Ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh đã có buổi chia sẻ với VietNamNet về kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ về quan điểm, chủ trương của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ?

Ông Trần Ngọc Thực: Là một trung tâm phát triển công nghiệp (ngày công nghiệp chiếm trên 70% GRDP), Bắc Ninh luôn xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng.

Một trong những điểm quan trọng nhất đó là công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa đóng vai trò trong việc thu hút dòng vốn FDI, vừa là giải pháp để tận dụng cơ hội từ khu vực FDI tạo ra để từng bước thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương, giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực FDI.

{keywords}

Xác định tầm quan trọng của ngành này, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như: Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025;… Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), cũng xác định công nghiệp hỗ trợ là nền tảng phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Có thể khẳng định cùng với việc thu hút đầu từ nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ là chính sách xuyên suốt của tỉnh, là yếu tố không thể tách rời trong quá trình phát triển công nghiệp với mục tiêu quan trọng nhất là phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong nước.

{keywords}

PV: Được biết, ngay từ năm 2015, tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 229/QĐ-UBND quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều đó cho thấy mối quan tâm của tỉnh tới lĩnh vực này. Vậy xin ông cho biết, kể từ khi có quy hoạch, hoạt động CNHT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng chú ý nào?

Ông Trần Ngọc Thực: Không phải đến 2015 mà ngay từ khi Bắc Ninh phát triển các khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh đã có định hướng phát triển các doanh nghiệp trong nước để sản xuất, cung ứng các sản phẩm cho các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, nhằm tận dung tối đa cơ hội khi các tập đoàn này đầu tư tại Bắc Ninh.

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính là bước cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh mang tính bài bản và tầm nhìn dài hạn.

Tiếp tục thu hút các dự án lớn có thương hiệu sản phẩm mạnh, phân bố các dự án hợp lý làm hạt nhân cho mỗi khu công nghiệp, thông qua đó thu hút các dự án vệ tinh trong chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh, ưu tiên các dự án điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, công nghiệp công nghệ cao

Xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia từng bước vào chuỗi giá trị đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ theo các hình thức thuê, mua, nhận chuyển giao từng phần từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Hình thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy nhanh công tác đào tạo lao động dưới mọi hình thức, chú trọng nâng cao kỹ năng  lao động kỹ thuật. Đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm cung cấp linh kiện và chuyển giao kỹ thuật, lao động kỹ thuật cho ngành CNHT của cả nước.

Đến nay, Bắc Ninh đã hình thành ba ngành công nghiệp hỗ trợ trọng điểm của tỉnh là: Công nghiệp điện tử - tin học; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến nông lâm sản phẩm, thực phẩm và đồ uống với các sản phẩm cuối cùng có thương hiệu mạnh.

Trong đó, công nghiệp điện- điện tử và cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu. Toàn tỉnh có khoảng 450 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động.

Trong đó, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước khẳng định vai trò với sự gia tăng khá nhanh về giá trị và số lượng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn về số cơ sở sản xuất (90%), vốn đầu tư (chiếm 82,8%) và giá trị sản xuất (chiếm 74 %).

{keywords}{keywords}

PV: Tỉnh Bắc Ninh đã có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung. Vậy, xin ông cho biết kinh nghiệm của tỉnh trong việc phát huy nguồn lực FDI để lan toả và phát triển, hình thành các doanh nghiệp CNHT ?

Ông Trần Ngọc Thực: Trong điều kiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế, thiếu nguồn lực và công nghệ thì việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ, kết các doanh nghiệp trong nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, chính quyền đóng vừa đóng vai trò là người kết nối vừa đóng vai trò là người hỗ trợ để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận, tham gia vào chuỗi cung ứng.

 Các cơ quan nhà nước phải nắm được tình trạng ngành công nghiệp, nhu cầu của các doanh nghiệp, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ. Bắc Ninh đã triển khai mạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp như hỗ trợ mặt bằng, lãi suất,…

{keywords}{keywords}

PV: Năm vừa qua, Bắc Ninh là cầu nối khá tích cực giữa Samsung và các DN CNHT trên địa bàn. Vậy, ông có bài học kinh nghiệm gì về việc kết nối này?

Ông Trần Ngọc Thực: Ngày 21/9/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên giữa Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh với mục tiêu nâng cao tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong giá trị sản xuất do Samsung tạo ra. Thông qua hai chương trình: Chương trình tư vấn và Chương trình phát triển nhà cung ứng. Trong năm 2020, Chương trình tư vấn đã tiến hành tại 05 doanh nghiệp, năm 2021 tiến hành tại 02 doanh nghiệp và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Để việc kết nối hiệu quả, có một số vấn đề đặt ra cần phải giải quyết đó là:

 (1) Tuyên truyền cho các doanh nghiệp về lợi ích khi hợp tác với các tập đoàn; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chủ động kết nối với các doanh nghiệp FDI.
(2) Cơ quan nhà nước nắm bắt đầy đủ thông tin của các tập đoàn; tích cực hỗ trợ các tập đoàn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời, đề nghị các tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua các cuộc làm việc ở cấp cao nhất và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó đề nghị các tập đoàn cam kết triển khai các nội dung hỗ trợ.

(3) Xây dựng kế hoạch triển khai việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn theo lộ trình cụ thể. Trong đó phải lựa chọn được các doanh nghiệp tham gia để đạt hiệu quả cao nhất.

(4) Đối với chương trình tư vấn, xây dựng đội ngũ chuyên gia để từng bước tự chủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tổ chức sản xuất công nghiệp, nâng cao kỹ năng sản xuất và quản trị trong sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Thu Uyên

Ảnh và thiết kế: Nguyễn Ngọc

Infographic: Toàn cảnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam

Infographic: Toàn cảnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam

Là ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế, một năm qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.