Nhà báo Phạm Huyền: Xe công, gánh nặng ngân sách và sự lãng phí đã được nói đi nói lại từ cả chục năm nay từ Quốc hội đến nhiều diễn đàn khác. Gần đây, ngân sách càng khó khăn, nên số liệu xe công Bộ Tài chính mới công bố gần đây càng gây chú ý.

Góc nhìn thẳng mời ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) để làm rõ thêm vấn đề này.

Xin cảm ơn ông Trần Đức Thắng đã tham dự chương trình.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ông có thể so sánh chi phí cho xe công giữa nước ta và những nước trong khu vực?

Ông Trần Đức Thắng: Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể để so sánh các nước với Việt Nam. Tuy nhiên, các nước phát triển thì họ thường không trang bị nhiều xe công. Càng phát triển thì họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cá nhân càng nhiều. Ở nước ta hiện nay, theo tính toán của chúng tôi, bình quân một xe công một năm sẽ phải chi phí hết 320 triệu. Chi phí này bao gồm tiền lương, phụ cấp cho lái xe, tiền công tác phí, phòng nghỉ cho lái xe khi đi công tác, rồi chi phí hao mòn, bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa xăng xe.

Nói cao hay thấp cũng khó vì con số này là đảm bảo xe phục vụ cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao. Nên vấn đề là chúng ta phải kiểm soát để xe công được sử dụng đúng mục đích được đầu tư, mua sắm.

Vì sao, thứ trưởng, taxi, xe công

Nhà báo Phạm Huyền: Ông thấy sao khi chí phí riêng cho tiền xe ô tô đưa đón lại cao hơn rất nhiều so với tiền lương mà những người được sử dụng xe công nhận được- mà lương là thu nhập chính?

Ông Trần Đức Thắng: Chi phí cho xe công, như tôi đã nói, là chi phí tất yếu để phục cụ cho các cơ quan phục vụ công tác cho các chức danh được đưa đón hay đi công tác được bố trí xe. Mục tiêu của chúng ta là làm sao sử dụng xe công hiệu quả, tiết kiệm nhất. Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành quyết định 32 là hướng đến mục tiêu này.

Ở chỗ này, chỗ khác còn có việc sử dụng xe công chưa đúng không phải là tất cả, phải khẳng định như thế. Xe công có ba loại: phục vụ chức danh, tức là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1.25 trở lên; xe phục vụ công tác chung tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; xe chuyên dùng như cứu hỏa, cứu thương…

Nhà báo Phạm Huyền:Xe công, gánh nặng ngân sách và sự lãng phí đã được nói đi, nói lại rất nhiều trong cả chục năm qua nhưng có vẻ như việc tiết kiệm từ chi phí xe công vẫn chưa thực hiện được?

Ông Trần Đức Thắng: Đặt vấn đề tiết kiệm cho chi tiêu công nói chung và xe công nói riêng thì đúng nhưng tiết kiệm ở đâu và tiết kiệm thế nào cũng cần được chỉ rõ. Quyết định của Thủ tướng có nêu rõ chỉ được sử dụng xe vào mục đích công, không được sử dụng cho mục đích riêng, đó là nội dung chúng ta cần kiểm soát. Còn nếu tính đến câu chuyện khoán kinh phí hoặc thuê xe để phục vụ công tác cho các cơ quan thì cũng tùy từng loại xe mới có thể thuê được, khoán kinh phí được chứ không phải tất cả các loại xe đều thuê, khoán được.

Vì sao, thứ trưởng, taxi, xe công

Nhà báo Phạm Huyền:Cách đây gần chục năm, đã có chủ trương khoán chi phí xe công vào thu nhập cho những người thuộc diện được sử dụng xe công, đã có những cán bộ cấp thứ trưởng sử dụng xe ôm, taxi đi làm, vì sao việc này không được đẩy mạnh?

Ông Trần Đức Thắng: Quy định về khoán kinh phí sử dụng xe công, như tôi đã nói, quy định trước đây cũng như trong quyết định 32 mới là khuyến khích cán bộ có tiêu chuẩn sử dụng xe công nhận khoán, vì không thể bắt buộc. Vì nếu bắt buộc sẽ có chỗ này, chỗ khác bị ảnh hưởng công việc được giao. Trước đây, việc khoán cũng chưa được thuận tiện cho người được nhận khoán lắm. Do vậy, tại quyết định 32 cũng như Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng hướng dẫn rất rõ có chế đối với những người được nhận khoán xe là căn cứ vào số km thực tế mà họ sử dụng. Ví dụ như đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc hay đi công tác thì khoảng cách thực tế đó xem nhân với đơn giá phương tiện công cộng tương đương là cơ sở để thanh toán cho người nhận khoán và khoản này được trả cùng lương hàng tháng.

Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

VietNamNet