Nói về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật ban hành phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống; đưa hơi thở của cuộc sống vào các quy định của luật; hợp hiến, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại và trong cả hệ thống pháp luật.
Nội dung điều chỉnh của luật rõ ràng, minh bạch, khả thi, có tính dự báo trước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong các quy định của luật. Thủ tục hành chính nếu có thì phải rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phải tuân thủ đúng quy định về thể thức, kỹ thuật văn bản. Các quy định của luật phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Mặc dù đất nước tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19 và các bất ổn kinh tế, chính trị của thế giới nhưng chúng ta đã vượt qua và đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó phải kể đến những đóng góp không nhỏ của Quốc hội. Vậy nhìn lại một năm, ông cảm thấy hài lòng và tâm đắc nhất với điều gì?
Năm 2022, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi ĐBQH đã tích cực, nỗ lực, đoàn kết, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Mỗi chương trình, kế hoạch hoạt động của Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan hữu quan chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, kỹ lưỡng trên cơ sở phát huy trí tuệ của các ĐBQH, các chuyên gia hàng đầu ở trong và ngoài nước.
Điều này được thể hiện qua việc tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường; thông qua nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi vào kỳ họp thứ 4…
Qua đó đã góp phần củng cố hành lang pháp lý, tạo điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp và đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của xã hội và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Phải nói là năm 2022 cũng đã đánh dấu Quốc hội ngày càng đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách làm trong công tác giám sát. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan đã dần đi vào thực chất, trách nhiệm, hiệu quả. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH có nhiều đổi mới.
Theo đó, giám sát không nhất thiết nhằm hậu kiểm các vấn đề chất vấn mà còn bao gồm những vấn đề đang diễn ra như nội dung giám sát tại kỳ họp 3, 4.
Hay như việc tập trung giám sát việc thực hiện các vấn đề khó, phức tạp như giám sát tối cao thực hiện pháp luật về quy hoạch để giúp Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trực tiếp trước mắt, đưa ra những định hướng lâu dài và tạo được sự đồng thuận trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương về công tác quy hoạch.
Hoạt động giám sát chuyên đề được chú trọng, có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện và phương pháp giám sát, huy động nhiều chủ thể tham gia nhằm bảo đảm luận chứng, luận cứ đối với vấn đề giám sát, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Kết quả đạt được của năm 2022 tiếp tục khẳng định nỗ lực đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự ủng hộ của mạng lưới chuyên gia.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; xây dựng hình ảnh, vị thế Quốc hội ngày càng gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, giải quyết đúng và trúng nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống.
Qua tổng hợp ý kiến của cử tri trước mỗi kỳ họp và trực tiếp đi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội cảm nhận sự quan tâm của Nhân dân với hoạt động của Quốc hội như thế nào?
Thông qua các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo công tác dân nguyện của UBTVQH, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, gặp và làm việc với các tổ chức, hiệp hội ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, tôi luôn cảm thấy tình cảm, trách nhiệm rất lớn của cử tri đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc nói chung cũng như các vấn đề liên quan tới xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh nói riêng.
Đồng thời, qua những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã phản ánh về những hoàn cảnh, sự việc cụ thể gắn với một bộ phận người dân trong xã hội cũng phần nào đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động về xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, tôi thấy cử tri và Nhân dân ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới hoạt động, vào cuộc từ sớm, từ xa, nghiêm túc nghiên cứu, dự báo sát tình hình để xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung hoạt động phù hợp và kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng.
Trong đó, nổi bật nhất là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 với nhiều giải pháp cấp bách, trao quyền cho Chính phủ, các địa phương kiểm soát nhanh chóng đại dịch Covid-19. Hay như Nghị quyết số 43 với nhiều cơ chế về tài chính, tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.
Các nghị quyết này nhận được sự quan tâm đặc biệt, được cử tri, doanh nghiệp và Nhân dân đánh giá cao.
Lấy phiếu tín nhiệm là một hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo ông, lá phiếu tín nhiệm tác động như thế nào đến việc hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao của các thành viên Chính phủ và các thành viên UBTVQH ?
Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng. Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV cho thấy kết quả lấy phiếu cơ bản phản ánh khách quan, sát thực với tình hình, năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ của những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
Qua đó, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy ưu điểm, có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, Bộ Chính trị đang sửa đổi Quy định 262 ngày 8/10/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Do vậy, UBTVQH tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc sửa đổi bảo đảm nguyên tắc đồng bộ với các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và các quy định của pháp luật trong thời điểm thích hợp.
Năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường vốn, ảnh hưởng không ít đến niềm tin của nhà đầu tư. Là người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội muốn gửi gắm thông điệp gì tới các nhà đầu tư cũng như cử tri cả nước trong năm mới?
Năm 2022 là năm biến động lớn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và giá trị giao dịch chứng khoán sụt giảm mạnh, nhiều thời điểm giảm rất sâu.
Nhất là sau các vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... kết hợp với những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đã gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Điều này dẫn đến những khó khăn trong huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Tại Diễn đàn kinh tế-xã hội năm 2022, các chuyên gia đã tham vấn cho Quốc hội kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã khẳng định mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để kịp thời ổn định thị trường. Việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt đã khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Cho đến nay, tình hình thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ở một số phiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã ghi nhận các đợt phát hành tăng so với tháng 10/2022.
Qua đây, có thể thấy rằng, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm và đặt mục tiêu ổn định và phát triển các thị trường lành mạnh, an toàn, bền vững.
Với sự đồng lòng của cơ quan Nhà nước, các định chế trên thị trường và các nhà đầu tư, tôi tin tưởng chúng ta sẽ sớm thiết lập được thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển minh bạch, ổn định, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc Chính phủ triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, khơi thông dòng vốn, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn cử tri và Nhân dân sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội, đóng góp thêm nhiều ý kiến, kiến nghị đối với hoạt động của Quốc hội. Quốc hội, UBTVQH xin trân trọng tiếp thu nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Ảnh: Phạm Thắng
Thiết kế: Hồng Anh