{keywords}


Clip: Toàn bộ cuộc trò chuyện của TS Đặng Kim Sơn.

Nhà báo Hà Sơn: Sinh năm 1954 - năm chiến dịch Điện Biên Phủ, vậy tuổi thơ của ông có gì đặc biệt?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi sinh ở chiến khu Việt Bắc. Mẹ tôi làm văn thư đánh máy cho Tổng cục Hậu cần còn bố chỉ huy công tác hậu cần trên chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ 2 ngày sau khi tôi sinh, Chiến dịch Điện Biên toàn thắng nên đáng ra tên tôi đã được đặt là Điện Biên nhưng trên chiến khu khi đó có một loạt trẻ con ra đời, con bác Võ Nguyên Giáp cũng tên Điện Biên, con bác Vũ Văn Cẩn cũng tên Điện Biên nên bố tôi bảo: "Nó đẻ trên núi đặt tên là Sơn, bố Giang con Sơn là hợp".

Tôi sinh ra vào những ngày hòa bình đầu tiên của đất nước, nhưng tuổi thơ trên đất nước thanh bình thật ngắn ngủi, tiếp theo đó là những tháng ngày cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa rồi chiến tranh chống Mỹ. Tuổi trẻ gắn với thời kỳ chuyển mình sang kinh tế thị trường nên tuổi thơ của tôi khởi đầu từ yên bình trải qua đầy biến động như bao thanh niên cùng trang lứa, đó là một tuổi trẻ rất khốc liệt.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Mẹ ông là một nhà giáo, bố là lão thành cách mạng, vậy ngày ông còn nhỏ đã được bố mẹ rèn rũa như thế nào?

TS Đặng Kim Sơn: Bố tôi lấy sự nghiệp chung làm lý tưởng, ông rời nhà khi 18 tuổi và theo đuổi nó cho đến chết. Còn mẹ tôi là người vì gia đình, trẻ chăm sóc em, lớn lên bao bọc chồng, con, về già nuôi dạy các cháu. Sự gắn bó của bố và mẹ hướng chúng tôi vào cả lý tưởng và tình cảm. Chúng tôi được hưởng thụ nét văn hóa hồn hậu hòa với ý chí chiến đấu kiên cường nên đoàn kết với nhau, sẵn sàng chịu đựng thách thức, vượt qua khó khăn. Giá trị quý báu này không đo được bằng tài sản, vật chất hay uy thế, quan hệ nhưng bền và lành, gắn với mình và hòa với mọi người.

Nhà báo Hà Sơn: Bố ông - thiếu tướng Đặng Kim Giang, một lão thành cách mạng có tinh thần đổi mới, người rất gắn bó với ngành nông nghiệp, vậy truyền thống gia đình và những khác biệt đó có ảnh hưởng đến lối tư duy, cách làm của ông?

TS Đặng Kim Sơn: Bố tôi và thế hệ cha, anh đi trước để lại cho chúng tôi không chỉ tinh thần đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước mà cả quyết tâm sáng tạo phát triển kinh tế, xã hội. Không chỉ ý trí kiên cường chiến đấu với quân thù mà cả lòng yêu quý vì người dân. Xuất thân từ một gia đình nông dân tỉnh lúa Thái Bình nên khi hết chiến tranh chống Pháp, bố tôi lại giải ngũ về làm các nông trường. Tôi yêu nông nghiệp, nông thôn từ tình cảm của bố.

Ông từng được giữ lại trường ĐH Nông Nghiệp công tác nhưng lại chọn một nơi mới lạ và bỡ ngỡ hơn là đồng bằng sông Cửu Long để lập nghiệp, vì sao vậy?

TS Đặng Kim Sơn: Đấy là câu chuyện thú vị. Tôi tốt nghiệp đại học năm 1976, đất nước vừa thống nhất, mở ra một cơ đồ phát triển nông nghiệp ở phía Nam tổ quốc. Ai muốn làm nông nghiệp chẳng mơ đến Nam Bộ, đến Đồng bằng sông Cửu Long? Tôi háo hức lắm, mong được vào miền Nam khai hoang đưa đất nước đi lên về nông nghiệp. Trong hàng trăm sinh viên khóa 17 của tôi học khi đó giữ đâu khoảng 10 người được ở lại trường để thi để trở thành giảng viên, trong đó có tôi. Ở thời kỳ bao cấp khó khăn một vị trí quan trọng, cuộc sống ổn định, có hộ khẩu Hà Nội là vinh dự và cơ hội to lớn đảm bảo so với tương lai bất định của những thanh niên đi về vùng quê xa xăm.

Khi tôi xung phong ra đi, mọi người thấy lạ bảo sao dại thế. Thú thực, bên cạnh ước mơ thử thách, tôi cũng thấy sợ sự tẻ nhạt, giáo điều. Lúc đó cách thức giảng dạy ở trường chưa đổi mới, khá kinh điển và chương trình đào tạo chưa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, sức sống thiết thực của sản xuất hay thị trường vọng về thật sự rất ít. Yêu cầu được chấp nhận, tôi đi thẳng vào vùng Hà Tiên tận cùng của đất nước, lúc đó vô cùng khó khăn, phèn, mặn, nước thiếu, điện không có và bắt đầu vang lên tiếng súng xâm lược của Khme Đỏ. Tuổi trẻ thật là mạnh mẽ, khát vọng và niềm say mê khi gặp được sự giàu có của đồng bằng sông Cửu Long cùng sáng tạo của người dân Nam Bộ làm tôi trở thành say mê vùng đất đó, lấy vợ, đẻ con và gắn bó đến hàng chục năm sau.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Đó không chỉ là một sự liều lĩnh của một người vừa tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp nhưng lại có một sự thay đổi về tư duy cũng như là một sự dấn thân. Nhưng khi đã trở thành một chuyên gia, nhận được suất học bổng du học Mỹ ở ngôi trường danh tiếng Harvard ông cũng lại xin chuyển trường. Vì sao vậy, thưa ông?

TS Đặng Kim Sơn: Sau mười mấy năm làm việc ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến đầu thập kỉ 1990, tôi trở thành chuyên gia nông nghiệp làm cho đoàn cố vấn Hà Lan trong dự án của Ngân hàng Thế giới về Quy hoạch Tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long. Đúng vào lúc tôi đang rất say mê với những đề án phát triển dài hạn của châu thổ MeKong thì Việt Nam cũng bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, tôi rất may mắn nhận được học bổng Fulbright đi du học.

Quá trình được chọn học bổng cũng rất thú vị và mãi về sau tôi mới biết người giới thiệu mình là anh Cao Đức Phát. Anh Phát năm đó học Harvard đạt kết quả rất tốt nên được theo một quy tắc đặc biệt là khi tốt nghiệp được hỏi ý kiến để giới thiệu một người nhận học bổng. Chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ nên được anh Phát biết đến là do đọc quyển sách ''Hệ thống canh tác ĐBSCL'' của tôi và xem bài báo của bác Nguyễn Khắc Viện viết trên báo Nhân Dân năm đó.

Đang công tác ở viện nghiên cứu xa xôi, cách Cần Thơ 25 km mà nhận được học bổng sang Harvard học, khỏi phải nói là tôi choáng đến mức nào. Tôi không tin mình được đi, rồi sang đến nơi lại ngã ngửa ra khi thấy “bạn học” toàn là vương tôn, công tử Trung Đông, CEO các tập đoàn xuyên quốc gia, xem chương trình học toàn những vấn đề quốc gia, quốc tế hoành tráng. Nghe thích lắm nhưng biết phận mình học những món đó về ai mà dùng... Tôi cảm ơn ban quản lý chương trình rằng: "Sợ các ngài chọn nhầm vì tôi là dân kỹ thuật, chỉ ước mơ học để về làm nông nghiệp và đề nghị nếu được, xin cho chuyển sang một trường nào dạy làm nông''.

Những người tốt bụng ấy đã chấp nhận đề nghị được coi là ngớ ngẩn của tôi và báo lại là trường Stanford đồng ý nhận anh nếu thi vào đạt điểm và cảnh báo rằng trường này khó chả kém gì Harvard. Điếc không sợ súng, tôi chấp nhận thử thách đó và thi đỗ vào ĐH Stanford một cách nghiêm túc sau 1 năm học chuẩn bị. Ở ngôi trường danh tiếng này có “Viện nghiên cứu lương thực”, không dạy gì về kỹ thuật chủ yếu về chính sách nông nghiệp và đó chính là môn tôi mong muốn. May mắn thay, tôi đã lấy được bằng master cuối cùng của trường. Ngay sau khi tôi tốt nghiệp, trường đóng cửa vì ngành chính sách nông nghiệp không có nhu cầu lớn ở đây nữa.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Thời làm Viện trưởng Viện Kinh tế, ông đã mạnh tay thay đổi nhiều nhân sự cũ của Viện. Điều gì thôi thúc khiến ông phải mạnh tay không ngại đụng chạm?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi có vài năm làm công tác quy hoạch nông nghiệp, lại vài năm tham gia quản lý một nông trường khai hoang rồi được học về chính sách nông nghiệp nên hiểu rằng công tác hoạch định chính sách quan trọng lắm, muốn chính sách đi vào cuộc sống bản thân nó phải dựa vững trên căn cứ khoa học. Khi tôi về Viện Kinh tế anh em ở đấy đều học hành bài bản, đa số học ở Liên Xô, Đông Đức,… rất giỏi về kinh tế kế hoạch nhưng hầu như rất mới về kinh tế thị trường.

Tôi lại thấy nhiều anh em trẻ đi học giỏi kinh tế thị trường từ các nước Nhật, Pháp, Mỹ, Úc,… trở về nhưng không có đất dụng võ. Một Viện nghiên cứu kinh tế chính sách theo kinh tế thị trường mà chỉ đạo nghiên cứu theo kinh tế kế hoạch rất không ổn. Thế nhưng ai cũng biết khi đụng chạm đến con người, đến thể chế vướng nhất là vấn đề quyền lực, rời khỏi ghế dù là trưởng phòng hay viện trưởng đều rất gian nan, ''đầu rơi, máu chảy'' là chuyện có thể. Vấn đề là không phải một người mà là một tập thể. Thế nhưng không thay đổi điều căn bản này thì mọi việc khác là vô nghĩa.

Không biết là may hay không may, tôi về Viện Kinh tế trong tình trạng rất khó khăn, hai đồng chí viện trưởng trước tôi đã bị bắt vì chuyện nọ, việc kia. Cán bộ ly tán, ai cũng buồn và muốn thay đổi. Tôi thẳng thắn với anh em rằng các đồng chí đã cống hiến, đóng góp rất tốt, nhiều người hy sinh cả xương máu trong chiến tranh chứ đừng nói gì mồ hôi và chất xám trong hòa bình. Nếu các đồng chí cùng đồng lòng lùi xuống một bước, không phải cho tôi mà để anh em trẻ, mới được đào tạo về, năng lực tham gia quản lý, các anh giúp họ về kinh nghiệm để cùng nhau làm.

Tất nhiên ở mức Viện trưởng quyền hạn chỉ là bàn từ cấp trưởng bộ môn, phòng ban trở lại thôi. Buồn lắm, tự ái lắm, nhưng không thể ngờ mọi người đều ủng hộ tôi, ủng hộ đơn vị. Tôi vẫn nói không phải mình tài ba gì mà chính sự hy sinh của anh em mới đóng góp to lớn để sau 5 năm, một viện cũ nát, nợ nần, tài khoản bị đóng băng trở thành nơi đầy sức sống đưa ra hàng loạt chính sách chủ trương, cơ quan tham mưu không chỉ cho Bộ Nông Nghiệp mà cho Đảng cho Quốc hội rất mạnh mẽ.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Ở vị trí đứng đầu quyết liệt và làm công tác tư tưởng tài tình để mọi người rũ bỏ vị trí, nhưng trong một khoảnh khắc nào đấy ngày đó hoặc bây giờ nhìn lại sự thay đổi khi ấy, ông có hối hận?

TS Đặng Kim Sơn: Có, có những day dứt. Bởi tôi và anh em đều hy vọng mọi cái đi lên theo hướng tốt hơn, sự hy sinh của anh em lớp trước tạo được 10 thì sau này anh em lớn kế tiếp phải làm được 100... Có như thế những hy sinh của thế hệ trước mới không trở thành vô nghĩa. Nhưng càng ngày tôi ngẫm ra lời bố nói khi xưa: "Cách mạng không đi theo một đường thẳng đâu con ạ, có lúc thành công, lúc thoái trào, quá trình tiến hóa cũng thế, phải bền lòng''.

Tin là về cơ bản sẽ đi lên, nhưng từ điểm xuất phát đến thắng lợi cuối cùng rất nhiều giai đoạn đi xuống. Được nhường đường, đàn em tiến lên một thời gian phát triển rất tốt nhưng hình như cũng có lúc mắc lại những lỗi của lớp trước, thậm chí lỗi mới lạ hơn, cũng quan liêu, cũng kèn cựa, bảo thủ theo kiểu mới và cũng khó chấp nhận lùi bước cho một lớp trẻ khác có năng lực hơn vươn lên. Có lẽ nếu cứ phải đi vận động anh em như tôi khi đó hay ngồi đợi đến lúc người ta đủ tuổi về hưu như bây giờ mọi người đều trở thành nạn nhân của sự thay đổi và sẽ chẳng còn nhân tài trong các cơ quan. Đất nước cần có được cơ chế tự động chọn người theo năng lực và hiệu quả.

Nhà báo Hà Sơn: Từng lãnh đạo một viện nghiên cứu chuyên tư vấn chính sách cho Bộ Nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), lại là người liều lĩnh, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, có lúc nào tiếng nói của Viện trái ý, chưa nhận được đồng tình, lắng nghe từ phía cơ quan chủ quản?

TS Đặng Kim Sơn: Việc viết ra chính sách và làm chiến lược là nhiệm vụ các cục, vụ trực thuộc Bộ làm. Viện chỉ nghiên cứu cơ sở khoa học giúp họ, khi chính sách ra xem nó có vào cuộc sống, hiệu quả không? Nói đơn giản là làm tham mưu, còn quyền quyết định ở các cấp quản lý nhà nước. Thật ra, nước mình rất cần những viện nghiên cứu chính sách có năng lực, chúng ta nhiều khi cứ buồn phiền vì những chính sách đưa ra không có căn cứ khoa học, không chỉ ngô nghê mà còn bị lợi dụng bởi nhóm lợi ích.

Vai trò của nghiên cứu là ngăn chặn chuyện đó và phải đưa ra đề xuất. Đã là anh đóng vai ngăn cản, đánh giá thì rất khó, phải thật khoa học, phải chứng minh được, phải công tâm người ta mới nghe. Bình thường hay gặp phải hai phản ứng. Trước kia chủ yếu là do không hiểu nhau, do tư duy và cách đặt vấn đề khác nhau, nhưng sau này còn xuất hiện thêm những lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, khi có những mâu thuẫn như vậy nảy sinh, ý kiến của anh tham mưu bị thách thức.

Nếu ngang cấp với nhau họ bàn bạc, tranh cãi, còn nếu khác cấp có khi bị phê bình, bị chỉ đạo khác đi. Rất mừng là có những ý kiến Viện chúng tôi đấu tranh thành công ví dụ như chủ trương đa dạng hóa đất trồng lúa. Như chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo các cấp, trong suốt quá trình đổi mới cũng phải đấu tranh bằng cách đưa ra những điển hình thức tế, những con số tính toán, những ví dụ quốc tế để làm bằng chứng thuyết phục mọi người tin theo, đồng lòng theo, xây dựng thành chính sách chung. Đó đều là công tác nghiên cứu. Chính sách đúng phải dựa theo quy luật, thuyết phục được mọi người theo chính sách đúng phải dựa vào bằng chứng tin cậy.

Nhà báo Hà Sơn: Từng làm Viện trưởng tới hai Viện, vậy kỷ niệm nào về nghề nghiệp đáng nhớ nhất với ông?

TS Đặng Kim Sơn: Cách đây 10 năm, nước ta sau giai đoạn phát triển rất hoành tráng kinh tế phát triển nhanh, xóa đói giảm nghèo mạnh, thu nhập tăng vọt, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, nền kinh tế hiệu quả thấp, công bằng xã hội không đều, môi trường sinh thái xuống cấp. Đảng và nhà nước có những suy nghĩ trăn trở mới, bắt đầu xây dựng cương lĩnh mới. Thời điểm đó hội đồng lý luận Trung ương mời tôi đến và đặt vấn đề chuẩn bị một chuyên đề để báo cáo trước Bộ chính trị. Tôi về chuẩn bị, từ kiến thức học được đến kết quả nghiên cứu và thực tiễn sản xuất đưa vào hết một bài trình bày Powerpoint.

Một buổi sáng tôi được mời đến văn phòng Trung ương để báo cáo với các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và các đồng chí Bộ chính trị. Sau hơn một giờ lắng nghe chăm chú, đồng chí Nông Đức Mạnh nói với tôi các ý kiến nêu ra thẳng thắn và thú vị, đồng chí có thể báo cáo trước Trung ương nghe được không?, tôi bảo nếu như thế thì vinh dự quá.

Và thế là tôi có dịp báo cáo gần như suốt một buổi sáng cho Ban chấp hành Trung ương nghe trong dịp các đồng chí xây dựng Nghị quyết về Nông nghiệp - Nông dân –Nông thôn. Tôi chỉ nhớ sau buổi nói chuyện hôm ấy buổi chiều các đồng chí có thảo luận và đa số ủng hộ tinh thần đổi mới hơn, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Cao Đức Phát lúc này là Bộ trưởng dắt tôi ra Hồ Tây uống bia rất say sưa, nước mắt tràn trề cảm động. Tôi nghĩ đấy là niềm vui nhớ mãi trong cuộc sống làm việc của mình.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Ông chuẩn bị lập Viện mới, vì sao ông có quyết định đó?

TS Đặng Kim Sơn: Nói thật tôi rất ghét làm quản lý, chỉ thích làm nghiên cứu thôi. Nếu bây giờ đi chạy làm các cơ quan quản lý nhà nước thì sợ lắm, thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ rồi bình bầu cuối năm - những thứ tôi rất chán. Thế nên trong thời kỳ 15 năm làm Viện trưởng làm Giám đốc tôi cố gắng chịu đựng để đạt được cái ước mong của mình, nên khi được về hưu chỉ mong được về nghỉ thôi. Thế nhưng khi trở về tôi vẫn thấy có hai điểm không yên tâm. Thứ nhất, chúng ta cứ thấy nông dân được mùa mất giá, người dân không biết thị trường ở đâu cả mà cả nước chưa có một cơ quan nghiên cứu về thị trường nông sản, nằm trong một bộ ngành nào để chỉ đường, dẫn lối cho người nông dân của mình, bán gì, bán ở đâu và bán cho ai...

Chúng ta đã đi ra biển lớn hội nhập toàn cầu hóa mà người dân và doanh nghiệp vẫn như những con tàu thiếu la bàn, thiếu hải đồ, mù về thị trường. Thứ hai, là nông dân ta sản xuất nhỏ như những củ khoai tây, có gói lại cũng rời rạc nhau mỗi nơi một củ. Không gắn kết, không phối hợp làm sao sản xuất lớn được, nông dân nhỏ không kết nối được với doanh nghiệp, với ngân hàng,… ra thị trường khác là bị bắt nạt. Nông dân nhỏ muốn mạnh phải tổ chức trong hợp tác xã, trong liên đoàn.

Cũng chưa có cơ quan nghiên cứu nào đủ mạnh để giúp dân làm công việc tối quan trọng nhưng rất khó khăn này. Tôi cũng liều bàn với anh em Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng một Viện trực thuộc trường ước mong sẽ làm hai nhiệm vụ, một là kết nối nông dân, hai là nghiên cứu thị trường. Viện ấy có tên là ''Nghiên cứu thị trường nông sản và thể chế nông nghiệp''. Tuy nhiên để chấp nhận anh em tôi đã cố cuộc chơi rất khó, khởi nghiệp ở tuổi già mà phải tự túc hoàn toàn, không có trụ sở, không có tiền lương, không có máy móc, bỏ tiền túi ra làm. Phải nói thật là mệt mỏi và vất vả nhưng nếu còn ước muốn, còn nung nấu làm được điều có ích tôi nghĩ mọi người sẽ cùng đến với mình. Việc đời cần, mình không làm được, sẽ có người làm được nhưng phải có người bắt đầu hành động, đừng nói nhiều nữa.

Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Quý - Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Hằng Trần