Những ngày cận Tết, nhiều người ở Hà Nội lại tất bật di chuyển cả quãng đường vài chục km, đến những nghĩa trang có mộ phần làm lễ tảo mộ, thành tâm để con cháu nhớ về tổ tiên, cha ông, những người đã khuất.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng, tục tảo mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu.
Hàng năm, khi Tết đến xuân về, các gia đình lại tới mộ phần dòng tộc ở quê hoặc nơi an táng người thân để thực hiện công việc này.
"Tại đây con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang mộ phần sau thời gian dài không lên thăm. Tục tảo mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay tưởng nhớ tổ tiên sau thời gian dài đi làm ăn xa không về được.
Nghi lễ tảo mộ hàm ý mời tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất về xum vầy với con cháu ngày xuân, đón Tết, đó là ý nghĩa của ngày đi tảo mộ", đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Theo ghi nhận trong những ngày cuối tuần, tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), nhiều người đã mang theo lễ vật và những cành đào, cây quất tới thắp hương cúng bái tổ tiên, người thân đã mất.
Còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình ông Dương Đức Minh (70 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cùng nhau vượt hàng chục km về Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên để tảo mộ, mời gia tiên về đón Tết. Tại mộ phần gia tiên, gia đình ông Minh với nhiều thế hệ từ con cháu đến chắt, cùng tề tựu, một lòng thành kính, xúc động tưởng nhớ những người thân.
“Gia đình tập trung nhiều thế hệ trong thời tiết đẹp thế này để tưởng nhớ, mời tổ tiên về đón Tết. Khi năm mới sắp đến, chúng tôi hy vọng công việc của các thành viên trong gia đình sẽ đạt được kết quả như mong muốn, sức khỏe tốt hơn”, ông Dương Đức Minh chia sẻ.
Cách phần mộ của gia đình ông Dương Đức Minh không xa, rất nhiều người cũng tranh thủ ngày cuối tuần tới nghĩa trang của gia đình sửa biện, thắp hương hoa, mời gia tiên về đón Tết.
Cẩn thận cắm từng cành đào vào lọ hoa trước mộ người thân, bà Hoàng Thu Hồng (56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, để đến được nghĩa trang sớm, ngày hôm trước bà đã đi chợ chọn mua đồ lễ, hoa quả với tấm lòng thành kính.
“Tảo mộ trước Tết nguyên đán là nét đẹp văn hóa của người Việt, là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc. Vì thế, gia đình có bận đến mấy cũng thu xếp thời gian tảo mộ cuối năm”, bà Hồng chia sẻ.
Cũng tại nghĩa trang này, nhiều người đã chứng kiến hình ảnh xúc động, một người chồng ngồi lặng lẽ chơi bàn bên mộ phần của vợ đã mất cách đây 5 năm.
Đó là hình ảnh ông Đinh Tùng Bách (52 tuổi, ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình), sau sửa biện phần mộ cho vợ, thắp hương, ông ngồi lặng lẽ chơi đàn để tưởng nhớ người bạn đời.
“Vợ tôi từng là diễn viên, biên đạo múa nhưng không may mắc bệnh qua đời. Tôi lên đây để tưởng nhớ, chơi những khúc nhạc ngày trước vợ tôi rất thích và mong năm mới luôn bình an, sức khỏe, tài lộc với tất cả mọi người”, ông Đinh Tùng Bách chia sẻ.
Ngay cạnh đó, cũng lau phần mộ của vợ, ông Hồ Đình Tâm (69 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, mỗi năm ông lên thăm mộ 3 lần vào các dịp Thanh minh, Rằm tháng Bảy và dịp cận Tết. Những dịp này thường là cả gia đình cùng tụ họp.
"Sáng sớm gia đình tôi đã lên thắp hương tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng và bây giờ xuống phần mộ để thắp hương, mời tổ tiên và bà ấy về ăn Tết cùng gia đình", ông Tâm chia sẻ.