Vua Lê Thánh Tông, trong “lễ ăn thề” với thượng thư các bộ vào mùa đông năm Quang Thuận thứ 4 (1463), đã dẫn lại lời của Tư Mã Quang: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn”, cho nên: “Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi”.
Dẫn lại câu chuyện trên trong cuốn sách Chính sách đào tạo, sử dụng quan lại thời Lê Thánh Tông và công tác cán bộ hiện nay để thấy được phương châm “kén kẻ sĩ làm trước tiên phong trong phép trị nước” cũng như sự anh minh, trọng dụng hiền tài của vị vua này.
Chính sách đào tạo thời Lê Thánh Tông dựa trên nền tảng tư tưởng chính trị Nho giáo, nhằm nâng cao trình độ văn hóa trong toàn xã hội, đặc biệt là những người được giao giữ các vị trí trong các cấp chính quyền, đồng thời nhằm phát hiện và đào tạo nhân tài cho đất nước. Tất nhiên, các triều đại trước Lê Thánh Tông cũng đã chú ý đến điều này, nhưng có thể nói, tư tưởng trọng dụng nhân tài chỉ trở thành một chủ trương lớn dưới thời Lê Thánh Tông, được xây dựng thành chính sách và cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như:
Việc học hành được coi trọng, nhân tài được bồi dưỡng, trọng dụng. Có nhiều hình thức phong phú khuyến khích người đi học và học thành tài.
Ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh thành, vua cho mở thêm nhiều trường ở các địa phương. Ví dụ, ở xứ Đông (gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh) văn miếu Mao Điền được xây dựng vừa làm nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa làm trường thi của vùng.
Nhà vua xem trọng sự học, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền nếp và cải tiến nội dung, hình thức thi theo hướng phát hiện nhân tài qua các kỳ thi và khảo khóa. Ai cũng có thể đi học, đi thi. Quân lính cũng được phép đi thi. Những người đỗ đạt cao, được ban các danh hiệu cao quý, được vua ban áo mũ cân đai, ngựa tốt, được vinh quy bái tổ và được trọng dụng ngay. Vì thế trong thời kỳ này số người đi học khá đông.
Trong hơn 800 năm tồn tại của Khoa cử Nho học Việt Nam, chỉ có 183 khoa thi với 2.898 người đỗ. Còn theo sách “ Các nhà Khoa bảng Việt Nam” thống kê: Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì ( từ 1460-1497), đã tổ chức được 12 kỳ thi Đại khoa; trong đó có tất cả 501 người đỗ đạt gồm: có 9 Trạng nguyên; 10 Bảng nhãn; 10 Thám hoa; 159 Hoàng giáp; 313 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Cách học, cách thi đó đưa đến sự chấn hưng nền giáo dục, tạo ra nhiều nhân tài. Đúng như Phan Huy Chú đã nhận định trong sách Lịch triều Hiến chương loại chí : “ Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”.
Chính sách sử dụng quan lại thời Lê Thánh Tông có nhiều điểm mới, đáng nghiên cứu, học hỏi, thể hiện trên các mặt: tuyển dụng, sắp xếp, bố trí và đổi mới đội ngũ quan lại. Hai đối tượng chính mà thời Lê Thánh Tông tuyển dụng gồm những người chưa từng làm quan và những người đang làm quan nhưng cần thăng giáng, thuyên chuyển hoặc phải “đào tạo lại”.
Trong đó, những người chưa từng làm quan chủ yếu gồm những người được đào tạo bằng con đường học hành, khoa cử là đối tượng được triều đình chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển dụng.
Thời Lê Thánh Tông, chế độ bổ dụng vương hầu, quý tộc vào các trọng trách của triều đình bị bãi bỏ, chỉ lấy những người có khả năng thực sự. Tầng lớp vương hầu không còn đặc quyền về chính trị, chỉ còn ưu đãi về kinh tế, việc đó là nhằm ngăn chặn tệ thao túng quyền lực từ tầng lớp này.
Tinh thần nhất quán của vua Lê Thánh Tông trong khoa cử là các vấn đề chính sự, tìm nhân tài quản lý đất nước và đề xuất các giải pháp cai trị đất nước. Ông đòi hỏi các Nho sĩ phải đưa ra được kế thuật trị nước an dân. Sự thịnh trị của giáo dục khoa cử thời kỳ này thể hiện qua việc các kỳ thi tuyển nhân tài thường xuyên, liên tục được tổ chức (trong vòng 40 năm), và hầu hết số tiến sĩ tuyển chọn qua các kỳ thi này đã tham gia vào bộ máy của nhà nước, được bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực ở kinh đô và ở các đạo, trấn.
Về cách thức tuyển dụng, so với hai cách tuyển là nhiệm tử, là định lệ của nhà nước dựa vào ân trạch của cha ông mà được bổ vào một chức quan nào đó (tuy nhiên, Lê Thánh Tông chỉ thực hiện rất ít chế độ nhiệm tử); và tiến cử (chọn nhân tài từ trong nhân dân, không căn cứ vào thân phận), bảo cử (chọn những quan lại có quá trình công tác tốt, có tài năng và kinh nghiệm thực tiễn quan trường mà bổ vào những chức vị quan trọng), thì khoa cử là phương thức chủ yếu được sử dụng để tuyển lựa quan lại.
Trong việc sắp xếp, bố trí quan lại, đáng chú ý là luật hồi tỵ. Theo luật hồi tỵ, những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở. Đây là một chính sách quản lý quan lại giúp ngăn chặn tệ lợi dụng quan hệ thân tộc để gây bè, kéo cánh, được lịch sử đánh giá là chế độ quản lý quan lại thành công của thời đại phong kiến Việt Nam.
Nhiều biện pháp nhằm đổi mới đội ngũ quan lại thời Lê Thánh Tông có nghĩa sâu sắc không chỉ trong giai đoạn lịch sử đó, mà còn là những bài học đúng đắn, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đã và đang được ứng dụng và thực hiện trong công tác cán bộ hiện nay của nước ta, như khảo khóa (đánh giá, xem xét hiệu quả công việc của quan lại theo định kỳ, theo khóa); luân quan (luân chuyển quan lại); lệ giản thải (quan lại nếu không đáp ứng được yêu cầu hoặc bất tài đều bị bãi)…
Những chính sách đào tạo, sử dụng quan lại đúng đắn, đầy sáng suốt trong những năm trị vì cho thấy, Lê Thánh Tông là một vị vua rất có bản lĩnh và quyết đoán, có nhãn quan chính trị sâu sắc, tầm nhìn chiến lược về vị trí, vai trò của con người chính trị trong bộ máy quyền lực nhà nước. Đúng như lời nhận xét của Phan Huy Chú: “Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức vận nước tươi sáng do khoa mục xuất thân, nhân tài đầy rẫy, đủ cung cho nước dùng”.
Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài (bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao) trở thành khâu đột phá chiến lược.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng. Quan tâm thu hút nhân tài, đối xử thành thực, nhân ái và trọng dụng nhân tài. Tư tưởng này toát lên từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Người, thông qua những việc làm rất cụ thể và với tình cảm yêu thương, nhân ái bao la để thu hút, khích lệ nhân tài yên tâm cống hiến.
Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này, Hội nghị Trung ương 9 (khoá X) xác định một trong những nhiệm vụ rất cần thiết là “triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”.
Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”. Đại hội XI khẳng định: “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”; “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài”; “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài…”.
Hiện thực hóa những quan điểm, chủ trương này cần phải xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nhân tài, sao cho mỗi người Việt Nam phát huy được tối đa tài năng và nhiệt huyết, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Đảng ta đã đề ra yêu cầu: “Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH” và “tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia giỏi; xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cán bộ”.
Hoàng Hiệp, Thế Long, Bích Hạnh
11/11/2021 05:17