Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè (Olympics Tokyo 2020) hồi năm ngoái, nhiều nhà báo thể thao lần đầu tới Nhật Bản đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những âm thanh du dương trong các nhà vệ sinh tại đây. Một nữ phóng viên cho biết cô đã cực kỳ bất ngờ khi nghe thấy tiếng chim hót được phát ra từ một thiết bị bên trong nhà vệ sinh.

Năm 2013, một công ty du lịch Mỹ đã tiến hành khảo sát 200 người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật Bản và hỏi điều gì khiến họ ngạc nhiên nhất sau khi đến đất nước này. Theo đó, 27% câu trả lời là về các nhà vệ sinh luôn có âm thanh du dương như tiếng nước chảy hay tiếng chim hót. Nhóm lớn thứ hai, chiếm 23%, trả lời rằng "đó là số lượng cực kỳ nhiều các máy bán hàng tự động". Tiếp theo chiếm 20.5% là "sự phổ biến của các cửa hàng tiện lợi", chiếm 17% là chức năng hiện đại của các loại bồn cầu vệ sinh.

{keywords}
Nhiều người nước ngoài tỏ ra vô cùng bất ngờ khi bước vào các nhà vệ sinh ở Nhật

Nhưng những thiết bị âm thanh phát trong nhà vệ sinh bắt đầu xuất hiện ở Nhật như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm đầu tiên có chức năng như vậy được đưa ra thị trường vào năm 1979 bởi Orihara Manufacturing, một đơn vị sản xuất phụ kiện nhà vệ sinh có trụ sở tại Tokyo.

Thiết bị điện tử đầu tiên trên thế giới mô phỏng âm thanh nước chảy và hoạt động như một máy làm mát không khí được Chủ tịch công ty Seiichi Orihara đặt tên là Etiquette Tone. Như đúng với tên gọi của mình, chiếc máy này được tạo ra để át đi "âm thanh đáng xấu hổ" có thể bị nghe thấy bất cứ khi nào con người tiến hành "hoạt động cuối cùng trong quá trình tiêu hóa".

Năm 1988, Toto tiếp tục phát triển loại thiết bị này bằng cách giới thiệu Otohime. Theo thời gian, "Otohime" cũng trở thành thuật ngữ chung cho các thiết bị cùng loại. Trong tiếng Nhật, oto có nghĩa là "âm thanh" và hime là "công chúa", nhưng khi phát âm cùng nhau các âm tiết tạo thành từ đồng âm với tên của một công chúa của vương quốc dưới đáy biển trong một câu chuyện dân gian nổi tiếng.

{keywords}
Thiết bị Otohime trong tiếng Nhật của nghĩa là "âm thanh của công chúa"

Trước khi phát triển sản phẩm, một cuộc khảo sát nội bộ đã giúp công ty hiểu rằng các nhân viên nữ của họ cảm thấy xấu hổ không chỉ vì thiếu tự tin với cơ thể của mình mà còn bởi những âm thanh họ tạo ra khi thử đồ hoặc đi vệ sinh nơi công cộng.

Nhà phát triển sản phẩm Tsukasa Matsuyama cho biết: “Ban đầu chúng tôi sử dụng âm thanh cơ học nhưng kể từ năm 2011, chúng tôi đã sử dụng những âm thanh róc rách thực tế được ghi lại của một dòng suối”. Thiết bị cũng có thể phát ra tiếng chim hót.

{keywords}
Những tiếng suối chảy róc rách hay tiếng chim hót đều được các nhà sản xuất thu âm trực tiếp

Vào năm 2018, Lixil cũng đã làm việc với Roland, một nhà sản xuất nhạc cụ điện tử ở thành phố Hamamatsu, miền trung Nhật Bản, để phát triển hiệu ứng tiếng ọc ọc đặc biệt cho một thiết bị âm thanh trong nhà vệ sinh có tên là Sound Decorator.

Shintaro Kawai, đại diện của Lixil, cho biết: “Thiết bị của chúng tôi có âm thanh dễ chịu và nâng cao hiệu suất làm át đi những âm thanh do cơ thể phát ra".

Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết là "văn hóa giấu đi" những âm thanh không cần thiết phát của cơ thể đã bắt nguồn từ hơn hai thế kỷ trước, vào thời Edo của Nhật Bản (1603-1868).

Một thiết bị thực tế được sử dụng để làm át đi những tiếng động của cơ thể vẫn đang được lưu giữ nguyên vẹn, tại Rendaiji, một ngôi đền Phật giáo khoảng 1.300 năm tuổi ở thành phố Kurashiki, miền tây Nhật Bản.

{keywords}
Ngôi đền Rendaiji tại thành phố Kurashiki, miền tây Nhật Bản

"Otokeshi no tsubo" hay "chiếc bình tiêu âm", hiện vẫn đang được trưng bày cẩn thận ở phía sau tòa nhà dành cho khách của ngôi đền. Nó bao gồm một bình đồng có đường kính khoảng 50 cm trên một cột đá cao 2 mét. Khi mở ra, một vòi gắn vào thành bình sẽ xả nước chạm vào một tấm đất sét nung đặt trên mặt đất. Và đây là cách người Nhật xưa khử âm khi đi vệ sinh.

Phòng tắm dành cho khách nằm phía sau thiết bị. Khi một lãnh chúa của gia tộc Ikeda ở trong khu của khách, thì những người phục vụ sẽ phải sử dụng thiết bị đặc biệt này.

{keywords}
Chiếc bình làm át đi những âm thanh 'đáng xấu hổ' đầu tiên ở Nhật Bản

Zoju Saeki, phó trụ trì của ngôi đền cho biết: “Thiết bị này sẽ át đi âm thanh đáng xấu hổ bằng âm thanh tuyệt đẹp của nước".

Chiếc bình hút âm thanh được đặt ở vị trí này từ năm 1799 khi ngôi đền được phục dựng lại sau một trận hỏa hoạn.

“Vào thời điểm đó, chỉ có lâu đài của vua chúa hay nơi ở của các tướng quân cùng thê thiếp của mình mới có những chiếc bình như vậy. Nhưng sau đó, nó ngày càng trở nên phổ biến và bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn trên khắp Nhật Bản. Nhưng ngôi đền này là nơi duy nhất mà chiếc bình còn nguyên vẹn như trong quá khứ", sư Saeki cho biết.

Etiquette Tone và các thiết bị giảm âm thanh khác đã làm sống lại "văn hóa tế nhị" lâu đời của người Nhật. Nhưng các thiết bị hiện đại ngày nay còn có một tác dụng khác đó chính là: làm giảm lượng tiêu thụ nước.

Qua một cuộc khảo sát, Toto phát hiện ra rằng những phụ nữ được hỏi dội nước trung bình 2,3 lần khi sử dụng nhà vệ sinh khi không có các thiết bị tiêu âm và cao hơn mức trung bình là 1,5 lần ở những trường hợp khác. Trong một văn phòng có 400 phụ nữ làm việc, thiết bị này có thể tiết kiệm 5.500 kilô lít nước hàng năm tương đương mức chi phí khoảng 3,86 triệu yên (34.000 USD).

{keywords}
Người Nhật có niềm 'đam mê mãnh liệt' với các thiết bị vệ sinh

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các công ty Nhật đã mở rộng việc phát triển các mẫu bồn cầu với nắp đậy tự động đóng trước khi xả nước, do đó ngăn không cho vi rút văng lên và bay đi. Nhiều thiết bị kiểm soát nước, không chỉ những thiết bị được sử dụng trong phòng tắm, giờ đây có tính năng không tiếp xúc cho phép người dùng thao tác mà không cần chạm vào.

Các sản phẩm bồn cầu của Nhật Bản, được phát triển bởi những nhà thiết kế chú ý đến nhu cầu tinh tế của người sử dụng, đã giúp nhiều người tránh được sự bối rối, giảm tiêu thụ nước và hạn chế vi rút. Những thiết bị này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong một nền văn hóa giàu truyền thống như Nhật Bản.