Ngày 16/4, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi với 10.434 học sinh lớp 6. Ngoài ra, có 1.379 trẻ phải hoãn tiêm do vừa khỏi Covid-19 nhưng chưa đủ 3 tháng hoặc có chống chỉ định như tiền sử dị ứng, sốt...

Ngày 18/4, TP.HCM tiêm đồng loạt cho trẻ nhỏ trong độ tuổi này với khoảng 42.526 em. Không ít phụ huynh vẫn băn khoăn, tiêm vắc xin Covid-19 liệu có tác động tiêu cực gì nếu trẻ vừa tiêm vắc xin cúm mùa, phế cầu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu… hay không?

Vắc xin của Pfizer và Moderna được sử dụng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. 

Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hai loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi (Pfizer và Moderna) thuộc nhóm vắc xin RNA thông tin. Vắc xin này không bị ảnh hưởng bởi kháng thể lưu hành trong máu của người được tiêm. 

Ngược lại, kháng thể được tạo ra từ vắc xin Covid-19 là đặc hiệu với protein gai, không bị ức chế hoặc tương tác với các kháng nguyên có trong các loại vắc xin hiện có trên thị trường hiện nay, kể cả vắc xin sống giảm độc lực như sởi, trái rạ, sởi - quai bị - Rubella…

Cũng theo bác sĩ Thanh Nhàn, trước đây, Ủy ban tư vấn thực hành tiêm chủng và CDC Hoa Kỳ từng khuyến cáo, vắc xin Covid-19 và các vắc xin khác nên tiêm cách nhau ít nhất 14 ngày. 

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các cơ quan này nhận thấy có nhiều trẻ bị trễ lịch tiêm vắc xin khác và có nguy cơ mắc các bệnh ngoài Covid-19.  Vì vậy, khuyến cáo mới nhất của CDC Hoa Kỳ là trẻ có thể tiêm cùng thời điểm nhưng tiêm ở các vị trí khác nhau.

"Để giúp trẻ có miễn dịch tốt nhất phòng Covid-19 nhưng không chậm trễ tiêm các vắc xin khác, chúng tôi khuyến cáo: Không trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 cho những trẻ trước đó đã tiêm vắc xin khác, cho dù chưa đủ 14 ngày", bác sĩ Nhàn cho biết.

Tuy nhiên, những trẻ vừa tiêm vắc xin Covid-19 thì nên đợi ít nhất 14 ngày sau mới chủng ngừa vắc xin khác. Mục đích là để tập trung theo dõi các tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc xin Covid-19, trong đó có viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. 

Nếu trong trường hợp tiêm vắc xin khác là rất cần thiết, trẻ có thể tiêm ngay mà không cần chờ đủ 14 ngày.

Trước một số ý kiến của phụ huynh về việc tiêm vắc xin phế cầu hoặc cúm có thể phòng ngừa Covid-19 cho trẻ, bác sĩ Nhàn khẳng định là không thể!

“Đây là phương án không đặc hiệu và không thể thay thế vắc xin Covid-19. Tác động từ tiêm chủng phế cầu hoặc cúm đối với phòng bệnh Covid-19 (nếu có) là gián tiếp”.

Phụ huynh TP.HCM đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19 trong ngày 16/4.

Theo bác sĩ Nhàn, có một vài nghiên cứu cho thấy, người đã tiêm vắc xin phế cầu hoặc cúm thì nguy cơ mắc Covid-19 giảm. Tuy nhiên, nghiên cứu có một số sai chệch mà phần bàn luận các tác giả đã đề cập.

Ví dụ, người tiêm vắc xin phế cầu hoặc cúm thường có ý thức tự chăm sóc sức khoẻ cao hơn so với người không tiêm, nên họ thường tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang, 5K, … Do đó, nguy cơ mắc bệnh Covid-19 cũng giảm hơn. 

Ngoài ra, người tiêm vắc xin cúm, phế cầu được giảm nguy cơ mắc hai bệnh này nên ít phải đến các cơ sở y tế hơn. Các cơ sở y tế là nơi có thể bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân Covid-19. 

“Túm lại, chỉ có tiêm vắc xin Covid-19 mới giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng thể đặc hiệu chống protein gai ngăn chặn sự xâm nhập của vi rus vào trong tế bào, giúp ngăn ngừa bệnh”, bác sĩ Nhàn nhấn mạnh.

Hiện tại, chiến dịch tiêm ngừa cho trẻ 5-11 tuổi đã tiêm cho 19.526 trẻ trên cả nước (tính đến hết ngày 18/4). Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Cụ thể, trẻ được theo dõi tại chỗ trong vòng 30 phút. Trước khi ra về, phụ huynh được các y, bác sĩ tư vấn về việc chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu ở trẻ trong vòng 7 ngày sau tiêm.

Một số trẻ có thể bị đau nơi tiêm, chóng mặt, nhức đầu, sốt, mệt mỏi… nhưng thường ổn dần trong 24 đến 48 giờ.  Phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc paracetamol nếu nhiệt độ đo ở nách ≥38,5 độ C, theo dõi sát trẻ, hạn chế các hoạt động gắng sức trong 3 ngày đầu sau tiêm. 

Nếu phát hiện bất kể dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Linh Giao

Ca nhập viện do cúm A tăng nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực caoHệ thống giám sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Ngành y tế cũng chưa ghi nhận ca tử vong do cúm A.