Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021-2025 có ý nghĩa hết hết sức quan trọng đối với tỉnh.

Đơn cử, ngay từ rất sớm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 30/8/2021 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.

Mục tiêu của Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, thành thị và nông thôn; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Hỗ trợ người nghèo vượt lên trên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn, buôn để sớm thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thông tin; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.

Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Lắk giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3 - 4%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, gắn liền với các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. 

Tất cả người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; ngân sách địa phương tiếp tục hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo. 

Tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tạo điều kiện để đi lao động nước ngoài nhằm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Để hoàn thành được các mục tiêu đó, Chương trình đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo…

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sau 3 năm từ 2021 đến 2023 triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Đắk Lắk được giao tổng vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 3.431,8 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 2.289 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 1.142 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 3 năm 2021-2023 là hơn 1.097 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 927,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 387,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 540 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là hơn 169,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 115,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 54,2 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện là hơn 696,3 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 382,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 347,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 34,8 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 313,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 285,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 28,4 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện là hơn 1.637,7 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 978,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 886,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 92 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 660 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 599,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng…

Trên cơ sở mục tiêu của từng chương trình và các quy định về địa bàn, đối tượng được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã cân đối để bảo đảm việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phù hợp với quy định, vừa bảo đảm góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đối với Đắk Lắk do địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc cân đối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, sau 3 năm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về công tác giảm nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12,79% cuối năm 2021 giảm xuống còn 10,94% vào cuối năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 1,5-2% so với năm 2022.

Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 26,74% xuống còn 23,08%, giảm 3,66% so với cuối năm 2021, số hộ nghèo giảm từ 41.515 hộ xuống còn 35.982 hộ, giảm 5.533 hộ.

Từ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng lên về mọi mặt.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

Tiếp nối thành công của các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong năm 2022, năm nay, các hoạt động tuyên truyền được mở rộng hơn về số lượng, quy mô, đối tượng được thụ hưởng.

Giữa tháng 11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày sản phẩm các mô hình kinh tế hiệu quả; triển lãm ảnh về công tác giảm nghèo bền vững trong khuôn khổ Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại chương trình, có 15 gian hàng trưng bày sản phẩm các mô hình khởi nghiệp, làm kinh tế hiệu quả của thanh niên với nhiều nhóm sản phẩm như: thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ….

Trong hành trình giảm nghèo thông tin, không chỉ có sự vào cuộc tích cực từ giới trẻ, trước đó, giữa tháng 7, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023.

Tại lớp tập huấn, 130 học viên là cán bộ cơ sở Hội, chi hội trưởng, hội viên, nông dân, thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã được truyền đạt về các nội dung: Hội Nông dân Việt Nam thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025;

Đồng thời hướng dẫn xây dựng một số mô hình giảm nghèo bền vững; kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của hộ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ giảm thiểu thiếu hút các dịch vụ xã hội cho nông dân; hướng dẫn giám sát thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Thông qua lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho đội ngũ cán bộ cơ sở Hội, qua đó tuyên truyền, hướng dẫn những hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo để nâng cao chất lượng đời sống và phát triển kinh tế gia đình.

Nhóm PV