Đã hơn 10 năm, Việt Nam tiếp nhận tổ hợp S-300PMU1, và theo tiêu chuẩn được nhà sản xuất Nga đặt ra về thời gian bảo quản và nâng cấp với S-300PMU1 của Việt Nam là 10 năm. Theo đó, đạn tên lửa 48N6E được lắp trong thùng kín là ống phóng kiêm ống bảo quản, có thời gian khai thác sử dụng tới 10 năm mà không cần bảo dưỡng.

Đến nay, việc kiểm tra và tăng hạn sử dụng đạn là yêu cầu bắt buộc, giúp tăng niên hạn thêm 10 năm nữa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các tiến bộ khoa học công nghệ cũng đã đưa những phương tiện tiến công đường không có bước phát triển mới, do vậy S-300PMU1 của Việt Nam cũng cần có những nâng cấp, cải tiến để duy trì sức mạnh phòng thủ.

Tuy nhiên, việc cải tiến và nâng cấp hệ thống S-300PMU1 lên chuẩn nào còn phải căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể. Và nếu được nâng cấp theo chuẩn S-300V4, sức mạnh của các tổ hợp S-300 trong lực lượng phòng không Việt Nam sẽ mạnh ngang với S-400.

Theo Tập đoàn Almaz-Antey, mặc dù bị đánh giá là người tiền nhiệm, nhưng các tính năng kỹ thuật chính giữa S-300V4 và S-400 Triumph cơ bản giống nhau, thậm chí S-400 Triumph còn thua ké ở một số tính năng. Đặc biệt, hệ thống tên lửa S-300V4 được sử dụng khung gầm xích, cho phép đi trên bất kỳ địa hình nào - điều mà hệ thống S-400 không làm được.

Đại tá Sergey Vlasov, người phát ngôn lục quân Nga cho biết: Tính năng chiến đấu của S-300V4 hơn bản tiêu chuẩn từ 1,5 tới 2,3 lần. Điều này có được là do S-300V4 được áp dụng nhiều công nghệ sử dụng trên tổ hợp tên lửa S-400 Triumph.

Trước đó, ba trung đoàn được trang bị hệ thống S-400 đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Moskva và các vùng trọng yếu của Liên bang Nga. Dự kiến, hệ thống phòng không S-400 Triumf mới sẽ được trang bị cho 12 trung đoàn tên lửa của Lực lượng Phòng không Nga trước năm 2020.

Hãng TASS ngày 20/11 dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, ông Alexei Zolotukhin cho biết: “Lực lượng Phòng thủ không gian vũ trụ Nga hiện có bốn trung đoàn phòng không được trang bị hệ thống S-400 Triumf. Các trung đoàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Moskva và khu vực công nghiệp trung ương”.

Chính vì vậy, trước đó Nga đã liên tục tăng cường phòng thủ cho Moskva bằng những hệ thống S-400. Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã liên tiếp biên chế 4 trung đoàn phòng không S-400 làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô.

Cụ thể, S-300V4 có khả năng tiêu diệt không chỉ mọi loại mục tiêu khí động như máy bay, trực thăng, máy bay không người lái mà cả tên lửa chiến thuật. Vị quan chức này cho biết thêm, mỗi hệ thống S-300V4 sử dụng cùng lúc 2 loại tên lửa phòng không để đảm bảo khả năng tiêu diệt các mục tiêu.

Tổng giám đốc Tập đoàn Almaz-Antei, ông Yan Novikov cho biết: “Hệ thống S-300V4 so với các hệ thống thế hệ trước có diện tích bảo vệ chống tấn công đường không mở rộng gấp 2-3 lần và tầm bắn mục tiêu bay lớn hơn. Các tham số này cho phép đánh chặn chắc chắn đầu đạn tên lửa tầm trung”.

S-300V4 đã được nâng cao khả năng chiến đấu thông qua việc trang bị thêm các thành phần mới như phần cứng máy tính và phần mềm điều khiển hiện đại, cho phép cải thiện các thông số kỹ thuật và hoạt động của hệ thống đáp ứng các điều kiện làm việc của các đơn vị chiến đấu.

Và từ tầm 400 km, một hệ thống S-300V4 có khả năng đồng thời bắn và tiêu diệt chắc chắn 24 mục tiêu khí động, trong đó có các mục tiêu có độ bộc lộ thấp như máy bay tàng hình, hay 16 tên lửa đường đạn bay với tốc độ đến 4.500 m/s.

Các tên lửa tầm ngắn và tầm trung thậm chí phóng từ cự ly 2.500 km lập tức bị bắt bám, các thông số của chúng được nạp vào hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu.

Theo Đất Việt