Bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, là tỉnh có xuất phát điểm thấp, song Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn Thái Bình thực sự đổi thay toàn diện, kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Là huyện đầu tiên của tỉnh về đích NTM, những năm qua, huyện Hưng Hà không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM.
Thành công trong xây dựng NTM của huyện không chỉ nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở mà còn biết khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư. Phát huy những kết quả đạt được, huyện Hưng Hà đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hàng năm, cùng với duy trì ổn định diện tích cấy lúa, huyện còn tập trung sản xuất cây màu vụ xuân với diện tích trên 2.000ha; vụ hè xen giữa hai vụ lúa đạt từ 400 - 500ha; vụ đông đạt từ 60 - 65% diện tích đất canh tác; nhiều cánh đồng trồng cây vụ đông cho thu nhập cao hơn 150 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên quan tâm duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh khai thác các nguồn lực để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và đầu tư các công trình thiết yếu; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Những năm trước nói về xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy là nghĩ tới vùng đất nghèo khó về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân thiếu thốn... Xã cách TP Thái Bình gần 20km, nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa mà đất lại bạc màu, thêm nữa là vùng trũng thường xuyên gập lụt về mùa mưa, nên kinh tế toàn xã rất khó khăn. Nhưng nay, đời sống người dân đã được đổi mới toàn diện, kinh tế, văn hóa tinh thần được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang sạch đẹp. Sự đổi thay này là nhờ kết quả thực hiện chương trình quốc gia về NTM.
Vũ Thư là một trong những huyện được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Một trong những thành quả nổi bật mà huyện đạt được trong xây dựng NTM là đời sống của người dân được cải thiện vượt bậc và trở thành huyện có thu nhập bình quân đầu người cao so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Để đạt được kết quả này, huyện Vũ Thư đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ kinh nghiệm làm điểm, tháng 4/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời, UBND tỉnh ban hành đề án xây dựng NTM để chỉ đạo triển khai ở tất cả các xã trong tỉnh.
Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, toàn tỉnh Thái Mình chỉ có 07 xã đạt 11 - 12 tiêu chí; 88 xã đạt 7 - 10 tiêu chí; 127 xã đạt 3 - 6 tiêu chí; 42 xã đạt 1 - 2 tiêu chí; 03 xã không có tiêu chí nào đạt; bình quân toàn tỉnh năm 2010 đạt 5 tiêu chí; các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế, xã hội khu vực nông thôn hầu hết chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; năm 2010, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 9,16%.
Song, do đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm từ những năm mất ổn định nghiêm trọng khu vực nông thôn với tỷ lệ dân cư chiếm hơn 90% dân số toàn tỉnh, cộng với nền móng vững chắc từ kết quả của 8 xã làm điểm, chương trình xây dựng NTM ở Thái Bình đã đạt được những kết quả tích cực.
Với phương châm “làm từ trong đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm ra ngoài xã”; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và giữ vững các tiêu chí đã đạt; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất…, giai đoạn 2010 – 2015, kết quả xây dựng NTM ở Thái Bình đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với 154 xã đạt chuẩn NTM (vượt 84 xã và bằng 220% so với mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU), có 01 huyện đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân của các xã trong toàn tỉnh đạt 16,5/19 tiêu chí.
Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh chỉ có duy nhất huyện Hưng Hà đạt chuẩn huyện NTM thì 4 năm sau đó (2019), hành trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt những kết quả ấn tượng khi 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phát huy thành quả đạt được, với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Thái Bình ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/2/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Hiện nay, Thái Bình đã có 30 xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (bằng 12,66% số xã trong tỉnh).
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) đã có những dấu ấn nhất định, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Toàn tỉnh có 113 sản phẩm OCOP, trong đó 48 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Thực hiện chương trình "Thắp sáng đường quê" trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, Thái Bình có 42 xã thực hiện lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời được 61,561km. Năm 2023 có thêm 36 xã đăng ký thực hiện lắp đặt đèn điện "Chương trình thắp sáng đường quê" với tổng chiều dài là 199,884 km.
Hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nhiều giống cây trồng, con vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất; nhiều giống cây, con mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao được nghiên cứu, để bà con đưa vào sản xuất...
Hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống diện tích 270 ha/năm của Hợp tác xã Đông Quý (huyện Tiền Hải); mô hình tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây màu giá trị kinh tế cao, diện tích trên 300ha của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông (huyện Hưng Hà).
Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Thái Bình đã thu hút được hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.
Nghề và làng nghề được duy trì, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường. Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Mới đây, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua nghị quyết ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến hết năm 2025.
Theo đó, từ nguồn ngân sách tỉnh, khi huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quy định tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng mỗi huyện để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Khi xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025, Thái Bình hỗ trợ 3 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hỗ trợ 5 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Đến năm 2025, có 15% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm; và có 30% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 10% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, thu nhập đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2030 là những mục tiêu đã được Thái Bình xác định trong giai đoạn 2021 – 2030.
Những yếu tố tiên quyết đặt ra vẫn là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận của nhân dân; là sự vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tránh tư tưởng nóng vội, cách làm thiếu dân chủ hoặc trông chờ, ỷ lại; là duy trì thực hiện phân cấp cho cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, coi trọng người dân là chủ thể - người trực tiếp làm, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và được hưởng lợi kết quả. Và, điều quan trọng, không thể quên bài học đắt giá, phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư; tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, vật chất của người dân.
Để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, Thái Bình chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trên nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả, bền vững; quyết liệt đưa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh đã ban hành vào cuộc sống...