Sóc Trăng nằm ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam Bộ, trong đó dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30,71 % dân số.

Ngày 19/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là việc giảm nghèo thông tin cho đồng bào, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo từng bước mang lại hiệu quả.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là giảm nghèo về thông tin, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa nhằm giảm khoảng cách tiếp cận về thông tin. Qua đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân.

Không chỉ dừng lại ở loa phát thanh, nhiều thông tin tuyên truyền về văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế, gương điển hình tiên tiến, tuyên truyền pháp luật… được xuất bản trên các ấn phẩm, tờ rơi.

Sóc Trăng xác định, báo chí chính thống là kênh thông tin đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tỉnh có chính sách phát báo bằng tiếng dân tộc tới các ngôi chùa, tới tận tay những người có uy tín… để từ đó lan tỏa tới bà con.

Qua thực hiện, các địa phương đã tổ chức lắp đặt 26 pa-nô, 37 cụm loa, 01 hệ thống phát wifi công cộng cho người dân, treo 10 băng rôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững. 

Bên cạnh đó, Tỉnh triển khai thực hiện 88 lượt phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình (trong đó có 19 chuyên mục bằng tiếng Khmer); tổ chức 01 cuộc tọa đàm với 80 lượt người dự; tổ chức 12 lượt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.

Theo Báo cáo Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến hết tháng 9/2023, Tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm; Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin…

Tính đến ngày 9/10, tổng nguồn vốn đã thực hiện giải ngân được hơn 31,8 tỷ đồng (đạt gần 70% kế hoạch vốn giao); trong đó, ngân sách Trung ương đã giải ngân trên 31,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp) đã giải ngân 303 triệu đồng (đạt 19,45% kế hoạch vốn địa phương).

Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đầu kỳ của tỉnh Sóc Trăng là 15,67% (với 52.178 hộ), trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 6,73% (với 22.409 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,94% (với 29.769 hộ). Kết quả rà soát cuối năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 12,40% (với 41.381 hộ), giảm 3,2% so với đầu kỳ, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 4,54% (với 15.139 hộ) giảm 2,19% so với đầu kỳ (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 2-3%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,87% (với 26.242 hộ), giảm 1,07% so với đầu kỳ. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số 7.524/15.139 hộ, chiếm 49,70% tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh; tổng số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 10.864/26.242 hộ, chiếm 41,40% tổng số hộ cận nghèo toàn Tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, năm 2022, Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo nội dung Dự án 4), đạt 21,66% kế hoạch. Cùng với đó, để hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, Tỉnh đã tổ chức thu thập thông tin người lao động, giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đạt 15,77% kế hoạch. Hiện 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%...

Vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa, Sóc Trăng đã xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở, từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%.

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, tuyên truyền phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả; Tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo phải có chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, tận tâm, sâu sát, có phương pháp vận động quần chúng, vững kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là các cán bộ ấp, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, xác định đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo tự vươn lên, chính quyền địa phương là cầu nối, vận động, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm nghèo...

Theo thống kê, hiện thị xã Vĩnh Châu  có 100% đường ô tô đến trung tâm thị xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3-4%. Còn tại thị xã Ngã Năm, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ vốn, cho vay ốn ưu đãi, đã có nhiều tấm gương nông dân với những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng sen, nuôi vịt xiêm, nuôi lươn, trồng nấm rơm...

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số của Tỉnh sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán… nên số hộ nghèo của Tỉnh còn nhiều.

Tính đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn còn 7.122 hộ Khmer nghèo, chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer; hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ, chiếm 2,09%.

Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo của khu vực 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo Tỉnh đứng thứ 12/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; quy mô hộ nghèo cao nhất trong khu vực, đứng thứ 13/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long…

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, Sóc Trăng chủ trương tiếp tục tập trung đầu tư hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của Tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Ngoài ra, Tỉnh quyết tâm triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương để từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Sóc Trăng tập trung triển khai, thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân vào chương trình xóa đói, giàm nghèo bền vững.

Nhóm PV