Xã Châu Phong, nơi có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống, đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có "Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt". 

Điển hình là trường hợp của bà Ma Ri Dâm ngụ ấp Châu Giang, xã Châu Phong. Nhiều năm qua, hộ thuộc diện hộ nghèo, neo đơn và mất khả năng lao động. Năm 2022, bà được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà mới trên nền đất sẵn có. Theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình tự làm",  ngôi nhà mới không chỉ là nơi an cư mà còn tạo động lực để người dân vươn lên trong cuộc sống.

Trước tình trạng trên, những năm qua, thị xã Tân Châu cũng đã đề xuất nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung việc nâng cấp, sửa chữa đường giao thông tại khu vực đồng bào Chăm sinh sống, góp phần kết nối thông thương của bà con đồng bào dân tộc.

Song song với hỗ trợ nhà ở, địa phương còn tập trung hỗ trợ đồng bào có cơ hội việc làm ổn đinh. Theo đó, công tác đào tạo nghề được chú trọng với 49 lớp dạy nghề cho 1.433 học viên, giúp tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 50,8% (2016) lên 67,5% (2022). Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, móc len, làm bánh đã tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Tân Châu đã giảm mạnh từ 5,6% (2007) xuống còn 1,5% (2022). Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang góp phần quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại Tân Châu từng bước thực hiện mục tiêu "an cư - lạc nghiệp".