của cả hai mẹ con có nhiều thay đổi. Đặc thù công việc của Hương thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày. Do không sống cùng chồng, những lúc như vậy cô phải gửi Măng ở nhà họ hàng nhờ chăm sóc. 

Vào lớp 1 cách đây hai tháng, mỗi ngày cậu bé phải đi học từ lúc 7h30 và ở nội trú tại trường cả ngày, trong khi mẹ bận giảng dạy. Sau những buổi học, cậu bé cũng thường kể cho mẹ nghe nhiều chuyện diễn ra ở lớp. 
- Hôm qua bọn con ra về hết rồi mà có bạn viết xấu phải ở lại để cô giáo kèm mẹ ạ.

- Măng đi học ngoan nhé, ăn cơm phải nhớ ăn cả thức ăn. Viết thì chậm thôi không phải vội đâu nhé!

Dịp này, lịch đi dạy của Hương hầu hết là buổi chiều, do đó nữ giảng viên cũng có nhiều thời gian bên con hơn. Những ngày đầu đi học Măng còn bỡ ngỡ, đó là lúc cần mẹ bên cạnh để cậu bé dần quen với trường lớp.

Dù 15/7 (Âm lịch) mới là rằm tháng 7, giống nhiều gia đình khác ở Hà Nội, hôm nay Hương làm cỗ cúng gia tiên trước hai ngày. Sau khi đưa con đi học, cô trở về nhà và bắt đầu sửa soạn bàn thờ, chuẩn bị làm mâm cơm. 

Những năm trước, vào ngày này hàng năm, Hương vẫn tranh thủ chuẩn bị mâm cơm cúng, tùy vào hôm đó rảnh hay bận để quyết định nấu đơn giản hay cầu kỳ. Cô đã duy trì thói quen này kể từ khi lập gia đình và chuyển ra ở riêng. 

Thực đơn trong ngày lễ Vu Lan nữ giảng viên chọn đều là những món chay như cơm chiên, đậu sốt, canh củ quả, nem thính cuốn... Nguyên liệu được cô mua từ khu chợ gần nhà cách đó một ngày mang về cho vào tủ lạnh bảo quản, hôm nay chỉ việc chế biến.

Hầu hết là đồ chay, do vậy việc nấu nướng nhanh hơn các món làm bằng thịt. Hôm nay, cô dự định mất khoảng 3 tiếng từ khâu chuẩn bị đến khi bày biện.

Hương quan niệm trần sao âm vậy. Những món cô nấu đều phụ thuộc vào khẩu vị và sở thích. "Muốn ăn thứ gì thì dâng tổ tiên món đó, miễn là thành tâm", nữ giảng viên nói. 

Theo Hương, quan niệm của Phật giáo, lễ Vu Lan là dịp xá tội vong nhân nên nấu cỗ chay là phù hợp nhất. Trong năm, vào các ngày lễ khác như cúng ông Táo, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... cô đều đích thân vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng. “Những dịp cúng tổ tiên, thần linh tôi mới nấu cỗ mặn”, bà mẹ tuổi 34 nói.  

Những mâm cúng khác từ đầu năm do chính tay Hương làm được chia sẻ với bạn bè. “Nấu ăn thực sự là một niềm vui đối với tôi, nhất là khi nhìn thấy người thân thưởng thức món mình chế biến một cách ngon lành”, cô nói. 

Hương thường xuyên tìm mua các loại bát, đĩa có họa tiết đẹp để việc bày biện thêm đẹp mắt. Hiện tại, cô có khoảng 6 bộ bát đĩa để sử dụng vào các dịp lễ, trong đó có những bộ trị giá hơn 3 triệu đồng.

Vốn là người yêu cái đẹp, Hương luôn muốn những món ăn mình nấu phải thật chỉn chu, vì vậy khâu thẩm mỹ rất quan trọng. Cô quan niệm rằng một món ăn trình bày đẹp sẽ thực sự kích thích vị giác. Trước đây chị Hương học nấu ăn và đặc biệt yêu thích phong cách fusion cusine (ẩm thực kết hợp), những món ăn được kết hợp từ nhiều nền ẩm thực khác nhau nhưng sử dụng nguyên liệu bản địa. "Một mâm cúng hoàn chỉnh phần lớn vẫn thường là các món thuần Việt, đôi khi vẫn xuất hiện những món ăn từ phương Tây như salad trộn", cô nói. 

Trước đây, nhờ có thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, cô có cơ hội được trải nghiệm nhiều món ẩm thực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp... Niềm đam mê nấu ăn của nữ giảng viên cũng xuất phát từ đó.

"A bánh kếp, nhanh lên mẹ ơi, con thèm lắm rồi”, Măng háo hức hét lên khi thấy món khoái khẩu. 

“Mỗi lần như thế, tim tôi như tan chảy”, Hương nói. 

Cậu bé đặc biệt thích những món mềm, có vị ngọt như bánh chuối, chè khúc bạch, bánh kếp... Được nấu ăn cho con mỗi ngày, đó là niềm mong mỏi lớn nhất của Hương.

11h20, Hương bắt đầu thắp hương. Mâm cúng không có vàng mã. Hương bảo làm vậy là văn minh và để bảo vệ môi trường. “Không có nhiều kinh nghiệm trong việc khấn vái, tôi chỉ lấy tâm làm gốc, cầu mong cho gia đình luôn mạnh khỏe và bình an”, cô nói. 

Sau khi thắp hương tại nhà, Hương chuẩn bị đồ mang qua nhà bố mẹ để tiếp tục làm lễ. Hai ông bà thân sinh của cô đang ở nước ngoài, hiện chỉ có em gái ở nhà nhưng cũng bận, Hương phải tranh thủ qua phụ giúp. Làm xong, cô chụp ảnh gửi cho mọi người xem.

“Những ngày này tổ tiên muốn được con cháu quan tâm và nhớ tới, nên đó là lúc mình thực hiện trọn chữ hiếu của đạo làm con, làm cháu”, Hương nói. 

Trở về nhà, nữ giảng viên lại vội vàng thu xếp đồ để chuẩn bị đi dạy. Hôm nay, Hương có cuộc họp lúc 12h30 trước khi lên lớp. Chiều cùng ngày cô còn có buổi tập kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ. 

Hương cầm vội hộp cơm rồi rời nhà. Công việc của cô những ngày này khá bận rộn khi đúng đợt sinh viên trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, nhiều hôm phải soạn giáo án đến tối muộn. Dù vậy, cô luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để ở bên cạnh con và nấu cho cậu bé những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. 

Nhật Sinh

Xem các bài viết của tác giả

Tin nổi bật