Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh hay Trường phái ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là Nhóm các nhà ngoại giao, kể cả các nhà nghiên cứu ngoại giao có chung khuynh hướng tư tưởng, phong cách, phương pháp ngoại giao, tiêu biểu là Hồ Chí Minh.
Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã từng bước hình thành và phát triển trong hoạt động thực tiễn đầy sôi động, phong phú, đa dạng của ngoại giao Việt Nam và hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh. Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã được thực tiễn kiểm nghiệm.
Xin được dẫn lại cuộc trò chuyện giữa với người viết với nhà ngoại giao Võ Văn Sung về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện diễn ra vào ngày 20/7/2009, tại tư gia của ông.
Nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ:
Chúng ta thường nghe nói chính nghĩa là tất thắng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Lịch sử nước ta và cả thế giới không thiếu những ví dụ khi chính nghĩa phải chờ đợi. Vì vậy, hơn một chục năm trước. Chúng ta phải biết tạo điều kiện để chính nghĩa thắng lợi.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, điều kiện để chính nghĩa toàn thắng chính là phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, trong đó có phương pháp ngoại giao. Cái mà tôi tâm đắc qua Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris sau này là bài học về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh có thể khái quát như sau:
Bài học thứ nhất, vì nước ta là nước nhỏ phải đương đầu với các đế quốc hùng mạnh nhất, mà chỉ đem sức quân sự ra đấu thì không thể thắng nổi. Vì thế chúng ta phải dùng sức tổng hợp, tất cả gắn kết với nhau, quân sự - chính trị - ngoại giao.
Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu, nhưng không thấy có nước nào vừa đánh - vừa đàm như ở nước ta. Kết hợp quân sự - ngoại giao, lấy quả đấm quân sự đi đôi với đàm phán ngoại giao, vận động chính trường quốc tế, động viên nhân dân bạn bè trên thế giới, tất sẽ dẫn đến thắng lợi. Đó là nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ. Thành quả lịch sử trong cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân ta là một trận Điện Biên Phủ trên mặt đất đưa đến Hiệp định Geneva tại bàn đàm phán và một trận Điện Biên Phủ trên không đưa đến Hiệp định Paris. Tôi gọi đó là sự trùng hợp kỳ tác lịch sử, có một không hai trên thế giới, là thể hiện chói lọi của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.
Thứ hai, bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bác Hồ nghĩ ra cách sáng tạo trong ngoại giao, với cách làm của người biết lượng sức mình, lượng sức người. Đi bước nào chắc bước ấy. Bước trước chuẩn bị điều kiện cho bước sau. Đi từ thắng lợi từng bước đến thắng lợi hoàn toàn.
Thứ ba, Bác Hồ luôn nhắc nhở đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, tạo sức mạnh cho dân tộc. Lấy sức mạnh đó để làm nên sự nghiệp lớn. Hơn nữa trong thời đại ngày nay để đối mặt với thực tế và giành thắng lợi trong đấu tranh và xây dựng, chúng ta phải gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bằng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.
Thứ tư, Hội nghị Geneva dạy cho chúng ta một bài học là “bạn có lợi ích của bạn”. Ta phải hiểu điều đó để luôn chủ động. Có khi đối với hai người bạn của ta, nhưng lợi ích của bạn này với bạn kia khác nhau. Vậy thì ta có thể dùng lợi ích bạn này để thuyết phục bạn kia. Nhưng có một điều phải khẳng định, bạn có lợi ích và vị trí riêng của bạn, có thể khác nhau và khác ta. Phải hiểu điều đó một cách tỉnh táo. Đó là quy luật cuộc sống, không nên vì tình cảm nhất thời, dẫn đến chủ trương hành động thái quá, gây nên chuyện không tốt. Người hiểu biết thì đại sự biến thành trung sự, trung sự biến thành tiểu sự, tiểu sự biến thành vô sự.
Và một bài học lớn là ta phải biết độc lập-tự chủ, quyết định cuối cùng phải là của chúng ta. Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình, không được phó thác cho bất kỳ ai khác.
Trong Hiệp định Geneva, cái “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris sau này. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thực hiện được mục tiêu đầy đủ, có thể nghĩ ra hàng vạn cách, kể cả để một nửa nước tạm thời chưa được giải phóng, rồi từng bước, từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp ngoại giao, trong trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.
Còn về "ứng vạn biến", phải thực hiện như thế nào để chúng ta có thể bảo vệ tốt nhất độc lập, chủ quyền lãnh thổ, theo tôi:
Thứ nhất, phải biết chung sống hòa bình. Còn cách làm thế nào thì tùy từng ngày, từng tháng, từng năm, tùy từng động thái. Cơ bản là chung sống hòa bình. Ta không thể bê họ đi chỗ khác, cũng không thể chạy đi chỗ khác ở. Do vậy chung sống hòa bình là thượng sách.
Thứ hai, chúng ta phải có thêm bạn, thêm người ủng hộ trên thế giới.
Thứ ba, phải áp dụng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.
Văn Giáp
Ảnh: Diệu Bình
Video: Tuấn Anh, Thành Huế, Nguyễn Lâm
Ảnh 360 - Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An
06/12/2021 05:27 (GMT+07:00)