Clip: BTV Minh Trang hát, chia sẻ về đàn ông, sở thích...
- Đã 11 năm gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam nhưng chỉ khi cái tên Minh Trang xuất hiện ở bản tin Thời sự 19h, sự nổi tiếng mới đến với chị?
Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một người dẫn chương trình. Tuy nhiên hồi học cấp 2 hàng ngày đạp xe đi qua cổng Đài THVN tôi từng nghĩ một ngày nào đấy có thể bước chân vào đây để làm việc. Khi tốt nghiệp biên kịch điện ảnh tôi xin thực tập tại Đài THVN, công việc biên tập truyền hình và viết lách sáng tạo cũng khá gần nhau. Tôi vào ban chuyên đề thực tập, chỉ đi theo các anh chị nhưng rất vui và tự hào.
Lúc ấy tôi thấy công việc truyền hình khó quá, mình học biên kịch chỉ viết thôi nhưng một người có thể đứng tên trên một sản phẩm truyền hình phải vận dụng rất nhiều kỹ năng từ biên tập, viết, đi quay, dựng tin cho đến rất nhiều khâu kiểm duyệt và phát sóng. Cảm giác không có gì thăng hoa bằng việc một tin dù chỉ 40s nhưng được đứng tên mình và phát sóng. Tôi nhớ ngày xưa vẫn còn dựng cái bàn analog to, tôi lại không được đào tạo về làm báo truyền hình nên phải lọ mọ cứ tối khi mọi người về hết tự ngồi tập dựng có hôm đến 1-2h sáng mới về.
Hồi đó không linh hoạt sử dụng phần mềm như bây giờ, sai một tí phải gỡ ra dựng lại hoàn toàn. Sau một năm thực tập, chị làm cùng phòng kinh tế nói bên Dự báo Thời tiết cần người dẫn chương trình, tôi có thanh có sắc thử sang dẫn xem. Tôi sang đấy 6 tháng được lên hình, vẫn nhớ hôm lên hình vào ngày 28 Tết, cách đây 11 năm. Còn nói về chuyện nổi tiếng cho đến giờ tôi cũng không hướng đến điều đó, những gì của ngày hôm nay, với tôi đó là một kết quả của quá trình dài cố gắng, và may mắn nữa. Ước mơ của tôi vẫn là một người làm truyền hình và sau này muốn mọi người nghĩ đến mình là một nhà báo làm thời sự chứ không phải một người dẫn chương trình thời sự.
- 11 năm làm báo có bài học hay câu chuyện gì khiến chị phải nhìn lại?
Vấp ngã về chuyên môn cũng có, vấp ngã theo nghĩa đen cũng có.
Vấp ngã về chuyên môn là lần vì sự chủ quan của tôi làm đổ cả một bản tin. Hồi đấy tôi còn tham gia biên tập chương trình Điểm hẹn văn hóa phát sóng vào hai khung giờ buổi trưa và buổi tối cùng ngày, một phòng mà 1 ngày phụ trách 2 bản tin là khối lượng công việc rất lớn.
Hôm đấy tôi nghĩ việc vừa biên tập vừa dẫn không có gì quá to tát nhưng không thể làm hai việc cùng một lúc. Đến giờ vào trường quay đúng ra tôi phải ngồi trên sóng để dẫn nội dung biên tập vẫn chưa xong. Bản tin không thể không có người dẫn nên hai phóng sự trong bản tin ấy phải chấp nhận không phát sóng để tôi dành thời gian dẫn. Cả 1 tin từ 7 phút xuống chỉ còn 3 phút vì lỗi của tôi.
Lúc ấy tôi nghĩ mình có thể đam mê, yêu nghề nhưng phải có trách nhiệm. Bài học rất lớn tôi nghĩ người làm truyền hình nào cũng phải trang bị cho mình đó là trách nhiệm với từng giây lên sóng. Chỉ cần chủ quan làm đổ một giây thôi là đổ đi công sức của hàng chục con người chưa kể nếu bản tin có quảng cáo nữa thiệt hại sẽ rất lớn.
Vấp ngã nghĩa đen là lần dẫn chương trình dự báo thời tiết bản tin "Chào buổi sáng". Ngày ấy dẫn dự báo thời tiết vẫn phải mặc áo dài chứ chưa được mặc vest như bây giờ. Lúc tôi tỉnh dậy chỉ còn gần nửa tiếng nữa phải lên hình nên lao lên chiếc xe ôm của bác đầu ngõ nhưng đi quá vội nên tà áo dài mắc vào bánh xe, tôi bị ngã đập đầu xuống đường rách toang áo, bác xe ôm cho tôi mượn áo khoác. Đến cơ quan việc đầu tiên tôi nghĩ đến không phải là tai nạn vừa xảy ra, mà ngay lập tức phải kịp thay một chiếc áo dài dự phòng để lên sóng. Mọi người kể khi tôi đang dẫn máu chảy ra cổ áo sau lưng, ra khỏi trường quay là lịm đi luôn.
Sau sự việc ấy, nhiều người nói nghề này khắc nghiệt quá tôi nên nghỉ đi. Nhưng tôi nghĩ mình đã yêu nghề đến mức bất chấp cả đau đớn và tai nạn như thế lại bỏ có nghĩa đã phản bội lại chính nỗ lực của bản thân. Cho đến hôm nay khi nhìn lại tôi thấy làm truyền hình trong đầu lúc nào cũng phải tâm niệm một câu: ''Đừng bao giờ nản chí trước khó khăn vì đằng sau những khó khăn còn có những khó khăn hơn".
- Ở môi trường khắc nghiệt sẽ rèn luyện cho con người ta sức chịu đựng cao nhưng rõ ràng nhiều MC, BTV khi đang được nhiều khán giả yêu mến đã quyết định dừng lại chuyển sang làm công việc khác. Chị có khi nào vì áp lực, chán nản từng muốn nghỉ VTV?
Đó là giai đoạn tôi vừa sinh con xong quay lại công việc toàn bộ công nghệ truyền hình thay đổi, tôi như một người mới vào nghề. Lúc đấy có con, trách nhiệm nhiều hơn, sự căng thẳng và áp lực cũng nhiều hơn nên tôi đã nghĩ đến việc dừng lại, dành thời gian chăm sóc đến khi con cứng cáp có thể đi làm một công việc khác.
Tôi từng lên gặp lãnh đạo ban xin nghỉ và đưa đơn. Tuy nhiên trước khi tôi quyết định nghỉ hẳn, một lãnh đạo ban đã gọi lên nói chuyện. Tôi có chia sẻ áp lực không thể nào tập trung toàn bộ năng lực như ngày xưa khi phải chia đôi mình ra, một là con nhỏ, hai là truyền hình mà truyền hình bây giờ mới mẻ với tôi quá, việc chuyển giao công nghệ nhanh chóng, những gì tôi biết trước đó chỉ một năm thôi đã trở thành lạc hậu, tôi thấy quá strees khi phải bắt đầu lại.
Sau cuộc trò chuyện với lãnh đạo ban tôi về suy nghĩ lại tự hỏi mình muốn nghỉ vì stress hay vì không còn đam mê nữa. Nếu stress nó sẽ qua nhưng qua cơn stress ấy, lại đánh mất đi cơ hội theo đuổi đam mê thì rất nguy hiểm cho bản thân vì còn một chặng đường dài với nghề. Sau đấy tôi thay đổi quyết định và rất may mắn lãnh đạo ban đã không quay lưng lại với tôi trong quãng thời gian ấy. Cũng phải nói thật lúc ấy cũng có những biến cố xảy ra trong cuộc sống của tôi nhưng với những gì tôi cố gắng nghề vẫn cho mình lựa chọn đúng, vẫn ưu ái mình.
-Chị chia sẻ khi có em bé từng stress và muốn dừng lại công việc làm truyền hình, vậy chị có thể chia sẻ về con gái và cuộc sống riêng của mình?
Tôi có một bé gái 6 tuổi, chuẩn bị đi học lớp một. Cháu có gen giống mẹ rất thích dẫn chương trình và cũng tự tin dạn dày trước đám đông. Cháu hiếu động và thỉnh thoảng thích lên cơ quan cùng mẹ. Dù chưa biết chữ nhưng khi đến lớp các bạn hỏi người bạn ngưỡng mộ nhất là ai thì câu trả lời của con luôn là: "Mẹ tớ". Đi đâu bạn ấy cũng khoe về mẹ, đó cũng là một động lực rất lớn và thiêng liêng để tôi thêm yêu công việc truyền hình dù có vất vả.
- Với guồng quay và áp lực công việc nhiều người phụ nữ làm báo không có nhiều thời gian dành cho gia đình mình. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống việc người nào đó yêu thương gắn bó với mình - những người làm báo cũng phải thật sự chia sẻ và cảm thông. Những áp lực công việc ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của chị?
Rất may mọi người trong gia đình đều ủng hộ tôi dù thời gian không có nhiều, không có ngày nghỉ ngày lễ. Ngoài lịch dẫn dày đặc tôi phải phải đảm đương chuyên môn về sản xuất, các tin bài phục vụ cho các bản tin, nhất là tôi theo dõi mảng văn hóa, những ngày nghỉ ngày lễ các sự kiện đều rơi vào dịp đó. Người ta sẽ được đi chơi nghỉ ngơi cùng gia đình còn mình sẽ phải 'xông ra mặt trận nhiều hơn, may mắn mọi người cũng yêu thương chia sẻ nên tôi không có bất cứ áp lực nào từ gia đình chỉ bản thân đôi lúc cũng thấy tủi thân là đáng lẽ ra có những lúc mọi người tất bật chuẩn bị mâm cỗ Tết, mình lại phải chuẩn bị mâm cỗ truyền hình.
Tuy nhiên, đôi khi trong bận bịu vẫn mang lại niềm vui cho mình như dịp Tết vừa rồi khi facebook có chức năng nhận diện, ai chụp một bức hình nào có mình nó sẽ tự đánh dấu và vô tình tôi thấy trong những bức ảnh mâm cỗ ngày Tết có rất nhiều ảnh của mình vì họ đặt mâm cỗ ấy trước tivi, vô tình tôi lọt vào mâm cơm của họ. Có một bức hình bây giờ nhắc lại tôi vẫn thấy rất xúc động đó là mâm cơm chiều 30 Tết ở Trường Sa, lúc đấy các chiến sĩ đặt mâm cơm trước ti vi và tôi đang dẫn chương trình thời sự lúc 19h. Thế mới thấy mọi áp lực đều có giá trị và niềm vui ấy của mình trong những thời điểm nào đấy đôi khi còn rất thiêng liêng.
- Từng có 4 năm liền nhận những món quà từ một người giấu mặt. Đến bây giờ chi đã biết đó là ai chưa?
Thật ra tôi nghĩ một người phụ nữ sẽ không gửi hoa tặng cho nhau chưa kể người ấy còn biết loài hoa tôi thích. Phải là người rất yêu quý tôi, mong muốn mang đến những niềm vui cho tôi mới làm như vậy. Chưa kể tặng hoa cho mình mà họ không cần mình biết họ là ai, điều ấy đáng quý lắm chị ạ!
- Giá trị về tinh thần dành cho nhau đôi khi quý giá hơn bất kỳ món quà vật chất nào - tôi hiểu điều đó. Nhưng theo phản xạ thông thường khi ai đó nhận được sự quan tâm và tình cảm từ người khác giới sẽ dễ đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Chị thực sự không muốn biết người ấy là ai vì mặc nhiên nghĩ mình xứng đáng nhận được tình cảm như thế hay bởi đã biết mà không muốn nói?
Tôi nghĩ khi mình không tìm hiểu cũng là một sự tôn trọng họ, ít nhất là trong câu chuyện của tôi. Họ không muốn xuất hiện, không muốn ra mặt, không muốn đặt tên cho những bó hoa ấy, chỉ cần mang cho tôi niềm vui hay sự bất ngờ, thế thì có cần thiết phải băn khoăn hay tìm kiếm người đấy là ai nữa không? Tôi nghĩ chắc không cần. Mỗi lần nhận được lẵng hoa phong lan trắng, loài hoa yêu thích tôi đều post lên trang cá nhân không phải để khoe mà có thể người tặng cho tôi sẽ theo dõi biết rằng tôi trân trọng điều ấy và đã nhận được rồi. Có khi cứ để câu hỏi bỏ lửng như thế, biết đâu lại thú vị.
Thật ra những ngày sinh nhật của tôi, 8/3, 21/6... trong 4 năm ấy họ chỉ đặt hoa gửi đi từ một cửa hàng và tôi thừa sức tìm đến nơi đó để hỏi ai tặng cho mình. Đến năm thứ 5, tự nhiên không nhận được hoa nữa tôi bắt đầu tò mò nhưng cũng chưa có ý định phải tìm câu trả lời - người đó là ai. Tôi chỉ biết rằng đó là một trong những món quà quý giá nhất tôi từng nhận được từ khán giả dành cho mình. Thật sự nhiều lúc chán nản tôi vẫn nghĩ về những bó hoa ấy rồi thầm nhủ những người thân yêu chưa chắc đã làm được như thế được cho nhau, phải là người vô cùng đặc biệt.
- Tôi không tin chị chỉ có một khán giả đặc biệt ấy, chắc còn phải nhiều người khác nữa?
Các khán giả theo dõi thời sự là những người khá lớn tuổi cũng có người trẻ và họ thường sẽ gửi thư qua email hoặc inbox trang cá nhân của tôi nhiều hơn. Nhân câu hỏi của chị tôi kể thêm chuyện về một khán giả ở Hải Phòng. Bác ấy cũng hay gửi thư cho tôi, có lần trong thư còn kèm một sợi dây chuyền trang sức trong đó kèm 2 mặt đá màu xanh và màu cam.
Vị khán giả nói mong được trông thấy tôi đeo dây chuyền bác ấy tặng lên dẫn chương trình bản tin thời sự lúc 19h vì hai mặt đá ấy mang hai thông điệp, khi tôi đeo mặt đá màu xanh gửi đến thông điệp hôm nay rất vui, còn hôm nào đeo mặt màu cam thể hiện mình rất khỏe. Người khán giả luôn luôn mong những điều tốt đẹp cho mình.
Tuy nhiên vì điều kiện nên tôi cũng chưa có cơ hội để đeo cái dây đó. Tất cả tình cảm khán giả dành cho tôi đón nhận và giữ cho riêng mình. Nếu tôi đeo sợi dây được tặng có thể khán giả ấy sẽ vui nhưng biết đâu nhiều người thắc mắc. Thật ra khi tôi lên hình, không chỉ phục vụ một người mà hàng triệu người và một chương trình thành công còn nhiều yếu tố, ê kíp nên cần sự tôn trọng chung.
- Ngoài những tình cảm yêu quý từ khán giả chị có thường xuyên nhận được những góp ý?
Có một khán giả ở Cần Thơ từng gửi 5,6 lá thư viết tay cho tôi đưa ra nhiều góp ý và bày tỏ tình cảm, gửi ảnh của bác và gia đình, cả những bức ảnh bác chụp tôi khi dẫn các chương trình thời sự tối. Có một lần tôi viết thư tay trả lời lại bác. Nhưng gần đây bác viết một lá thư mắng thậm tệ khiến tôi đọc khá sốc. Trong thư bác bảo ở thư trước đã dặn hãy gọi điện cho bác theo một số điện thoại mà sao mãi tôi không gọi. Thật sự để chủ động gọi điện theo người hâm mộ yêu cầu nó rất tế nhị.
Bác khán giả này sinh năm 1956, làm nghề nông, tôi biết bác yêu quý tôi nhưng mong bác cũng phải hiểu công việc của một người làm báo hình. Bác khán giả cũng nói từng gửi rất nhiều thư cho các BTV truyền hình khác nhưng không ai trả lời bác cả nên có một lần thấy tôi trả lời bác rất quý và hy vọng các thư bác gửi tôi sẽ trả lời. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi liên tục và bận bịu, phải có thời gian và thấy hợp lý mới phản hồi, rất mong nhận được sự chia sẻ của các khán giả yêu quý.
- Chị từng học ở sân khấu điện ảnh và cũng từng có kỹ năng viết và sáng tạo kịch bản, đến nay đã có bao nhiêu kịch bản trong tay? Cuộc sống của một BTV cũng dễ khiến cho nhiều người tò mò có khi nào chị nghĩ sẽ viết câu chuyện về nghề nghiệp mình theo đuổi?
Tôi được đào tạo về chuyên ngành sáng tác nên được rèn giũa viết lách rất kỹ trong nhà trường, bây giờ tôi còn đi dạy học nữa vì cũng tham gia hợp tác đào tạo khoa truyền hình của ĐH Sân khấu điện ảnh. Không được vận dụng nhiều so với ngày đi học nên bây giờ tôi viết ít hơn nhưng khi có điều kiện vẫn tranh thủ viết, không chỉ những kịch bản phim mà còn có những kịch bản sân khấu. Tôi và nhà viết kịch Chu Thơm từng đồng hành cùng nhau 2 kịch bản: "Đỉnh cao và vực sâu" và "Hoàng hôn trong lòng phố". Tôi cũng đã gửi kịch bản đến một số nhà hát và được hứa hẹn trong dự án sẽ dựng vở nhưng vẫn chưa thấy khởi công.
Còn về phim khi tốt nghiệp chưa đi làm ở Đài, tôi cũng cùng với một người thầy xây dựng kịch bản cho một bộ phim truyền hình từng được sản xuất và phát sóng ở khu vực phía Nam. Thật ra viết kịch bản về cuộc đời mình so với những anh chị khác tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Câu chuyện truyền hình có rất nhiều thứ để mình khai thác. Đủ quyết tâm, đam mê, cảm xúc tôi sẽ viết một kịch bản về nghề nghiệp của mình vì rõ ràng nó là thứ gần gũi và gắn bó với mình nhất.
Bài, clip: Sơn Hà
Thiết kế: Võ Tú Uyên
BTV Thời sự kể về tai nạn nghiêm trọng trước giờ lên sóng
"Tôi chạy lên phòng vội vàng thay rồi xuống trường quay dẫn bản tin an toàn, trơn tru, mà khán giả và chính bản thân cũng không biết rằng đằng sau đầu, máu chảy ướt cả cổ áo", BTV Minh Trang.