Chia sẻ tại hội nghị du lịch do Chính phủ tổ chức sáng 15/11, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông mới đi Vân Hồ (Sơn La), nơi Thủ tướng từng ghé thăm, động viên vợ chồng Tráng A Chu - người Mông làm du lịch cộng đồng. "Họ có 60 phòng homestay lúc nào cũng kín khách dù là bản rất heo hút. Tôi muốn nói điều đó để thấy rằng tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các tập đoàn du lịch biết hỗ trợ thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra kỳ tích", Bộ trưởng Hoan cho biết. 

Hai tháng cuối năm, Mộc Châu (Sơn La) bước vào mùa cúc họa mi nở rộ, vườn hồng, vườn cam trĩu quả, thu hút du khách khắp nơi đổ về. Cũng nhờ đó, homestay ở Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) của anh Tráng A Chu bước vào giai đoạn cao điểm, tỉ lệ phòng đạt tới 60%, riêng các ngày cuối tuần đã được đặt kín toàn bộ.

“Lượng khách hiện nay đạt ngang thời điểm trước dịch Covid-19, khách quốc tế rất đông. Các công ty lữ hành liên tục liên lạc với tôi để đặt phòng, tour trải nghiệm”, anh A Chu cho hay.

Bận rộn với công việc quản lý homestay, đón tiếp du khách mùa cao điểm nhưng tuần nào, anh A Chu cũng dành thời gian di chuyển hơn 30km tới Hang Táu - “ngôi làng nguyên thủy” thuộc bản Tà Số 1 (xã Chiềng Hắc, Mộc Châu) để cùng cán bộ văn hóa địa phương vận động bà con làm du lịch cộng đồng.

Hang Táu là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng khoảng 1ha, có khung cảnh vô cùng hoang sơ, yên bình. Du khách tìm tới đây để trải nghiệm chuyến hành trình “đi ngược thời gian”, trở về với “cuộc sống thời nguyên thủy”: Không điện, không sóng điện thoại, không internet.

Khu vực này có 20 hộ dân người H’Mông sinh sống. Trước đây, đồng bào Mông chỉ miệt mài canh tác trên núi cao, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Từ khi có chương trình phát triển du lịch cộng đồng, con đường vào Hang Táu được mở rộng khang trang.

Để đảm bảo du khách có những trải nghiệm tốt đẹp, cán bộ địa phương tiến hành vận động bà con xây nhà vệ sinh, chăn thả gia súc ở khu vực riêng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên… Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức và thói quen sinh hoạt của bà con người Mông không dễ.

“Nếp sinh hoạt của bà con người Mông đã tồn tại qua biết bao đời nên không phải tuyên truyền, vận động là họ hiểu ngay, làm theo ngay. Tôi cũng là người H’Mông thoát nghèo từ du lịch nên các anh chị cán bộ địa phương tin tưởng, nhờ tôi đến gặp gỡ vận động bà con”, anh A Chu chia sẻ.

Tới Hang Táu, anh A Chu dùng tiếng dân tộc mình chia sẻ với bà con về hành trình bỏ giấc mơ trụ lại thành phố về quê nghèo, một mình bắt tay làm du lịch trong sự hoài nghi của tất cả mọi người. Anh kể, chừng 10 năm trước, mảnh đất làm homestay của anh hiện tại chỉ là khu vườn tạp. Bản Hua Tạt khi ấy vẫn là vùng bản nghèo, bà con sống lầm lũi, mọi thứ tự cung tự cấp và nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện. Trai tráng hút thuốc phiện như thanh niên hút thuốc lá bây giờ. 

“Năm 2013 đổ về trước, tôi cũng như bà con, không biết du lịch cộng đồng là gì. Năm 2013, tôi tình cờ tham gia một chương trình du lịch của tỉnh Sơn La, lần đầu tiên tiếp cận với những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. Sau đó, trời thương tôi gặp bác Dương Minh Bình, một lãnh đạo công ty du lịch tâm huyết với các dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền văn hóa địa phương. Bác nói, vị trí Hua Tạt lúc ấy làm du lịch rất khó, phải cần cù, kiên trì vì địa điểm ở xa Mộc Châu và tình hình buôn bán thuốc phiện, ma túy phức tạp”, anh A Chu nhớ lại.

Ngày ấy, hai vợ chồng A Chu bán hết ngô lúa chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng. Họ “liều” vay người bạn 28 triệu đồng, xin thêm bố mẹ đẻ 1 triệu đồng. Với 30 triệu trong tay, A Chu đặt cọc một ngôi nhà cũ, nhờ thanh niên trai tráng trong bản giúp sửa chữa, dựng nhà để homestay, khi nào có tiền sẽ trả công. 

Đến nay, sau nhiều năm cải tạo, mở rộng, homestay đã có 10 phòng riêng và hai nhà sàn cộng đồng rộng rãi, có thể phục vụ khoảng 60 khách mỗi ngày.

“Bà con người dân tộc chúng tôi chỉ tin người thật việc thật. Vì đó, khi tôi lên kể về hành trình của mình, bà con tin, có động lực để hưởng ứng chính sách địa phương”, anh A Chu nói.

“Tất nhiên vận động bà con là công việc không thể một sớm một chiều mà phải mưa dầm thấm lâu. Hàng tuần, mỗi khi đưa du khách lên Hang Táu tham quan, tôi lại dành thời gian gặp gỡ bà con, giới thiệu, giải thích, động viên họ làm từ những việc nhỏ nhất như chăn thả gia súc ở khu vực riêng, làm nhà vệ sinh khép kín lịch sự, chỉnh trang nhà để làm nơi nghỉ cộng đồng…”, anh A Chu chia sẻ.

Những năm qua, A Chu đã đến nhiều bản vùng cao khác nhau ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa… để chia sẻ về mô hình homestay của mình, giới thiệu với bà con về du lịch cộng đồng và vận động, hỗ trợ họ cùng làm nhằm cải thiện kinh tế.

"Muốn du lịch phát triển bền vững thì cần cộng đồng hiểu, nhận thức đầy đủ về nó, chung tay tạo nên điểm đến văn minh, giàu trải nghiệm. Đó là lí do tôi không ngại khó, ngại khổ đến nhiều nơi chia sẻ cùng bà con, mong bà con có hướng đi bền vững, thay đổi cuộc sống khó khăn”, anh A Chu bày tỏ.

Mất gần 10 năm vượt khó, vượt khổ, chàng kỹ sư đại học Bách khoa Hà Nội người H’Mông - Tráng A Chu “tay trắng” một thời đã trở thành chủ homestay nổi tiếng bậc nhất Sơn La. Cuối tháng 5/2022, A Chu homestay vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm nhân chuyến đi công tác Tây Bắc.

Từ năm 2017 đến nay, Tráng A Chu được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hiệp hội Du lịch tỉnh, UBND huyện Vân Hồ. A Chu Homestay được Hiệp hội du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu năm 2018. Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, Achu Homestay là 1 trong 15 đơn vị của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2019 - sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các điểm đếndu lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao của khu vực ASEAN.

Không chỉ là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà những năm qua, anh A Chu còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. 

Rất nhiều đoàn thành niên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã tìm tới homestay A Chu để học hỏi. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp mà mình có, động viên và ủng hộ họ làm du lịch cộng đồng bền vững.

Chàng trai Giàng A La (28 tuổi), người Mông ở Hang Kia (Hòa Bình) là một trong những thanh niên được anh A Chu trực tiếp hướng dẫn, đào tạo làm du lịch cộng đồng. A La cũng sinh ra và lớn lên ở một địa bàn vốn nổi tiếng là điểm nóng về ma tuý. Với suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế bền vững, năm 2020, anh bàn bạc với gia đình chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và làm du lịch cộng đồng. 

Lên mạng tìm hiểu, A La đọc được thông tin về mô hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mông của anh Tráng A Chu. A La rất ngưỡng mộ. Anh tìm tới A Chu Homestay học hỏi. A La được anh A Chu trực tiếp hướng dẫn để tham gia dẫn du khách trải nghiệm các hoạt động sản xuất đặc trưng của người Mông, xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ du khách… Cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, A La đến A Chu Homestay làm việc để học hỏi cách vận hành, quản lý, dịch vụ từ A Chu.

“Ở nơi khác, muốn học nghề thì phải mất tiền học, tiền ăn, tiền ở. Nhưng chúng tôi đến với anh A Chu, anh lo nơi ở, lo từng bữa ăn và chia sẻ, dạy nghề vô cùng tận tình. Anh không giấu bất cứ điều gì, sẵn sàng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các khâu từ dùng mạng xã hội để thu hút khách, sự thay đổi dịch vụ sao cho phù hợp khách Á, khách Âu, khách miền Bắc, khách miền Nam. Anh cũng lên tận homestay của tôi để xem hiện trạng, góp ý cách thay đổi”, A La chia sẻ.

“Anh A Chu thẳng thắn lắm, có gì chưa đúng chưa vừa ý, anh sẽ nói ngay”, chàng trai người Mông cho biết.

Theo A La, điểm đặc biệt trong làm du lịch cộng đồng của Tráng A Chu là trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời có những cách quảng bá sáng tạo, đem nét văn hóa đó đến gần hơn với du khách. 

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của “người thầy” Tráng A Chu, hiện tại A La đang đảm nhận rất tốt vị trí Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia. A La đã có 4 căn nhà sàn độc đáo, đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái. Không chỉ dừng lại ở dịch vụ homestay, Giàng A La còn thu hút khách bởi những trải nghiệm về nông nghiệp và tham gia hoạt động văn hóa đặc sắc như: Vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó... 

"Tôi không dám nhận là thầy của các bạn ấy, tôi chỉ là người đi trước, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng các bạn trong hành trình làm du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hoá dân tộc", anh Tráng A Chu bộc bạch.

Bài viết: Linh Trang

Ảnh: Linh Trang, NVCC

Thiết kế: Hồng Anh