{keywords}
{keywords}

Do nước ta có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở Đông Nam Á: giáp với Trung Quốc, một đại cường quốc của mọi thời đại ở phía Bắc, với Lào, Campuchia ở phía Tây và Tây Nam, là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á, thông ra Đông Á, tạo thế dễ dàng tiếp xúc với phương Tây. Còn phía Đông là Biển Đông, một phần của Thái Bình Dương. 

Yếu tố địa lý này khiến cho Việt Nam luôn phải tiếp xúc với nhiều quốc gia khác nhau với những ý đồ, lợi ích khác nhau. Điều này tác động rất lớn đến chính sách ngoại giao của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử.

GS Vũ Dương Huân nguyên Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao đúc kết, các hoạt động ngoại giao Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và đã để lại nhiều bài học quý như:

Coi trọng hoà hiếu đối với các nước khác, dân tộc khác, đặc biệt các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn; Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền khi bị xâm phạm, kết hợp đánh đàm; Thực hiện ngoại giao tâm công; Kiên trì các vấn đề nguyên tắc, lợi ích dân tộc, song rất linh hoạt trong các vấn đề sách lược theo tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; Biết giành thắng lợi từng bước đi đến giành thắng lợi hoàn toàn…

{keywords}
{keywords}

Theo cuốn Lược sử Việt Nam các thời trước (NXB Quân đội Nhân dân), ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức về mối quan hệ đối với các nước láng giềng. Tương truyền, từ năm thứ năm đời Vua Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 trước Công Nguyên), sứ bộ nước ta đã được Vua Hùng cử sang phương Bắc, trải qua các lần thông dịch, tiếp xúc với nhiều dân tộc mới đến nơi. Món quà do Vua Hùng nước ta tặng Vua Nghiêu là một con rùa lớn, trên mai có khắc chữ, ghi lại sự việc từ khi trời, đất mới mở mang, với mong muốn gửi thông điệp của một nước Nam về sự thân thiện và trường tồn.

 

Trong một nghiên cứu có tựa đề: Bản sắc ngoại giao Việt Nam: Một vài suy ngẫm nhìn từ lịch sử dân tộc, tác giả Trần Chí Trung (Học viện Ngoại giao) đã cho thấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, các chính sách ngoại giao của nước ta được thực thi một cách thiên biến vạn hóa, đa dạng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng trên hết, tất cả đều luôn vì lợi ích quốc gia - dân tộc, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn từ sớm, từ xa họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc.

Ông cha ta đã ứng xử hết sức linh hoạt, khéo léo, vừa khẳng định độc lập, chủ quyền, vị thế của đất nước, không để cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, vừa giữ hòa khí với nước láng giềng để đất nước được yên bình và phát triển ổn định.

Tác giả Trần Chí Trung điểm lại:

Năm 1473 (Hồng Đức năm thứ tư), vua Lê Thánh Tông ra lời dụ với Thái bảo Lê Cảnh Huy khi chuẩn bị đi đàm phán giao bang biên giới: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.

{keywords}

Trong thời kỳ Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ giả sang phương Bắc để làm hòa, nói rõ rằng nước Nam chỉ bảo vệ bờ cõi của mình, Tây Sơn “không lấn sang biên giới”. Đồng thời, khẳng định nếu nhà Thanh động binh xâm lược lần nữa thì quân dân ta kiên quyết chống lại. Nhờ thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận nền độc lập của nước Nam; trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó; đồng thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước.

Đón tiếp sứ giả tại Kinh đô Hoa Lư, vua Lê Đại Hành đã tổ chức đãi tiệc. Nhưng khi bị yêu cầu phải quỳ lạy tiếp chiếu, vua Lê Đại Hành đã kiên quyết và khéo léo từ chối. Vào đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông cũng tiếp nối nguyên tắc từ chối lạy chiếu thư. Nguyên sử ghi lại lý do rằng: “Phàm nhận chiếu, cứ để yên nơi chính điện, còn Vua thì lui tránh về điện riêng. Đó là điển lệ cũ của nước chúng tôi”.

{keywords}
{keywords}

Cũng theo tác giả Trần Chí Trung, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài là bản sắc của ngoại giao Việt Nam và “trong xưng đế, ngoài xưng vương” là một trong những chính sách mà các triều đại phong kiến nước ta đã vận dụng để xử lý quan hệ của đất nước với nước láng giềng. 

Trần Hưng Đạo đã viết trong Binh thư yếu lược: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”. Trần Hưng Đạo đã chủ động gạt bỏ hiềm khích gia đình để trọn đạo vua - tôi và hóa giải mâu thuẫn cá nhân với Trần Quang Khải để tạo sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm. 

Hòa mục không có nghĩa là khuất phục, mà là sự thức thời trong việc định vị nước Việt ở vị trí chiến lược trong khu vực, phù hợp với tương quan thế và lực mỗi thời kỳ. Muốn bảo vệ lợi ích của quốc gia thì phải hòa mục.

Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”. Do đó, các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử thường thực hiện chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương”. “Ngoài xưng vương” là thể hiện sự hòa hiếu với nước lớn phương Bắc, “trong xưng đế” là thể hiện ý thức độc lập, tự cường và bản lĩnh bất khuất của dân tộc. Đó được coi là chiến lược ngoại giao xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước phương Bắc lớn.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vua Mạc Đăng Dung đã chủ động thoái vị một cách mềm mỏng, khéo léo để tránh việc nhà Minh đem quân sang xâm lược nước Đại Việt: “Bỏ xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế); xin theo lịch chính sóc (lịch của nhà Minh); trả lại đất bốn động đã chiếm; xin nội thuộc xưng thần; xin hàng năm ban lịch Đại Thống (lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng năm”. Nhờ đó, quân thù không đặt chân đến đất nước, mà nhà Mạc vẫn xưng hoàng đế, vẫn làm chủ nước Đại Việt.

Ông cha ta cũng sử dụng linh hoạt, khéo léo phương châm ngoại giao “dùng ngòi bút thay giáp binh”. Với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như Lý Giác, vua Lê Đại Hành có cách ứng xử rất văn hóa, dùng thơ đối thơ, dùng nghĩa tình đãi nghĩa tình. Với sứ thần có thái độ hống hách như Tống Cảo, ông dùng đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh nước Đại Việt.

Tiếp nối truyền thống ấy, gần 300 năm sau, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vẫn ân cần làm thơ tống tiễn Sài Thung - một viên sứ thần ngạo mạn của phương Bắc về nước, bằng những lời rất nhã nhặn: “Biết đến khi nào cùng gặp lại/ Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây!”.

Những câu chuyện trên cho thấy, những chính sách trên thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “kiên quyết, kiên trì”, “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu”, “khoan hòa, linh hoạt” của cha ông ta trong lịch sử. 

Hoàng Hiệp, Thế Long, Bích Hạnh

13/12/2021 18:14 (GMT+07:00)