{keywords}

Anh Võ Thanh Nghị, 29 tuổi, quê Vĩnh Cửu, Đồng Nai. 11 năm trước, anh đến TP.HCM học Cao đẳng Du lịch. Những năm là sinh viên, chàng sinh viên Nghị tích cực tham gia các hoạt động ở trường, lớp và các hoạt động thiện nguyện.

Tốt nghiệp, Nghị về làm cho công ty gia đình ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM và đi làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, phát quà, thực phẩm ở bệnh viện, những vùng quê nghèo, vùng lũ lụt, vận động xây nhà cho người nghèo…

{keywords}

Khuya một ngày năm 2017, nhóm thiện nguyện của Nghị đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt cho bệnh nhân nghèo. Xong việc, anh ra xe đi về.

Một cụ bà quê An Giang gặp Nghị nói: ‘Cậu hay giúp người nghèo thì giúp tôi ít tiền đưa cháu ngoại về quê được không?’. Nhìn dáng người còm cõi, gương mặt hốc hác của cụ bà, Nghị gật đầu đồng ý. Anh nói: ‘Bà đưa cháu đến gặp bé được không?’.

Nghị theo bà đến nhà xác của bệnh viện. Anh nhìn quanh, không thấy đứa bé nào cả, chỉ có một cặp vợ chồng trẻ đang cúi mặt khóc, bên cạnh họ là chiếc túi du lịch phai màu.

Dù đã linh cảm có điều gì đó không ổn, nhưng Nghị vẫn hỏi: ‘Cháu bà đâu rồi?’. Nghe vậy, cụ bà không được bình tĩnh nữa. Bà chỉ về chiếc túi xách: ‘Cháu tôi trong đó’.

‘Khi bà mở chiếc túi ra, cả người tôi lạnh toát’, chàng trai sinh năm 1990 nhớ lại. Một em bé 7 tháng tuổi đã mất vì bệnh. Em được bọc kỹ trong lớp khăn dày cộm. ‘Các con tôi nghèo quá. Cháu bị bệnh không qua khỏi. Ba mẹ cháu không đủ tiền thuê xe chở con về quê. Sợ nhà xe họ biết rồi đuổi xuống, tôi bọc kỹ cháu như vậy’, cụ bà nói trong nước mắt.

Nghị cho biết, anh từng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa bao giờ gặp câu chuyện dồn người ta đến bước đường cùng như gia đình bà cụ quê An Giang. ‘Tội nghiệp em bé, sinh ra đã không lành lặn, khi từ biệt cuộc sống cũng lạnh lẽo’, Nghị nói.

Anh gom hết số tiền trong ví biếu cụ và vận động thêm bạn bè mua cho em bé chiếc hòm, thuê một xe đưa cả nhà em về quê.

Cũng từ đó, Nghị chuyển sang làm từ thiện bằng cách, thực hiện các chuyến xe cuối cùng giúp đỡ các em bé xấu số, sinh ra trong gia đình nghèo khó.

‘Các em nhỏ là thiên thần, phải được yêu thương, bao bọc. Vì bệnh hiểm nghèo, các em phải từ biệt cuộc sống. Khi kinh tế ba mẹ các bé đã kiệt quệ vì phải lo chữa bệnh cho con, tôi muốn làm gì đó giúp các em’, Nghị nói và cho biết, hơn hai năm qua, anh đã liên hệ với một số bệnh viện trong thành phố để biết được những hoàn cảnh cần giúp đỡ.

{keywords}

Nghị có hai chiếc điện thoại cầm tay và không bao giờ tắt máy, bởi ngoài kia có rất nhiều hoàn cảnh cần anh giúp đỡ, nếu họ gọi không có người nghe sẽ thất vọng. Anh cho biết, hơn hai năm qua, anh đã đưa được gần 100 em bé xấu số ở các tỉnh khác nhau về quê an táng.

Mỗi em là mỗi câu chuyện buồn, mỗi hình ảnh bi thương. ‘Ba mẹ các em nghèo quá. Con mất, không có tiền mua hòm, họ bọc kín con trong quần áo, khăn, chiếu. Có em, tôi đến thì thấy bỏ trong thùng xốp, bên ngoài dán đầy keo. Ba mẹ các em giải thích, làm như vậy để khi đưa lên xe khách thì nhà xe không phát hiện’, chàng trai trẻ kể, giọng ngắt quãng vì xúc động.

{keywords}
Anh Nghị nói, anh không dám tắt điện thoại vì ngoài kia có rất nhiều hoàn cảnh cần anh giúp đỡ.

Có những cuộc gọi đến với Nghị lúc giữa trưa. Có cuộc gọi thì vào lúc 0 giờ khuya. Hay những cuộc gọi đến từ lúc sáng sớm. Chỉ cần nghe đầu dây bên kia có giọng hoảng hốt, nói trong tiếng nấc thì anh biết, mình phải điều ngay chuyến xe đến bệnh viện.

Chuyến xe gần đây nhất là vào tháng 6 vừa qua. Một em bé bị bệnh nặng, đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 chữa trị và không qua khỏi. Ngày em mất, ba mẹ em cũng kiệt quệ kinh tế. Phía bệnh viện đã liên hệ với Nghị nhờ giúp đỡ.

Khuya ngày 25/6, Nghị nhận được điện thoại của bệnh viện. Đang trong cơn ngái ngủ, nhưng nghe điện thoại xong, anh bấm số cho nhà xe chạy đến bệnh viện. Xong, anh chạy xe máy từ Bình Tân xuống bệnh viện để biếu người nhà em bé ít tiền, giúp họ đưa con vào hòm, vận chuyển đồ lên xe.

Khi chiếc xe đưa em bé và bố mẹ em rời khỏi bệnh viện cũng là lúc trời vừa sáng. Khuôn mặt bơ phờ vì cả đêm mất ngủ, nhưng miệng Nghị vẫn cười tươi. Anh nói: ‘Làm việc này, tôi chỉ mong các em bé thấy ấm áp hơn’.

{keywords}

Nghị cho biết, khi giúp đỡ gia đình các em nhỏ, hầu hết anh không biết tên cha mẹ các em, quê em bé ở đâu. Tuy nhiên, đã có nhiều gia đình cảm ơn anh bằng cách tặng lại quà quê, như: dừa, bơ, chôm chôm, giò, chả…

‘Tôi luôn dặn bác tài, khi đưa các em bé về đến quê thì quay xe về ngay, không có nhận quả cảm ơn của ai hết. Bởi ba mẹ các bé đã nghèo quá rồi. Nhưng có nhiều gia đình, khi bác tài giúp họ đưa đồ xuống xe, quay lại thì đã có một xe đồ ăn rồi. Có khi tôi nhận cả xe dừa, bơ, chôm chôm… Họ nói, tôi cứ nhận. Đó là lời cảm ơn của họ’, Nghị kể.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, có rất nhiều em nhỏ sinh ra đã bị bệnh và không qua khỏi. Cha mẹ các em nghèo, vì thế, khi con mất, họ không đủ kinh phí để mua hòm, thuê một chiếc xe đưa con về quê. Biết việc làm của anh Nghị, bệnh viện đã liên hệ nhờ giúp họ.

‘Lúc nào chúng tôi gọi cậu ấy cũng có mặt. Hơn hai năm qua, chuyến xe của cậu ấy đã đưa được nhiều em bé của bệnh viện chúng tôi về quê. Ngoài ra, cậu ấy còn giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi đưa con đến chữa bệnh tại bệnh viện chúng tôi’, bác sĩ Mai nói.

Anh Nghị cho biết, hiện nay, anh chỉ mới giúp đỡ các em nhỏ ở một vài bệnh viện. Tới đây, khi kinh phí khá lên anh sẽ liên hệ với các bệnh viện ở thành phố để giúp đỡ. Và việc giúp đỡ này không chỉ với các em nhỏ mà sẽ có cả các bệnh nhân lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Ăn 5 chiếc bánh xèo, người phụ nữ để lại đứa con 3 tuổi cho chủ quán

Ăn 5 chiếc bánh xèo, người phụ nữ để lại đứa con 3 tuổi cho chủ quán

 Thương bé gái 3 tuổi bị mẹ bỏ, chân tay lấm lem, mặt mệt mỏi, vợ chồng ông Chương (TP.HCM) mang về nhà nuôi gần 1 năm qua.  

Ảnh: NVCC

Tú Anh