Lời tòa soạn: Chỉ sau 5 ngày, nhóm khủng bố "có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ và mất nhân tính” tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk, sát hại 9 người đã bị bắt giữ. Phía sau cuộc truy quét này là sự mưu lược, quyết đoán của những người chỉ huy, sự dũng cảm can trường của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Báo VietNamNet khởi đăng loạt bài “Chiến thuật đánh án mưu lược tóm gọn nhóm khủng bố ở Đắk Lắk” để giúp bạn đọc phần nào hình dung được sự khó khăn, nguy hiểm phía sau cuộc đấu tranh, vây bắt nhóm tội phạm nói trên.
Cuộc đời binh nghiệp, từng trực tiếp tham gia nhiều trận trấn áp tội phạm nhưng đợt truy quét nhóm khủng bố đốt 2 trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) khiến Thiếu tá Hứa Đại Phúc, Phó Tiểu đoàn trưởng Cảnh sát đặc nhiệm số 3, Bộ Tư lệnh CSCĐ (Bộ Công an) thực sự ám ảnh.
Tự nhận mình không phải là người non gan nhưng khi vào tiếp cận hiện trường ông thấy thật sự khủng khiếp.
“Những người không trực tiếp sẽ khó hình dung ra hết được sự dã man, tàn nhẫn. Đập vào mắt chúng tôi khi đặt chân xuống trụ sở xã Ea Tiêu và EaKtur những vết máu trên sàn nhà. Trụ sở, tài liệu bị đốt phá… Anh em thấy cảnh này, họ rất căm phẫn và quyết bắt được bằng được nhóm đối tượng”, Thiếu tá Phúc nói.
Trước vụ việc có tính chất nghiêm trọng, hơn 400 cán bộ CSCĐ cùng với hàng trăm chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an nhanh chóng đến huyện Cư Kuin, khẩn trương triển khai phương án chiến đấu.
Nhớ lại buổi sáng 11/6, hạ sĩ Lê Thành Trung (Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 3 vẫn thấy tim đập mạnh: “Khi đặt chân xuống mảnh đất Đắk Lắk, nhìn cảnh chúng ra tay tàn ác với đồng đội, với nhân dân, cảm xúc giận dữ sôi lên trong huyết quản. Tay phải bất giác vuốt lên tấm áo giáp đang khoác trên mình, tôi thề phải hợp sức với anh em bắt bằng được kẻ thủ ác”.
Với quyết tâm cao, hạ sĩ Trung và đồng đội lội bùn, đất, “quần” từng gốc cây, ngọn đồi để truy tìm các đối tượng.
“Tây Nguyên đang mùa mưa, đường đất đỏ sụt lún. Đôi giày chúng tôi đi nặng trịch bùn, nước. Có anh bị bùn “nuốt” mất giày. Suốt cả buổi hôm đó, anh ấy đi chân trần lần theo manh mối những đối tượng khủng bố. Những cơn mưa bất chợt khiến anh em chúng tôi bị ướt bất cứ lúc nào. Nhiều hôm đang đà truy bắt, anh em hăng hái quên cả bữa trưa”, hạ sĩ Trung nhớ lại.
Ngày căng mình với việc truy tìm kẻ khủng bố, đêm về 2 chân rã rời. Tháo quân tư trang, ăn uống xong, một số anh em được ngả lưng, một số làm nhiệm vụ canh gác ban đêm để ngăn chặn kẻ khủng bố bỏ trốn, hoặc bắt dân làm con tin.
Những ngày chiến đấu ở Đắk Lắk để lại nhiều kỷ niệm khó quên, những bài học sâu sắc trong lòng người hạ sĩ này. Trung kể, 22h ngày 12/6, khi mọi người vừa chuẩn bị về chỗ ngủ thì lãnh đạo Tiểu đoàn hỏi thăm và truyền đạt lời động viên của lãnh đạo Bộ Tư lệnh. Cấp trên lo anh em chiến sĩ ăn chưa no, ngủ chưa đủ chỗ, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ khi chiến đấu.
“Chỉ 30 phút sau, chúng tôi thấy Thiếu tướng Lê Ngọc Châu (Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ-K02) và nhiều lãnh đạo của đơn vị trực tiếp tới thăm hỏi, kiểm tra xem anh em ăn ngủ ra sao. Ông quán triệt, chiến đấu quyết liệt nhưng phải đảm bảo an toàn và giữ gìn sức khoẻ. Biết chúng tôi đi gấp chỉ mang 2 bộ quần áo, ông chỉ đạo cho Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên cấp phát ngay thêm cho anh em thay. Bộ phận hậu cần lo chu đáo cơm nước, chủ động giặt giũ, phơi khô quần áo ướt. Sự quan tâm, động viên kịp thời của ông khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cuộc vây bắt lớn sau đó”, hạ sĩ Lê Thành Trung nhớ lại.
Thiếu tá Hứa Đại Phúc cho hay, tinh thần các chiến sĩ rất cao, bất kể đối tượng ở đâu là anh em truy bắt đến đó, có khi quên cả ăn uống.
“Đêm 13/6, trước ngày diễn ra trận đánh lớn, lãnh đạo K02 đã chỉ đạo một số nội dung quan trọng. Cấp trên nói với chúng tôi, đây là trận đánh lớn cuối nên cần các đồng chí có sức khoẻ tốt, phản ứng linh hoạt. Nếu đồng chí nào không đảm bảo sức khỏe, đêm qua mất ngủ thì báo để bố trí công việc phù hợp, không trực tiếp tham gia công tác truy bắt. Nhưng tất cả chúng tôi không ai chịu lùi lại phía sau, mà đồng loạt xin tiến quân về đồi Độc Lập”, Thiếu tá Phúc chia sẻ.
Sau này, khi bị công an bắt, một đối tượng thừa nhận, nhóm của y có nhiều người rất hung hãn. Ai cũng cầm vũ khí, súng, dao, lựu đạn, bom xăng, gặp ai thì giết, gặp trụ sở thì phá, hành động rất điên cuồng.
Chính vì vậy, khi truy bắt những kẻ này, không ít lần Thiếu tá Phúc và đồng đội gặp nguy hiểm.
“Ngày 12/6, chúng tôi phát hiện nhóm 4 đối tượng, đều có súng. Khi bị vây ráp, chúng chĩa thẳng súng vào công an. Dù đó là những kẻ tàn bạo và được lệnh gặp công an là nổ súng nhưng anh em không sợ hãi, trái lại, rất bản lĩnh và mưu trí. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh em bắt gọn nhóm đối tượng mà không ai bị thương”, Thiếu tá Phúc nhớ như in thời khắc sinh tử đó.
Cũng trong ngày hôm đó, mũi tấn công của Thiếu tá Phúc phát hiện một đối tượng có súng và nhanh chóng đá vũ khí của hắn ra xa. Đối tượng vùng lên định cướp lại vũ khí chống trả. Từ phía sau, các chiến sĩ đã nhanh chóng vô hiệu hoá kẻ phạm tội manh động này.
Khi bị bắt, nhiều đối tượng không khai, thậm chí cười cợt, thách thức cơ quan công an.
Nhóm khủng bố đã bị tóm gọn, người dân đã được trả lại sự bình yên. Trở về từ Đắk Lắk, Thiếu tá Hứa Đại Phúc mang theo tình cảm, sự ấm áp của đồng bào.
“Bà con ở xã Ea Ktur, Ea Ning... cưu mang, che chở, đồng lòng giúp lực lượng chức năng. Nhiều người dân phát hiện, báo tin, tố giác và nhiệt tình giúp sức cho lực lượng công an tìm kiếm, vây bắt. Họ tự nấu cơm, mang nước, trái cây đến hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ”, Thiếu tá Phúc xúc động nhớ lại.
Có hôm, mở hơn chục suất ăn mà người dân mang tới tiếp sức, Trung tá Trần Bảo Chiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 ngạc nhiên khi mỗi hộp là một món khác nhau. Anh vô cùng cảm động khi biết, những suất cơm này tới từ nhiều bà con. Mỗi nhà nấu một vài suất, gửi gắm tấm lòng tới lực lượng truy bắt nhóm phản động.
“Có người mang cho chúng tôi ổi, người cho nước, thậm chí là cả những cây kem mát lạnh. Anh em chúng tôi xúc động vô cùng”, Trung tá Trần Bảo Chiến nhớ lại.
Trở về sau những ngày truy bắt tội phạm, Trung tá Trần Bảo Chiến còn mang theo sự ấm áp của đồng đội.
“Không có khoảng cách giữa các đơn vị, lực lượng. Tình cảm càng khăng khít hơn khi chúng tôi cùng nhau chiến đấu, đối diện với tội phạm. Tôi rất trân trọng Thượng tá Nguyễn Công An, Phó trưởng Công an huyện Cư Kuin, một cán bộ rất dũng cảm. Tôi cảm phục tinh thần vì đồng bào, đồng đội của anh ấy. Anh em sát cánh cùng nhau trong quá trình truy bắt nhóm phản động, chia sẻ cho nhau từng chút nước. Giờ đây, chúng tôi trở lại với cuộc sống thường ngày và những kỳ huấn luyện mới, nhưng hình ảnh về các đồng đội ở Tây Nguyên và bà con nhân dân ở đó luôn được chúng tôi nâng niu, gìn giữ”.
XEM CLIP:
Thiết kế: VietNamNet
Kỳ tới: Bộ trưởng Tô Lâm mong người dân Đắk Lắk đoàn kết, xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp