Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021 - 2025” đang được tỉnh Phú Thọ triển khai mạnh mẽ.
Trong đó, tỉnh thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong Chương trình OCOP.
10 giờ sáng, người dân đến làm việc tại Bộ phận Một cửa của UBND xã Đông Thành, huyện Thanh Ba khá đông. Lượng người ra vào tấp nập nhưng công tác giải quyết thủ tục cho bà con diễn ra rất nhanh chóng.
Bộ phận Một cửa được sắp xếp khoa học với các bảng, biểu giới thiệu, hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khi tiến hành các giao dịch hành chính thuộc thẩm quyền. Ở đây thường xuyên có lãnh đạo UBND xã trực nên thuận tiện cho việc thẩm định, chứng thực văn bản.
Đặc biệt, xã đã triển khai ứng dụng cho chính quyền số với việc sử dụng chữ ký số; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống Một cửa điện tử thông minh; thiết lập kênh truyền thông, giao tiếp giữa UBND xã và người dân; hệ thống giám sát, điều hành thông minh cấp xã. Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận Một cửa...
Nhiều công việc liên quan đến quản lý, thông tin trên địa bàn xã hiện nay được ứng dụng công nghệ số như camera an ninh, đài truyền thanh ứng dụng cộng nghệ AI. Hệ thống camera an ninh lắp đặt khắp thôn, xóm. Một số điểm công cộng thí điểm lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet của các hộ đạt 80%. Nhiều mặt hàng nông sản của người dân trong xóm đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua Internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đa phần các cán bộ cấp thôn đã sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập nhóm Zalo trong các cán bộ thôn để trao đổi điều hành, kết nối với các nhóm của cán bộ xã.
Bà Vi Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết, nông thôn mới thông minh phải có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ; cán bộ thôn phải có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn. Trong thôn, phải có một trong các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: An ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, giáo dục, sản xuất - kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông nghiệp, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội...
“Những mô hình số hóa tại xã Đông Thành chỉ là bước đầu của nông thôn thông minh. Thời gian tới, xã còn có nhiều mô hình thông minh hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới thông minh, phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Đặc biệt, để đạt nông thôn mới nâng cao, xã còn một số tiêu chí chưa đạt. Một trong các tiêu chí chưa đạt là có mạng wifi miễn phí ở tất cả các điểm công cộng nhưng hiện các nhà văn hoá của các khu dân cư chưa phủ sóng wifi miễn phí…. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa đạt này không nhiều nên tôi nghĩ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng quyết tâm của người dân, thời gian tới địa phương chúng tôi sẽ hoàn thành”, bà Lan nói.
Khu 3 xã Xuân Thủy được huyện Yên Lập thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, tỷ lệ người dân trong thôn sử dụng mạng điện thoại kết nối 3G, 4G đạt trên 80%. Mọi hoạt động quản lý, thông tin trong khu được đẩy mạnh trên nền tảng số, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Tỷ lệ người dân trong địa bàn khu sử dụng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán các dịch vụ thiết yếu cao. 70% số người trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giao thông, ngân hàng, du lịch... cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu…
Về phía Hội Phụ nữ huyện Yên Lập, năm 2022, Hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện hoạt động công tác Hội. 100% cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở sử dụng thành thạo máy vi tính trong triển khai hoạt động Hội; duy trì hiệu quả trang Facebook của Hội. Phát huy tốt việc ứng dụng mạng Zalo, Facebook trong triển khai tuyên truyền nhiệm vụ công tác Hội.
Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, hội viên tiếp cận các dịch vụ công trên nền tảng công nghệ số; tham gia các lớp, hội nghị trực tuyến và các cuộc thi online; sử dụng điện thoại thông minh tiếp cận các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác Hội; thông tin, kiến thức theo nhu cầu...
Cùng với chuyển đổi số trong hoạt động, điều hành, quản lý hành chính của các cấp chính quyền, phủ sóng hệ sinh thái số vào đời sống nhân dân, tiêu chí phát triển sản xuất theo đúng định hướng của nông thôn mới thông minh đang nở rộ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhiều địa phương đã linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng mạnh mẽ Internet trong quản lý, chăm sóc, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng.
Hàng nghìn chủ nhà lưới, chủ trang trại, chủ hợp tác xã tổng hợp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các yếu tố nông nghiệp thông minh, hiện đại. Nhiều nơi sản xuất, canh tác chè bằng phương thức, công nghệ mới, tiên tiến. Sản phẩm của các hợp tác xã được xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và chứng nhận OCOP, được đưa lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối với khách hàng.
Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ thương mại Toàn Thắng ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đã áp dụng công nghệ trồng dưa chuột theo hướng hữu cơ trong nhà màng với hệ thống tưới tiêu tự động, có màng đen cản nắng tự động vào ngày nắng nóng…
Hay Hợp tác xã chè Đá Hen ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đã tập trung sản xuất chè VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm đều được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Hệ thống sản xuất công nghệ cao, áp dụng số hóa…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. Chúng tôi canh tác chè theo hướng an toàn, có máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng”.
Hợp tác xã còn cử bà con xã viên đi tập huấn kỹ thuật học tập mô hình trồng chè công nghệ cao. Có kiến thức, các thành viên chú trọng từng quy trình, kỹ thuật sản xuất, từ khâu xử lý đất, ủ đất, lên luống, ươm giống, chăm sóc, thu hoạch tới đóng gói sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chè Đá Hen đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và có mặt tại nhiều sàn thương mại điện tử lớn.
Ông Hà Tuấn Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ chia sẻ, chuyển đổi số là động lực và công cụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cũng có những góp ý vào Kế hoạch triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể như xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Phú Thọ phải lắp đặt mạng wifi miễn phí tại hội trường và khu vực quanh UBND xã để nhân dân truy cập các thông tin, tương tác với cơ quan, đơn vị khác khi cần thiết. Nếu là xã có các điểm du lịch cộng đồng cũng phải được phủ sóng wifi miễn phí tại khu vực này mới đủ điều kiện xét đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, 100% các xã phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Sở cùng Cục Chuyển đổi số, UBND các huyện, thành, thị triển khai hội nghị trực tuyến phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên. Tổ chức đào tạo trực tuyến khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã thông qua nền tảng học trực tuyến tại địa chỉ: https:onetouch.edu.vn…