{keywords}
{keywords}
{keywords}

Trong nghiên cứu có tựa đề: Tư tưởng đề cao pháp luật trong các triều đại phong kiến Việt Nam, hai tác giả, TS Phan Thị Lan Hương và TS Phạm Thị Duyên Thảo (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, dù tư liệu lịch sử về hoạt động lập pháp của các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê còn lại rất ít ỏi, nhưng những tư liệu còn lại cho thấy, ý thức vận hành, quản lý đất nước bằng pháp luật đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu của chính quyền tự chủ.

Các triều đại này đã xem mục tiêu tập hợp sức mạnh của toàn thể nhân dân để bảo vệ nền độc lập dân tộc là mục tiêu lớn nhất. Việc chuyển kinh đô lên vùng núi non hiểm trở, xây dựng chính quyền trung ương với chỗ dựa là quân đội vững mạnh, phát triển hệ thống quan lại vận hành quyền lực nhà nước theo khuôn phép của triều đình, bình định các thế lực cát cứ... đều nhằm hướng đến mục tiêu to lớn đó.

Ví dụ, ngay ngày đầu non trẻ của chính quyền tự chủ, Triều Ngô đã bước đầu có sự xuất hiện của pháp luật, ít nhất là về cách thức tổ chức bộ máy hành chính, chính quyền triều đình trung ương ("đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục").

{keywords}

Trong quá trình điều hành đất nước, nhà Đinh chú trọng hoàn thiện các quy chế tổ chức và quản lý quân đội, đề cao phép tắc để răn dạy, tạo lập trật tự xã hội.

Tiền Lê đã chính thức tiến hành hoạt động lập pháp, các văn bản pháp luật đơn hành của nhà vua đã xuất hiện và là công cụ để quản lý các lĩnh vực của đời sống đất nước. Theo đó, các công việc quan trọng của quốc gia như "định luật lệnh, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban, đổi mười đạo làm phủ, lộ, châu" đã được tiến hành bài bản hơn so với hai triều đại trước.

{keywords}

Cũng theo nghiên cứu của TS Phan Thị Lan Hương và TS Phạm Thị Duyên Thảo,  Bộ Hình thư nhà Lý gồm 3 quyển, tuy sớm thất truyền, nhưng là thành tựu to lớn trong lịch sử pháp luật Đại Việt, minh chứng nhà nước phong kiến Việt Nam đã có thể có một nền pháp luật thống nhất trong cả nước, đủ khả năng để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

{keywords}

Không chỉ được xem là công cụ để nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực quan hệ cơ bản trong xã hội, pháp luật triều Lý đã bước đầu quy định, đề cao trách nhiệm của quan lại trong quá trình thực hiện quyền lực. Trách nhiệm của người dân trong việc ngăn ngừa tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng được nhà Lý quy định.

Khi vừa lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho xây cung Long Đức, lấy điện Diên Khánh, Quang Vũ làm nơi xử kiện và cho dân khiếu kiện, và quy định: "Từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, Vua thân xét quyết". Vua Lý Nhân Tông còn quy định, tuyển quan lại phải thi đủ 3 môn: viết chữ, toán và pháp luật.

Với nhà Trần, điểm nổi bật nhất trong tư tưởng chính trị pháp lý là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm công vụ được đề cao đối với cả dân chúng và quan lại.

Triều Trần đã ban hành bộ Hình thư (năm 1341), cùng nhiều văn bản tập hợp hóa như: Quốc triều thông chế (1230), Quốc triều thường lễ (1230), Hoàng triều đại điển (1341), Hoàng triều Ngọc điệp (1267), Công văn cách thức (1290) cùng nhiều văn bản đơn hành của nhà vua như đạo, chiếu, lệnh quy định về các lĩnh vực hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng, kinh tế...

Để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, các vi phạm được xét xử kịp thời, việc giám sát, trách nhiệm của quan lại trong việc bảo vệ pháp luật được đề cao, nhà Trần đã lập ra hệ thống các cơ quan pháp luật mang tính chuyên trách ở trung ương, như: Thẩm hình viện, Tam ty viện giữ chức năng của cơ quan tòa án, kiểm sát. Cụ thể, Thẩm hình viện có chức năng xem xét các vụ kiện tụng thành án rồi cùng với Tam ty viện định tội.

Sau khi lên ngôi, nhà Hồ tiếp tục cho thi hành pháp luật của các triều đại Lý - Trần để ổn định xã hội, "phòng khi lòng dân nhớ tục cũ". Sau đó, dần thực hiện hàng loạt các cuộc cải cách với mục đích khôi phục sức mạnh của chính quyền trung ương, bảo vệ và phát triển đất nước. Điển hình phải kể đến những chính sách quan trọng như: chính sách hạn điền (năm 1397), chính sách hạn nô (năm 1401), các chính sách cải cách kinh tế, xã hội khác như phát hành tiền giấy, thống nhất đơn vị đo lường, đổi mới chế độ thuế khóa, chính sách về an ninh lương thực quốc gia, đồng thời cho "sửa lại luật hình", ban hành bộ Đại ngu quan chế hình luật.

Các cải cách kinh tế mà nhà Hồ đề ra và bước đầu thực hiện cho thấy tư tưởng về trách nhiệm của nhà nước, của người quản lý trong việc hoạch định chính sách, pháp luật nhằm phát triển kinh tế đất nước, duy trì trật tự xã hội: nhà nước, chứ không phải chủ thể nào khác, phải là chủ thể chủ yếu có trách nhiệm định hướng, giải quyết các công việc trọng đại của quốc gia.

{keywords}

Việc tuân thủ và thực thi pháp luật nghiêm minh được xem là thước đo đối với chất lượng của hệ thống quan chức thừa hành công vụ nhà Lê.

Hầu hết các quan hệ xã hội quan trọng đều được nhà Lê quy tắc hóa. Trong đó, nhiều quan hệ xã hội được điều chỉnh theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của con người. Pháp luật thời kỳ này còn dung hòa được các quy tắc quản lý xã hội với phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc.

{keywords}

Thực tế chứng minh, vua Lê Thánh Tông đã cho xử lý rất nặng đối với các vụ việc mà người vi phạm là các quan chức của nhà nước. Người thi hành pháp luật là cần phải tuân thủ pháp luật trước tiên, cho nên, thời hạn phải đưa một vụ việc vi phạm pháp luật ra xử lý được quy định rất cụ thể; đặc biệt, đối với những trường hợp các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây ra oan ức cho người bị áp dụng đều có quy định hướng dẫn cách giải quyết và chế tài xử lý nghiêm khắc.

Nhà Hậu Lê cũng thường đề cập đến tính công khai, minh bạch cần phải có của pháp luật. Việc tôn trọng pháp luật được nhà Hậu Lê yêu cầu trở thành một thói quen, lối sống của mọi người.

{keywords}

Công tác xây dựng pháp luật được nhà Nguyễn chú trọng, với các thành tựu điển hình như: Bộ Hoàng Việt luật lệ (1815), Hội điển toát yếu (1833), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1843-1855), Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam điển lệ toát yếu...Hệ thống pháp luật triều Nguyễn đã tạo cơ sở cho quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc hầu hết các lĩnh vực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tư tưởng đề cao pháp luật của triều Nguyễn, bên cạnh không ít điểm tương đồng với các triều đại trước, là các biểu hiện cơ bản như: phải kết hợp đức trị và pháp trị trong quá trình quản lý nhà nước, chú trọng nhất định đến các tập quán, phong tục của làng xã Việt Nam; pháp luật quy định và bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là phương tiện quan trong trong chế ước, hạn chế, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tựu chung, hoạt động lập pháp của Triều Nguyễn theo các nguyên tắc: Đề cao tư tưởng pháp trị kết hợp đức trị trong quản lý xã hội; Đề cao vai trò của người thực thi pháp luật; Đề cao quyền lợi của Nhân dân; Pháp luật là đại lượng cơ bản để chế ước, hạn chế, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nghiên cứu của 2 tác giả TS Phan Thị Lan Hương và TS Phạm Thị Duyên Thảo (đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp) đúc kết: Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng tựu chung lại, các triều đại phong kiến Việt Nam đều đã nhận thấy vai trò to lớn của pháp luật, đều xem pháp luật là công cụ quan trọng để xây dựng, tổ chức và vận hành bộ máy chính quyền; bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân và đặc biệt là kiểm soát, nâng cao hiệu quả thực hiện quyền lực nhà nước, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ quan lại trong quá trình thực thi công vụ.

Hồng Hạnh
Ảnh: Minh Thúy
Video: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng

13/11/2021 15:36 (GMT+07:00)