icon icon

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, năm 2014, việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta nhấn mạnh: so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức chưa tương xứng, chưa đủ tầm để tác động có hiệu quả vào việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đời sống văn hóa, tinh thần tuy đã có nhiều thay đổi, song những tàn dư lạc hậu, tâm lý, lối sống tiểu nông, sản xuất nhỏ, phong cách sống và làm việc của cơ chế cũ vẫn còn hằn sâu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều thói hư, tật xấu và những mặt vốn hạn chế của người Việt Nam vẫn tồn tại, trở thành lực cản quá trình sáng tạo văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định 5 giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam với 4 đặc trưng là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; chăm lo xây dựng con người với 7 đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Trong Cương lĩnh và nhiều Nghị quyết, Văn kiện của Đảng đã đề cập đến văn hóa, trong đó Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đề cập rất rõ về phát triển văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã xác định, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Cùng với sự biến đổi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những biến đổi lớn, song các giá trị truyền thống, cốt lõi, như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết... đã được định hình trong lịch sử và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, “là nền tảng tinh thần xã hội”, là “mục tiêu và động lực” trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc trong bối cảnh mới.

Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay phải lấy hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm cơ sở, nền tảng để tiếp thu những giá trị hiện đại. Bởi theo quan niệm biện chứng về sự phát triển, cái mới không phải được xây dựng từ cái hư vô mà phải dựa trên nền tảng những điểm tích cực, hợp lý của cái cũ. Tuy nhiên, không phải tất cả những gì thuộc về truyền thống văn hóa dân tộc cũng đều phù hợp với yêu cầu của xã hội công nghiệp hiện đại. Bởi lẽ, những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam vốn được hình thành trong bối cảnh nền nông nghiệp lúa nước, khép kín nên có những điểm không phù hợp với xã hội công nghiệp và toàn cầu hóa.  

Mặt khác, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng cần phải học tập, tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại, phải không ngừng bổ sung các giá trị mới. Đảng ta khẳng định: cần phải “xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”. Chính nhờ sự chủ động giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, phát huy những lợi thế so sánh của mình, chúng ta đã làm cho nhiều giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc được khẳng định, đồng thời qua đó học hỏi tiếp thu, bổ sung thêm nhiều giá trị mới, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng hơn.

Tại “Hội thảo khoa học: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo “Hội thảo khoa học: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Báo cáo tại “Hội thảo khoa học: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai xây dựng, cụ thể hóa “Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam trong thời kỳ mới", Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Khoa học: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Mới đây nhất phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021 đã định hướng nhiều nhiệm vụ trong tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cho rằng, Hội thảo là dịp để tiếp tục khẳng định về giá trị cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng thời, hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trao đổi, nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, nhiều vấn đề mới xác định rõ các nội dung tổng thể, mang tính hệ thống và các nội dung cụ thể về hệ giá trị hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…

Nhiều đại biểu đã đề xuất phải xây dựng các hệ giá trị chuẩn mực, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau Hội thảo, đặc biệt tuyên truyền mạnh mẽ kết quả của Hội thảo đến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cảm ơn các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại cuộc họp, đồng thời khẳng định Hội thảo rất quan trọng, là dịp để tiếp tục khẳng định hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng thời, Hội thảo góp phần làm rõ, làm sáng tỏ, phát triển các nội hàm về văn hóa, tạo tiền đề để triển khai, sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo “Hội thảo khoa học: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Nhắc lại những nhiệm vụ trong bài phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị chủ đề xuyên suốt của Hội thảo phải bám sát vào những định hướng chặt chẽ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Theo đó, phải xác định cho được nội dung các hệ giá trị quốc gia, để “phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, theo như lời Tổng Bí thư đã nêu.

 

Trần Thường, Nguyễn Bắc, Minh Hưng, Hữu Duyên, Thành Huế, Phan Hiếu, Đắc Vịnh

Tin nổi bật