- Thưa bà, Cục Hợp tác quốc tế đã có những hoạt động đối ngoại, ngoại giao văn hoá trong năm qua như thế nào? 

Có thể nói, năm 2023 là một điểm sáng trong các hoạt động về ngoại giao văn hoá, đặc biệt, hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa gắn liền với những chuyến công tác, chuyến thăm chính thức nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cuối tháng 4, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đến 3 nước Mỹ Latinh (Cộng hoà Cuba, Cộng hoà Argentina và Cộng hoà Đông Uruguay), Bộ VHTTDL đã tổ chức một chương trình văn hóa, nghệ thuật dày dặn, đặc sắc và đa dạng, thậm chí trong Đề án của Quốc hội còn gọi hoạt động này là “Chương trình chính trị, nghệ thuật”. Điều đó cho thấy đây là một hoạt động hết sức quan trọng.

Tại Cuba, 2 chương trình văn hóa nghệ thuật biểu diễn được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị cũng như 60 năm thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam. Đây là những sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc.

Trong khuôn khổ chương trình, ngoài những ca khúc mang tính cách mạng, thể hiện sự hào hùng lịch sử hai nước, Bộ VHTTDL cũng đặt hàng riêng nhạc sĩ sáng tác một bài hát ca ngợi về lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng với hình ảnh ông đứng trên chiếc xe tăng. 

Có thể thấy, việc sử dụng âm nhạc, nghệ thuật khắc họa lại những dấu ấn trong lịch sử và tình hữu nghị giữa hai nước đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả.

Tại thành phố Santiago de Cuba, hội trường với sức chứa 1.200 người được lấp đầy từ rất sớm, phần biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam được khán giả say sưa thưởng thức và tán thưởng. Bên cạnh đó, phần biểu diễn chung giữa nghệ sĩ hai nước cũng thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết.

Ngoài ra còn có Tuần phim Việt Nam với phụ đề tiếng Tây Ban Nha. Tôi và Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã có buổi talkshow được phát trực tiếp trên các nền tảng của họ để công chúng có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, còn có triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ cũng như về tình hữu nghị giữa hai nước.

Tại Argentina, Bộ cũng có chương trình biểu diễn và kỷ niệm quan hệ 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt, không chỉ Việt Nam giới thiệu một chiều, nước bạn cũng cử các nghệ sĩ diễn chung. 

Tôi vẫn ấn tượng trước hình ảnh nữ ca sĩ Argentina mặc áo dài Việt Nam, điều đó thể hiện sự trân trọng nét văn hóa của người Việt Nam. Về phía nghệ sĩ Việt Nam, những bài hát chủ đề bóng đá khiến khán giả vỗ tay theo nhịp vì người Argentina nổi tiếng với tình yêu cuồng nhiệt dành cho môn thể thao vua.

Tiếp đó, trong chuyến đi của Chủ tịch nước sang Áo và Italy, chúng tôi giới thiệu một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác. Nếu như trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới 3 nước Mỹ Latinh, chúng tôi giới thiệu với nước bạn nhạc cách mạng, nhạc dân tộc và pha với đương đại thì với chương trình bên lề chuyến thăm của Chủ tịch nước, chúng tôi giới thiệu nhạc cổ điển, một dàn nhạc thính phòng vừa phải, hai nghệ sĩ chơi nhạc cụ đặc trưng của Việt Nam là đàn bầu và đàn T’rưng.

Nhờ đội ngũ nghệ sĩ trẻ tài năng như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, nhạc trưởng Trần Nhật Minh, soprano Khánh Ngọc, nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang và nghệ sĩ đàn T’rưng Hoa Đăng… đạt trình độ quốc tế, chúng tôi hoàn toàn tự tin khi được biểu diễn tại quê hương của nhà soạn nhạc lỗi lạc nước Áo (Joseph Haydn) và Phủ Tổng thống Italia.

Chủ tịch nước sau đó đã có thư khen các nghệ sĩ và gửi về Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sự đánh giá của công chúng quốc tế thể hiện qua việc nhạc trưởng Italy sau đó đã mời dàn nhạc Việt Nam tham gia các festival vào mùa Giáng sinh tới. Khi diễn xong tại Áo, chúng tôi cũng nhận được lời mời tham gia Liên hoan Âm nhạc Haydn.

Như vậy, việc giới thiệu các giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài bằng nhiều hình thức và nhiều loại hình khác nhau đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Thay vì lúc nào cũng nón lá, áo dài truyền thống, chúng tôi còn có nhạc cổ điển.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới Mỹ, dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và chúng tôi có cơ hội được đưa đoàn đi biểu diễn.

Có thể thấy, các chuyến đi của lãnh đạo chủ chốt cấp cao đều có sự hiện diện của văn hóa Việt Nam, trở thành những điểm sáng trong hoạt động đối ngoại.

Bên cạnh sự quan tâm của các lãnh đạo, chúng tôi cũng ghi nhận nỗ lực của đội ngũ nghệ sĩ trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam.

- Xuyên suốt những sự kiện đó, chủ trương ngoại giao bằng văn hoá của Việt Nam là gì, thưa bà?

Hiện nay chủ trương của Chính phủ và Bộ VHTTDL là đẩy mạnh sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại các sự kiện quốc tế có tầm ảnh hưởng. 

Chính phủ đã ra nghị quyết phải tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện có tầm cỡ quốc tế. Trong thời đại số, bên cạnh cách quảng bá văn hóa truyền thống, chúng ta cũng đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.

Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, kéo theo những hoạt động được chuẩn bị dài hơi.

Ví dụ như dự án opera Công nữ Anio được công diễn ở Việt Nam. Vào tháng 11/2023, buổi diễn sẽ ra mắt công chúng Nhật Bản. Trước đó, họ cũng mời các nghệ sĩ của Việt Nam sang lưu diễn tại một số thành phố của Nhật Bản, thể hiện thành quả của quan hệ hợp tác. 

Ngoài gắn với chuyến đi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, còn có các hoạt động do Bộ chủ động thực hiện theo kế hoạch theo năm tròn của quan hệ ngoại giao.

Ví dụ, Singapore cũng là một đối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, chúng tôi cũng đã tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Singapore và thu về những phản hồi tích cực. 

Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm kỷ niệm 30 năm quan hệ UAE-VN, chúng tôi cũng có hoạt động giới thiệu những nét đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Tháng 11 này khép lại năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, chúng tôi sẽ có những hoạt động trình diễn ở nhà hát tại Paris, kết hợp các hoạt động biểu diễn còn để vận động cho Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới.

Thông qua đó, chúng tôi sẽ cố gắng để “một mũi tên trúng nhiều mục đích”. Về sơ bộ, các hoạt động năm nay không chỉ song phương, mà còn đa phương, giới thiệu nhiều loại hình.

- Như bà chia sẻ, chiến lược của ngoại giao văn hoá của chúng ta đầu tiên đi từ các hoạt động riêng, quy mô hạn chế trước?

Cách thức triển khai của chúng tôi sẽ bao gồm: 

Thứ nhất, chúng tôi tổ chức các hoạt động gắn với những những quan khách cấp cao, các nhà ngoại giao, các nhà chính trị…

Thứ hai, tổ chức những hoạt động mời rộng hơn như tuần/ngày văn hóa để hướng đến công chúng.

Thứ ba, là tổ chức tour lưu diễn như vở Công nữ Anio - đi tour ở nhiều thành phố ở Nhật Bản và Việt Nam.

Thứ tư, tiếp tục các hoạt động tổ chức lễ hội Việt Nam ở nước ngoài (hoạt động lễ hội Việt Nam tại Tokyo, lễ hội Việt Nam tại Kanagawa và một số thành phố ở Hàn Quốc). Họ có lễ hội hàng năm thì nghệ sĩ Việt Nam sẽ biểu diễn trong khuôn khổ ấy.

Năm nay vì không có tài trợ nên tôi vẫn cố gắng duy trì những hoạt động cơ bản.

- Bà đánh giá như thế nào về vai trò của ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước hiện nay? 

Văn hóa, nghệ thuật là thứ vượt lên trên tất cả những rào cản về ngôn ngữ, về chính trị và đi thẳng đến trái tim của mọi người để kết nối họ. Nên đó chính là phương thức hữu hiệu để người dân các nước có thể hiểu và yêu mến hơn về Việt Nam, đây cũng chính là sức mạnh mềm.

Để các hoạt động giới thiệu hiệu quả hơn, cần phải tổ chức thường xuyên và liên tục; đòi hỏi kinh phí để duy trì hoạt động lâu dài. Thậm chí khi đã đáp ứng đủ kinh phí, nó cũng đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn đổi mới. Phải luôn giới thiệu văn hóa một cách đa dạng hơn, vì không thể ăn mãi món cũ được.

- Trong quá trình thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa, ngoại giao bằng văn hóa như vậy, bà nhận thấy đâu là khó khăn, thuận lợi đối với Việt Nam?

Thuận lợi là những người làm văn hóa thường rất cởi mở, luôn luôn đón chào những cái mới và họ cũng yêu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Giữa chúng tôi có sự kết nối, các đối tác luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Khi tham gia vào khuôn khổ tuần/ngày văn hoá của họ, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí vì không phải tổ chức tốn kém. Họ có sẵn sân khấu, bộ phận truyền thông lẫn khán giả nên mình có thể trực tiếp đưa văn hóa nghệ thuật đến với họ. 

Hiện tại, khó khăn lớn nhất với chúng tôi là kinh phí để đảm bảo các hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, đúng cam kết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đau đầu khi kinh phí đầu tư cũng không đủ để làm các hoạt động giới thiệu, quảng bá xứng tầm, chỉ có thể làm nhỏ.

Chúng tôi chỉ có thể “đặt hàng” nghệ sĩ từ các nhà hát, đơn vị của Nhà nước. Mặc dù bản thân họ rất nỗ lực, cố gắng nhưng bản thân họ cũng không có tiền để “làm mới” các kịch mục… 

- Theo bà, cần làm gì để thúc đẩy sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài?

Trước hết, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, cần đầu tư xứng đáng ở hai phần, một là đầu tư cho sự sáng tạo trong nước, vì phải có sự độc đáo, hấp dẫn ở trong nước mới giới thiệu được ra nước ngoài. Hai là đầu tư cho công tác quảng bá, phải có tiền để đưa những sản phẩm sáng tạo đấy ra nước ngoài một cách xứng tầm.

Hiện nay dù đã rất cố gắng, nỗ lực nhưng chi phí đầu tư vẫn còn rất thấp. Riêng kinh phí của Bộ cả năm cho các hoạt động đối ngoại chỉ có 10 tỷ đồng, trong đó bao gồm dành cho việc họp hành các cam kết quốc tế. Còn chi phí dành cho hoạt động văn hóa rất ít, trong khi một show trong nước đã 10-20 tỷ rồi. Khi cử đoàn ra nước ngoài thì phải tự tính toán, kêu gọi sự hỗ trợ từ đối tác nước ngoài vì rất khó tự tổ chức.

Thứ hai, chúng ta phải tận dụng những phương thức mới hiệu quả. Ví dụ như quảng bá qua các nền tảng, mạng xã hội, điện ảnh…. Bởi vì, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cử đoàn ra nước ngoài. Tất nhiên, cảm xúc của con người được xem trực tiếp khác với khi xem qua màn hình.  

Chúng ta có thể gửi phim Việt Nam tham gia các liên hoan phim quốc tế để quảng bá. Nhưng phải hết sức lưu ý vấn đề bản quyền, vì phần lớn đều do tư nhân sản xuất, mà Nhà nước thì không có tiền quảng bá.

Muốn thực hiện công tác quảng bá phim, chúng tôi phải đi xin bản quyền, làm phụ đề rồi gửi tham gia các liên hoan phim, đó cũng là một cách để nước ngoài biết đến văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, có một hình thức quảng bá khác, thay vì đi ra nước ngoài, chúng ta sẽ mời họ đến với Việt Nam. Việt Nam sẽ tổ chức những chương trình, sự kiện văn hóa, hoặc liên hoan nghệ thuật quốc tế và mời các đoàn phóng viên báo chí, đoàn làm phim tham dự. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành một “địa chỉ văn hóa” hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi cũng mong muốn Việt Nam có các không gian quảng bá điện ảnh Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế lớn. Các hãng, các nhà làm phim độc lập sẽ được giới thiệu ở đó để có cơ hội hợp tác sản xuất, phát hành ra thế giới… Chúng ta trông đợi chương trình Mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa sẽ đầu tư nguồn lực để công tác quảng bá văn hóa Việt Nam được thực hiện xứng tầm.

Thiết kế: Ngọc Nguyễn

Đón đọc bài 3: Lãnh đạo cấp cao uống cà phê, thăm hiệu sách, đạp xe thành hình ảnh quen thuộc