RỪNG BÊ TÔNG NGỘT NGẠT CỦA HÀ NỘI NHÌN TỪ BÊN KIA SÔNG

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội giờ đây ngồn ngộn những tòa cao ốc, chung cư. Những người từ tỉnh khác hoặc ai đó đi xa quay trở về nội thành sẽ cảm thấy ngột ngạt ngay từ khi nhìn thấy thủ đô qua các cây cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy...

Trong số các ngả đường tiến vào trung tâm Hà Nội, hướng từ cầu Nhật Tân là nơi dễ nhận thấy nhất những công trình cao ốc, tòa chung cư ngày càng mọc lên tua tủa. 

Kể từ khi khánh thành vào năm 2015, cầu Nhật Tân là cửa ngõ quan trọng, tuyến giao thông huyết mạch, kết nối trung tâm thủ đô với huyện Đông Anh và sân bay Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Bởi thế, những năm gần đây, các dự án bất động sản mọc lên nhan nhản ở phía đầu cầu thuộc địa bàn hai quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm.

Ngay cả ở đầu cầu Nhật Tân phía huyện Đông Anh, vài năm nay cũng đã mọc lên ba tòa nhà chung cư hiện đại mang tên Intracom Riverside. Những dự án kiểu như thế này có thể phục vụ những người muốn cư trú sát trung tâm Hà Nội mà vẫn được tận hưởng hơi thở của vùng ven, ngoại thành.

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thủ đô của cả nước sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây thành phố. Đó là lý do các khu đô thị ở gần bờ sông, hai đầu cầu bỗng có giá hơn hẳn. Nhiều nhà đầu tư đã nhắm những vị trí này để xây dựng các dự án bất động sản.

Ngả đường tiến vào nội đô thứ hai là hướng cửa ngõ Đông Nam đoạn cầu Vĩnh Tuy nhìn sang, những khối nhà hình hộp san sát nhau ở ngay đầu cầu bên phía quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Mỗi khi lưu thông từ quận Long Biên qua cầu Vĩnh Tuy để vào nội đô ở cửa ngõ phía Đông Nam, người đi đường cảm thấy ngồn ngộn những tòa nhà cao tầng chắn ngay trước mắt. 

Tại đây, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Đó là lý do nhiều dự án bất động sản mọc lên những năm gần đây ở các khu vực hai bên đầu cầu Vĩnh Tuy.

Khi lưu thông từ quận Long Biên về trung tâm thủ đô, có thể thấy toàn bộ khu vực bên trái là các khu đô thị Times City rộng 36,5 ha, UDIC Riverside 1, Amber Riverside, Green Pearl... Bên phải là các dự án Hòa Bình Green City, Imperial Sky Garden... 

Đây cũng là nơi trục đường Vành đai 2 đi qua theo lộ trình: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy. 

Hướng vào nội đô từ hai cây cầu bắc qua sông Hồng cũ nhất của Hà Nội là Long Biên và Chương Dương có tầm nhìn thoáng hơn khi ít dự án nhà cao tầng mọc lên.

Lý do, theo đồ án không gian nội đô lịch sử, xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình ở phố cổ chỉ được phép cao từ 3 đến 4 tầng (12-16 m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m.

Điểm cuối của hai đầu cầu Long Biên và Chương là khu phố cổ trải rộng 81 ha trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 10 thế kỷ, phố cổ chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô. Nơi đây chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Năm 2004, khu phố cổ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia cần được bảo tồn, tôn tạo đặc biệt. Trong ảnh là vòng xoay Chương Dương, điểm đầu kết nối với các tuyến phố cổ Hà Nội.

Khu vực hồ Gươm được bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng...