Những điểm đồng thuận cũng như khác biệt nào giữa hai quốc gia dự kiến có thể được nâng tầm hay giải quyết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng tìm câu trả lời từ ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA).
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong bối cảnh toàn cầu và khu vực hiện nay cũng như với điều kiện hiện tại của hai nước Việt- Mỹ, theo ông, bối cảnh này sẽ tác động cụ thể thế nào đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama lần này?
Ông Nguyễn Đình Lương: Đặc điểm nổi bật của bối cảnh toàn cầu và khu vực hôm nay là sự chi phối của toàn cầu hoá kinh tế. Toàn cầu hoá kinh tế đang chi phối cả chiến lược toàn cầu và khu vực của từng quốc gia.
Bởi vì, nền kinh tế các quốc gia ngày hôm nay gắn chặt với nhau và lợi ích kinh tế là cái chi phối tất cả các quan hệ. Các nước châu Á có tham gia hưởng ứng chiến lược xoay trục của Mỹ đến mức độ nào thì cũng phải trên cơ sở tính toán lợi ích kinh tế mỗi quốc gia đó trong quan hệ với Mỹ và quan hệ với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua và hôm nay cũng đang bị chi phối bởi toàn cầu hoá. Nếu không có toàn cầu hoá thì kinh tế sẽ không phát triển nhanh như thế. Và trong khu vực ASIN cũng đang chi phối bởi lợi ích kết nối một nền kinh tế.
Riêng về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tôi có thể nói rằng, ông Bill Clinton, ông Bush, ông Obama, các đời Tổng thống Mỹ đều sang Việt Nam cả. Bởi vì người Mỹ càng ngày càng thấy rõ vị trí chiến lược của Việt Nam. Lợi ích vị trí chiến lược của Việt Nam trong thế giới hôm nay, trong khu vưc hôm nay là gắn bó với Hoa Kỳ. Chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ với châu Á không thể không có Việt Nam.
Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, đâu là những tồn tại còn lại giữa hai nước mà chúng ta có thể kỳ vọng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama lần này sẽ thúc đẩy và tìm ra phương hướng tháo gỡ?
Ông Nguyễn Đình Lương: Phải nói rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua là phát triển bình thường, không thể nhanh hơn. Có người bảo rằng, tại sao hôm nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không thể là đối tác chiến lược? Tôi cho rằng, vấn đề này không vội được, sẽ phải chờ thời gian, chờ các thế hệ tương lai. Quan hệ giữa hai nước như hôm nay là tốt rồi.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hiện vẫn còn nổi lên mấy vấn đề như về vũ khí sát thương, Hoa Kỳ nên bỏ cấm vận, hay là vấn đề chất độc da cam. Đấy là những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước cần giải quyết.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua, khi chúng ta đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì quan hệ kinh tế Việt Nam Hoa Kỳ được nhắc đến rất nhiều. Ở lĩnh vực này, theo ông, liệu còn tồn tại nào nữa cần giải quyết để thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển tốt đẹp hơn?
Ông Nguyễn Đình Lương: Theo như truyền thông đưa tin, ông Obama sang đây sẽ nói về vấn đề TPP. TPP sẽ là một tác động mạnh mẽ để phát triển quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. Hôm nay, người Mỹ nói rằng, TPP là trụ cột trong chiến lược xoay trục, TPP là tác phẩm của người Mỹ, là ý đồ, là chiến lược, là nhu cầu của người Mỹ.
Vậy lợi ích của Việt Nam ra sao? Bây giờ, chúng ta phải thực hiện TPP để thay đổi nền kinh tế Việt Nam, chuyển nền kinh tế Việt Nam vào đường ray của nền kinh tế thị trường phát triển, từ đó, anh mới mong phát triển. Nếu không môi trường pháp lý chuẩn, không có môi trường kinh doanh sạch thì không có đầu tư, không có đầu tư thì không có kinh tế phát triển. Tác động đó, Việt Nam đã thấy rõ và đã quyết tâm đổi mới rồi.
Đó là lợi ích từ TPP mang lại cho quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. Thế nào rồi, Hoa Kỳ cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định này.
Nhà báo Phạm Huyền:Vậy thưa ông, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama kỳ này, cá nhân ông có kỳ vọng thế nào về lợi ích hai nước có thể đạt được và sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn?
Ông Nguyễn Đình Lương: Năm ngoái, Tổng Bí thư sang thăm Hoa Kỳ. Đó là một sự kiện lịch sử. Sự kiện đó cho thấy, phía Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và cũng giải toả ở Việt Nam về những lo lắng nào đó đối với phía Hoa Kỳ, từ đó xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai bên.
Tôi mong rằng, trong chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này tới Việt Nam, hai nước thấy còn vấn đề gì thì thẳng thắn và những điều gì nên làm thì phải làm, để từng bước tháo gỡ các tồn tại, để quan hệ hai bên phát triển. Tôi cũng không nghĩ rằng, sẽ cần phải có kết quả gì đột phá ngay sau đó.
Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn!
VietNamNet