Sóc Trăng là địa phương có hơn 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm 30,19% dân số toàn Tỉnh. Do có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, với đặc thù ít đất sản xuất, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán… nên đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn có tới trên 7.100 hộ Khmer nghèo.
Tỉnh Sóc Trăng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Chương trình tích hợp 118 chính sách với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung chính sách thành phần, trong đó có nhiều chính sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Khắc Trung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có trên 35% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hơn 30% dân tộc Khmer. Chương trình đã góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển, sản xuất, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Từ năm 2021- 2023, tổng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng được phân bổ cho tỉnh trên 267 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 236 tỷ đồng. Tính đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư mới 113 công trình, đường giao thông nông thôn, hạ tầng khu vực chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng…, duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn vốn đầu tư theo lộ trình kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tỉnh sẽ lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chương trình, dự án khác và huy động nguồn lực xã hội để triển khai đầu tư đồng bộ cơ sơ hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của UNESCO, giáo dục có tác động trực tiếp và gián tiếp tới cả tăng trưởng kinh tế cũng như đói nghèo. Dạy học cung cấp các kỹ năng làm tăng cơ hội việc làm và thu nhập, đồng thời giúp đưa mọi người tránh xa rủi ro kinh tế xã hội. Phát triển giáo dục bình đẳng hơn là khả năng giảm bất bình đẳng, để người nghèo tiến cao hơn trong xã hội.
Với tinh thần đó, chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hệ thống các trường dân tộc nội trú được tỉnh và ngành Giáo dục xác định là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.
Theo ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2021, ngành Giáo dục tỉnh được thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có nội dung: củng cố, phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú, với 102 lớp và 3.352 học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học. Vừa qua, 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng.
Thị xã Vĩnh Châu có 53% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ nhiều nhất của tỉnh. Thời gian qua, Thị xã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer với phương châm không để em nào có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Năm học 2023 - 2024, thị xã đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa các điểm trường trên địa bàn.
Sáng 13/8, tại chùa Quan Âm Đông Hải, đoàn từ thiện đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tổ chức phát quà cho học sinh người Khmer có hoàn cảnh khó khăn, trước thềm năm học 2023 - 2024.
Tại buổi phát quà, các nhà hảo tâm cùng chính quyền địa phương đã tặng cặp, sách giáo khoa, tập và dụng cụ học tập cho 400 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (từ lớp 1 đến lớp 9) là người đồng bào Khmer trên địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu.
Huyện Mỹ Tú- một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp, ngành tỉnh quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng giáo dục. Chuẩn bị cho năm học mới, ngoài hai ngôi trường Tiểu học Phú Mỹ C và Tiểu học Thuận Hưng A được xây mới với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, trên địa bàn, Trường Trung học Cơ sở Thuận Hưng đang được đầu tư xây dựng mới. Ngôi trường này đã hoàn thành khối công trình chức năng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023; phòng học sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nhiều điểm trường khác, mua sắm thêm trang thiết bị, máy tính, bàn ghế, tivi để phục vụ cho công tác dạy và học.
Sau nhiều năm học trong những ngôi trường điểm lẻ và xuống cấp, ẩm thấp, năm học 2023 - 2024, hơn 300 học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer tại khu vực xã Thuận Hưng huyện Mỹ Tú sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang - Trường Tiểu học Thuận Hưng A.
Ngôi trường mới vừa hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới này có diện tích gần 7.000 m2 với 12 phòng học, 13 phòng bộ môn, phòng làm việc… cùng tường rào xung quanh, sân chơi với mức đầu tư 14,9 tỷ đồng (chưa kể trang bị bàn ghế, trang thiết bị dạy học). Điều này sẽ giúp trường đảm bảo nhiệm vụ dạy học 2 buổi/ngày theo quy định đối với bậc Tiểu học.
Tại ấp Sóc Xoài (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú), Trường Tiểu học Phú Mỹ C vừa được đầu tư xây dựng khang trang sẽ phục vụ hơn 400 học sinh là con em đồng bào Khmer ngay trong năm học mới này. Chất lượng giáo dục tại trường sẽ tiếp tục được nâng lên khi điều kiện được đáp ứng, tạo động lực thúc đẩy cho việc dạy và học của thầy cô và học sinh.
Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Sóc Trăng đã đảm bảo kiên cố; không còn trường học, lớp học tạm; chất lượng giáo dục của tỉnh, trong từng cấp học đang từng bước nâng lên. Các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi học tập, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương.
Được biết, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường dân tộc nội trú thực hiện tốt Thông tư số 04/2023/TTGDĐT ngày 23/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú. Các trường triển khai kế hoạch đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý,... Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng nói chung.
Việc tập trung đầu tư cho giáo dục sẽ góp phần tích cực nhằm nâng chất lượng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung tại tỉnh Sóc Trăng.