Tết Nguyên Đán là thời điểm để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới theo âm lịch. Đây cũng là thời điểm để gia đình quây quần bên nhau và chào đón mùa xuân ở Bắc bán cầu. Vì vậy, nó còn được gọi là "Lễ hội mùa xuân".

Mặc dù đón năm mới âm lịch vào cùng một ngày nhưng người dân ở những quốc gia châu Á khác nhau lại có phong tục và truyền thống đặc trưng riêng hết sức độc đáo.

Trung Quốc: Xua đuổi tà ma bằng tiếng nổ

Trong dịp năm mới, người Trung Quốc thường trang trí những đồ màu đỏ và câu chúc mừng được viết trên giấy đỏ gọi là fai chun (揮春). Họ cũng đốt pháo, biểu diễn múa rồng và sư tử, khua chiêng và gõ trống để tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma, đặc biệt là thú dữ.

Thần thoại Trung Quốc nói rằng nian (ma quỷ) sẽ thường ra khỏi nơi ẩn náu của chúng vào đầu năm mới, để ăn thịt cả người và động vật. Tuy nhiên, nian lại rất nhạy cảm với tiếng ồn lớn và lửa và sợ màu đỏ.

Ở Trung Quốc, người dân từ các vùng khác nhau của đất nước ăn mừng Tết Nguyên đán với những món ăn truyền thống riêng biệt. Ở miền Bắc Trung Quốc, các gia đình quây quần và ăn bánh bao để chào mừng năm mới. Trong khi ở miền Nam, mọi người lại ăn bánh gạo, bánh bao chiên và đồ ăn nhẹ, cùng đồ ngọt như kẹo hạt sen.

Các gia đình Trung Quốc quây quần bên nhau vào đêm giao thừa và thưởng thức bữa tối sum họp, bày tỏ lòng biết ơn vì những điều may mắn mà họ đã nhận được trong năm qua. Ở miền Nam Trung Quốc, các món ăn thường có như thịt gà, cá và thịt. Còn ở miền Bắc, há cảo và lẩu là món ăn phổ biến trong những bữa cơm sum họp.

Lẩu, vịt hầm gừng và canh gà nấu rượu tượng trưng cho sự sum họp, là những món ăn truyền thống của các gia đình ở Đài Loan (Trung Quốc). Các phong tục năm mới khác của họ bao gồm nhiều nghi lễ tôn giáo và nghi thức văn hóa.

Trong lễ đón Tết Nguyên đán, người Trung Quốc mặc quần áo màu đỏ hoặc màu sắc rực rỡ khác, liên quan đến thần thoại nian. Một số thậm chí sẽ mặc quần áo mới từ trên xuống dưới, để tượng trưng cho việc chào đón năm mới với một khởi đầu mới.

Những người lớn tuổi trong gia đình sẽ thường lì xì cho con cháu, đồng thời nhận những lời chúc cho một năm hạnh phúc, sức khỏe và tài lộc.

Hàn Quốc: Không phải mọi thứ đều có màu đỏ

Lễ mừng Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc có thể bắt nguồn từ văn học lịch sử Trung Quốc "Sách Sui" và "Cuốn sách cũ của Tang" từ thế kỷ thứ bảy. Đối với các tác phẩm lịch sử địa phương của Hàn Quốc, lễ đón Tết Nguyên đán lần đầu tiên được ghi lại trong "Tam Quốc chí" được viết vào thế kỷ 13, khi lễ hội này được coi là một trong chín lễ hội truyền thống lớn trong năm của Hàn Quốc.

Không giống như nhiều cộng đồng dân tộc khác đón Tết Nguyên đán, màu đỏ không có ý nghĩa tương tự trong văn hóa Hàn Quốc và không được cho là có thể xua đuổi tà ma hay mang lại may mắn. Vì vậy, người dân đón mừng Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc mặc quần áo đủ loại màu sắc.

Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, được gọi là Seollal (설날), mọi người phải thận trọng trong cả lời nói và việc làm, đồng thời mặc trang phục truyền thống Hanbok (한복) của Hàn Quốc để tránh những điều xui xẻo. Việc đến thăm nhà thờ tổ tiên hoặc cúng lễ tại bàn thờ ở nhà cũng là một thông lệ. 

Ngoài các nghi lễ thờ cúng, người Hàn Quốc còn thực hiện một động tác cúi chào sâu truyền thống gọi là Sebae (세배). Những người trẻ sẽ tỏ lòng thành kính với những người lớn tuổi trong gia đình và được lì xì bằng những phong bao không nhất thiết phải là màu đỏ.

Tteokguk (떡국) hay súp bánh gạo cắt lát, là một món ăn truyền thống của Hàn Quốc được ăn trong dịp Tết Nguyên đán và được coi là món ăn tiêu biểu nhất đối với người Hàn Quốc vào thời điểm này.

Nó bao gồm nước dùng với bánh gạo thái lát mỏng. Những lát bánh trắng tròn tượng trưng cho sức khỏe dồi dào và thịnh vượng.

Ngoài súp bánh gạo thái lát, người Hàn Quốc còn thưởng thức yakgwa (약과), một loại bánh kẹo làm từ lúa mì được làm từ mật ong, rượu gạo, dầu mè và nước gừng. Tương tự gangjeong (강정), cũng là một loại bánh kẹo truyền thống làm từ nếp, bột gạo và mật ong.

Giống như các nền văn hóa khác, người Hàn Quốc cũng quây quần như một gia đình vào đêm giao thừa để ăn tối đoàn tụ. Các món ăn truyền thống bao gồm ogok-bap (오곡밥), hay "gạo ngũ cốc", cũng như tteok (떡), nghĩa là bánh gạo Hàn Quốc và mandu (만두), là bánh bao Hàn Quốc.

Việt Nam: Năm mèo thay vì năm thỏ

Theo mười hai con giáp trong văn hóa Việt Nam, năm 2023 là năm Quý Mão là năm mèo chứ không phải năm thỏ như các quốc gia châu Á khác.

Theo Reuters, dù có nhiều cách lý giải khác nhau về việc mèo thay thế thỏ trong 12 con giáp ở Việt Nam nhưng cách lý giải phổ biến nhất là chữ thỏ trong tiếng Trung Quốc phát âm là "mao" - nghe giống từ mão (con mèo) trong tiếng Việt.

Ngoài ra, Việt Nam không có điều kiện môi trường để loài thỏ phát triển sinh sôi. Vì Việt Nam là văn hoá thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên. Hai khái niệm thảo nguyên và thảo mộc là hoàn toàn khác nhau. Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thì thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau. Lý do Việt Nam nhiều thảo mộc như vậy là bởi khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.

Tuy nhiên, giống như người Trung Quốc và Hàn Quốc, người Việt Nam cũng vô cùng coi trọng Tết Nguyên đán. Vào dịp này, người dân thường bày lên bàn thờ “mâm ngũ quả”, bao gồm mãng cầu, sung, dừa, quả đa và xoài, tượng trưng cho sự thịnh vượng và tài lộc vô tận.

Sau khi làm lễ cúng ông bà tổ tiên trong đêm giao thừa, trên đường trở về nhà, người Việt sẽ hái một cành lá xanh tươi tượng trưng cho việc đón nhận những điều may mắn của trời đất. Khi về đến nhà, những cành cây đó sẽ được đặt trước ban thờ ở nhà cho đến khi lá khô héo. Nghi lễ này được gọi là "Hái lộc".

Một món ăn truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán là bánh chưng, một loại bánh gạo nếp hình vuông gói trong lá dong, thường có nhân đậu xanh và thịt lợn.