TS Lê Xuân Hồng là con gái của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Năm 13 tuổi, bà Lê Xuân Hồng được đưa ra miền Bắc và học tiếp tiểu học. Hết bậc THPT, bà được đi Liên Xô học ĐH Sư phạm ngành tâm lý giáo dục trẻ em. Năm 1978, bà Lê Xuân Hồng về nước và nhận quyết định về làm giảng viên ở Trường Sư phạm Mẫu giáo TW 3 (nay là Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM).
Năm 1989, bà Hồng được đề đạt làm Hiệu phó và năm 1992 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường này đến lúc nghỉ hưu.
Phóng viên: Hai lần bà được đề nghị ra làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng đã từ chối?
- TS Lê Xuân Hồng: Lần đầu tiên năm 1996, Bộ trưởng GD-ĐT thời đó là anh Trần Hồng Quân, ngỏ ý kêu tôi về làm Thứ trưởng nhưng tôi từ chối. Lúc đó tôi đang làm luận án tiến sĩ ngành Tâm lý giáo dục. Tôi nói với anh Quân, rất cảm ơn sự tín nhiệm của Bộ GD-ĐT và đặc biệt là Bộ trưởng nhưng không thể đi được vì thấy khả năng của mình không đủ để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Quân nói với tôi, “nhiệm vụ Đảng viên phải đi”. Tôi òa khóc nức nở gọi điện cho ba mình, nói với ông rằng: “Nếu nói nhiệm vụ Đảng viên thì con làm ở vị trí nào, hoàn thành tốt thì vẫn là nhiệm vụ Đảng viên. Con đã nói từ khi về nước rằng: Nhà nước nuôi con nên con sẽ làm hết mình để đền ơn lại Đảng và Nhà nước”.
Lần thứ 2, anh Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ngỏ ý để tôi ra làm Thứ trưởng phụ trách bậc học mầm non nhưng tôi lại từ chối. Tôi nói với anh Hiển, công việc ở đây cũng mang lại lợi ích thiết thực là giúp sinh viên học được những kiến thức, thực hành được trong trường mầm non như vậy là hạnh phúc nhất.
Tôi từ chối vì nhiều lý do nhưng cái chính là thấy mình không phù hợp với chức vụ này.
Cha bà đã nói gì?
- Ba tôi rất tôn trọng ý kiến các con. Bản thân tôi chưa bao giờ xin ông cái gì nên khi tôi đã xin thì rất quan trọng. Ba rất xúc động, sau đó gọi cho anh Quân và nói để cháu làm việc trong đấy.
Việc bà từ chối làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT chắc nhiều người bất ngờ?
- Lúc tôi bảo vệ luận án tiến sĩ, mọi người nghĩ tôi sẽ nhận chức Thứ trưởng nhưng thâm tâm tôi không như vậy. Nhiều người nghĩ rằng tôi nói không thật lòng nhưng tôi đã nói là nói đúng suy nghĩ của mình. Rất nhiều người đặt câu hỏi khác nhau, còn tôi chỉ nghĩ, ngành học này mới ở Việt Nam, người được đào tạo bài bản không nhiều, muốn phát triển thì phải có đầu ngành. Cái chính của tôi không phải là chức vụ mà là nhiệm vụ nào mình thấy làm tốt nhất.
Có khi nào bà tiếc nuối vì từ chối vị trí Thứ trưởng? Vì ở vị trí này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn hơn?
- Tôi chưa bao giờ tiếc nuối vì tầm của mình tới đó thì làm tới đó. Tôi nghĩ làm Thứ trưởng sẽ có lúc nói không đúng với cái nhìn thấy và không bằng lòng.
Lúc tôi đang là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3, một lần Bộ GD-ĐT cho trường mấy chục triệu để mua sắm thiết bị dạy học. Thế nhưng Bộ không cho thiết bị mình có nguyện vọng mua hay cho tiền để trường mua mà để Công ty thiết bị trường học chở vào mấy xe tải thiết bị, trong đó một xe tải chứa toàn bộ giá vẽ. Tôi gọi điện cho Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai lúc đó đang đi công tác ở miền Tây, ngỏ ý mời chị tới trường chơi.
Lúc Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai tới trường, tôi dẫn bà tới chỗ thiết bị được cấp và nói: “Chị Mai chỉ giúp em trường để thiết bị này chỗ nào và để làm gì. Giá vẽ thì sinh viên có giá vẽ rất gọn và mang theo rồi. Cái này trường không có chỗ để, nếu đã cho thì cho tiền để trường sắm phục vụ sinh viên. Nhờ chị gọi Công ty thiết bị trường học chở về giúp, chứ trường không nhận mấy chục triệu nữa”.
Tôi nói như vậy để thấy một chuyện làm sao mình có thể nhận nhiệm vụ khi phía dưới mình đang làm trái và mình có tác dụng gì cho vị trí của mình.
Có ba làm Chủ tịch nước, bà có nghe điều tiếng là mình được hưởng lợi?
- Có chứ, nhưng bản thân tôi không có nên không bận tâm. Tôi tự hào với cuộc sống của mình không dựa dẫm hay là con của ai. Tôi sống bình dị và không vì rằng có ba mình như thế mà sống khác đi. Tôi thấy cuộc sống như vậy rất thoải mái, thấy an bình, tối về ngủ ngon.
Từ nhỏ, tôi không thích sống dựa dẫm vào ai. 3 tuổi tôi sống với gia đình ông ngoại, lên 7 tuổi đã rất tự lực. Sống xa ba mẹ trong một hoàn cảnh bắt buộc, mọi người trong nhà phải lao động đã thành thói quen. Chuyện gì tôi cũng tự làm nên khi hoàn thành thấy rất nhẹ nhõm và sung sướng.
Sống xa gia đình từ nhỏ, những bài học nào của ba mẹ bà vẫn nhớ?
- Ba má tôi có cách dạy con giống nhau là yêu cầu con chăm chỉ học tập, còn mọi việc sau này đi làm thì tính sau. Ba má luôn dặn tôi tập trung, cố gắng học hành. Thỉnh thoảng ba má có gửi thư nhắc nhở. Con gái đi học xa nhà, ba má rất lo nhưng tôi cũng rất nghiêm túc trong sinh hoạt.
Do hoàn cảnh, ba má tôi không sống cùng nhau nhưng má luôn nói rằng, má không làm bất kỳ chuyện gì để ảnh hướng tới sự nghiệp của ba, để ba chuyên tâm phục vụ cách mạng. Má tôi đã hi sinh cả cuộc đời, những hi sinh của má, tôi thấy mình chưa là gì. Má luôn sống nhường nhịn và dặn chúng tôi chuyện nào của mình thì của mình. Chưa bao giờ má nói điều gì không tốt về ba.
Má luôn nói: ba con đã hi sinh cả cuộc đời cho cách mạng, ba là người có tài nên phải trân trọng cái tài để phục vụ nhân dân, đất nước. Có lúc tôi giận ba lắm và cũng có những lời nói trách móc ông. Sau này hiểu được, tôi ngẫm lại và thương ba nhiều hơn.
Tôi nhớ trước lúc ba mất chỉ mong mỏi một điều là các con đoàn kết với nhau.
Tính cách thẳng thắn, bộc trực của bà ảnh hưởng nhiều từ ai nhất, từ ba hay má?
- Tôi nghĩ ảnh hưởng từ cả hai. Má tôi rất được nhiều người yêu quý. Má không nói và ít tâm sự, không xúc phạm tới bất kỳ ai. Ba tôi hi sinh vì công việc.
Ba rất nghiêm khắc nhưng tôi không sống chung, ít gặp nên cái gì tôi đề xuất rất được ông tôn trọng. Thú thực tôi cũng rất hiếm khi đề xuất cho mình mà chủ yếu cho người khác. Lần duy nhất tôi xin ba là không ra làm thứ trưởng giáo dục. Lúc đó tôi nghĩ nếu ba tôi không phải Chủ tịch nước thì chắc tôi không thể từ chối, nhưng nếu ba tôi không phải Chủ tịch nước thì chắc tôi cũng không được để ý.
Mọi chuyện qua đi, ba thấy tôi rất có bản lĩnh. Tôi không có gì ân hận với sự lựa chọn của mình. Tôi công tác ở Trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương 3 là được Bộ GD-ĐT phân công và khi phân công thì gắn bó. Tôi thấy mình học ngành này thì về trường làm là đúng lắm rồi.
Nghề giáo mang lại niềm vui cho bà như thế nào?
- Tôi nói với các giáo viên của mình: “Tôi mở trường (hiện bà Hồng làm chủ 2 trường mầm non ở TP.HCM) không phải vì tiền, chính tôi cũng đi vay mượn mọi cách để thành lập trường. Tôi muốn mọi đứa trẻ đến trường được phát triển theo khả năng của mình và được an toàn trong môi trường các em học, nên tất cả mọi người đều phải nỗ lực lớn”.
Trường của tôi có 1 điểm dành cho trẻ chậm phát triển. Thú thực lúc đầu tôi không có kế hoạch dạy trẻ chậm phát triển vì đây là một mảng mới. Nhưng ngày đầu mở trường, có 7 bé thì trong đó có 1 bé chậm phát triển. Một số phụ huynh phàn nàn không muốn cho con học cùng bé chậm phát triển, mẹ của bé nghe được đã khóc, còn tôi không nỡ bỏ một đứa trẻ như vậy. Sau một quá trình, nhiều bé học ở chỗ tôi đã hòa nhập rất tốt.
Tôi thấy xung quanh mình khi nào cũng đầy niềm vui vì yêu nghề, yêu trẻ. Mỗi ngày tôi lại thấy có những điều mới ở học sinh và các giáo viên của mình. Tôi làm giáo dục là đúng ngành và thực sự rất yêu trẻ từ lúc còn nhỏ nên khi làm không thấy mệt mỏi.
Bài: Lê Huyền - Ảnh: Thanh Tùng
Thiết kế: Quốc Dũng
Người thầy từng bỏ nghề đi buôn dẫn đường cho nhiều huy chương quốc tế
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng chàng trai Nguyễn Duy Liên quyết định bỏ nghề đi buôn. Sau 12 năm, “vì vẫn còn yêu tha thiết môn Toán”, anh chọn quay trở lại bục giảng, làm lại từ đầu với vai trò là một thầy giáo làng.