{keywords}

{keywords}

Thời còn đi học phổ thông, cậu học trò Nguyễn Duy Liên vốn nổi tiếng thông minh, có tư chất đặc biệt trong môn Toán.

Có bố là cán bộ thống kê của xã, cậu vẫn thường được bố dạy cho về những con số. “Lúc đó mình nghĩ, sao môn Toán lại hay và đẹp đến thế!”, thầy Liên nhớ lại.

Còn người mẹ vốn buôn bán ngược xuôi, nhưng mỗi lần có dịp đi chợ qua thành phố Việt Trì cũng đều cố gắng tìm về cho con những cuốn sách toán. Tình yêu với những con số cứ thế ngấm dần trong Liên từ lúc nào không hay.

Đến khi lên cấp 3, bất kỳ bài toán nào thầy cô giao, Liên cũng đều giải được hết. Sợ học trò chủ quan, mỗi đầu kỳ học, thầy giáo chủ nhiệm lại giao cho Liên một đề toán lý thuyết cực khó. Lần nào, cậu cũng chỉ nhận về 2 điểm.

Nhưng cũng nhờ những “cú huých” ấy mà cậu học trò ý thức được việc phải tiếp tục cố gắng vươn lên.

{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Duy Liên, Giáo viên Toán của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Năm 1978, cậu lựa chọn thi vào ngành Toán của Trường ĐH Bách khoa nhưng không đỗ. Sau đó, Liên được chuyển sang học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Dù vậy, với một người “chưa từng biết đến thất bại” như Liên, việc trượt đại học vẫn là điều khiến cậu cảm thấy không cam lòng. Bốn năm sau, khi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm, chàng trai Nguyễn Duy Liên quyết định một lần nữa thi lại vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Lần này, cậu đã thi đỗ.

Tuy nhiên, học Bách khoa được 1 năm, Liên bị nhà trường buộc thôi học với lý do học xong sư phạm không đi dạy. Tuy nhiên, thời điểm đó, thấy bằng sư phạm không dễ xin việc, Liên quyết định bỏ đi buôn.

Vùng đất Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) quê Liên vốn nổi tiếng bởi người dân buôn bán khắp nơi. Liên cũng theo bước vài người đi buôn đồ điện, đổi vải.

Sau hơn 1 năm học đi buôn, việc buôn bán không mấy thuận lợi. Liên nhận ra con đường này không phù hợp với mình. Cậu lại thích làm thầy giáo dạy Toán hơn. Vì thế, dù đi đâu, làm gì, cậu cũng mang theo một cuốn sách toán để lôi ra đọc mỗi khi rảnh rỗi.

Trong thời gian này, chàng trai trẻ cũng mở một vài lớp học phụ đạo cho những học trò trong xã để vơi bớt sự “nhớ nghề”.

Đến năm 1994, bắt gặp một chàng thanh niên buôn đồ điện lúc nào cũng hăng say nghiền ngẫm sách toán, qua trò chuyện, một thầy hiệu trưởng trường huyện ngỏ lời với Liên: “Hay cháu về đi dạy với chú đi”.

Lần này không chần chừ nữa, Liên nhận lời; gạt bỏ lại quãng thời gian 12 năm đi buôn để làm một thầy giáo làng.

{keywords}

Trong khi bạn bè cùng lứa tốt nghiệp sư phạm đã có chỗ đứng vững vàng trong nghề, thầy giáo Liên mới bắt đầu công việc đi dạy. Dù có tiếc nuối, nhưng thầy Liên cho rằng: “12 năm ấy đã cho mình nhận ra nhiều bài học về cuộc sống. Giờ đây, mình vừa có thể thấu hiểu công việc của một bác nông dân, vừa có thể cảm thông với những mỗi vất vả của một người làm nghề giáo”.

Năm 1995, thầy Liên nhận lời trở thành giáo viên hợp đồng cho Trường THPT Nguyễn Viết Xuân. Song song với đó, hàng tuần, thầy giáo sinh năm 1962 vẫn đạp xe đi dạy cho đội tuyển quốc gia cấp tiểu học của huyện Vĩnh Lạc.

{keywords}

"Nếu phải lựa chọn lại, mình vẫn sẽ lựa chọn nghề giáo không một chút phân vân".

Một năm sau, thầy được Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Tường mời về đứng dạy đội tuyển quốc gia cấp 2 của huyện. Tuy vậy, việc thầy giáo Liên đi dạy khiến người dân Thổ Tang vô cùng bất ngờ. Họ thậm chí còn làm đơn lên Phòng GD-ĐT kiện vì “tại sao lại giao đội tuyển quốc gia cho một anh đi buôn?”.

Để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, trong giai đoạn đứng đội tuyển, thầy Liên đã đào tạo ra rất nhiều học trò đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Đội tuyển của thầy cũng luôn đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc về số lượng giải.

Đến tháng 7/1999, thầy Liên được mời về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Từ đó đến nay, hơn 25 năm đi dạy, thầy đã có 7 khóa học sinh chuyên tốt nghiệp và thành đạt, trong đó có hơn 50 học sinh giỏi quốc gia, 3 học trò đạt huy chương Olympic Toán quốc tế (IMO). Đó là học trò Nguyễn Xuân Trường, Huy chương Vàng Toán quốc tế năm 2002; học trò Đỗ Văn Quyết, Huy chương Đồng Toán quốc tế năm 2017; học trò Chu Thị Thanh, Huy chương Đồng Toán quốc tế năm 2020.

Ở độ tuổi gần 60, khi bạn bè đã xin nghỉ hưu sớm, học trò cũ giờ đây cũng đã đi dạy và cùng phụ trách đội tuyển Toán quốc gia, nhưng thầy Liên vẫn thấy “mình chưa đến tuổi nghỉ và còn tha thiết yêu nghề”.

Học trò cũ khi nhắc tới thầy Liên vẫn thường nhận xét “thầy Liên trẻ trung, hài hước, dễ mến, dễ gần”. Là thầy giáo dạy Toán nhưng thầy Liên “mê mẩn” sách văn học, tiểu thuyết. Số lượng tiểu thuyết thầy từng đọc, có lẽ “phải chứa cả một gian nhà”. Thầy đọc say mê và có thể nhớ nằm lòng các kiệt tác như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Hồng Lâu Mộng”, “Thép đã tôi thế đấy”,…

{keywords}{keywords}

Những bức thư học trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc gửi cho thầy giáo

Cũng trong 25 năm đi dạy, thầy Liên chưa bao giờ từng mắng học trò. Lớp học của thầy Liên luôn có “truyền thống”, trước khi bắt đầu mỗi giờ học toán, thầy giáo sẽ đọc cho học sinh nghe một bài thơ tình của Puskin hoặc kể những câu chuyện tiếu lâm hài hước. Bắt đầu mỗi giờ học như thế, học trò đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng.

Cũng có học trò sợ lên bảng, thầy Liên lại nhẹ nhàng động viên: “Cứ lên bảng trình bày, có thầy ở đây rồi, yên tâm con sẽ làm được”.

Thầy Liên nói rằng, “giờ học trò giỏi lắm”. Vậy nên, mỗi khi rảnh rỗi, thầy lại ngồi tìm kiếm, biên soạn những bài toán hay và khó, sau đó mở cuộc thi xem cách giải của ai hay nhất.

Thầy Liên luôn đặt mình bình đẳng với học trò, để học trò thoải mái thể hiện lập trường, quan điểm. Khi học trò có những ý tưởng hay, mới lạ, thầy lại tỉ mỉ ghi chép lại sổ tay của mình để nghiên cứu, học tập.

Thầy Liên thừa nhận “mình còn phải học từ học trò nhiều lắm”, nhưng thầy cũng không ngại, vì “học trò giờ rất nhạy bén và giỏi công nghệ thông tin. Bản thân người thầy cũng phải liên tục thay đổi”.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 18 tháng nữa thầy giáo “mê Toán” đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng thầy Liên vẫn khao khát được “bám lấy nghiệp dạy”.

“Nếu không còn đi dạy nữa, có lẽ mình sẽ trở lại Vĩnh Tường, tiếp tục giảng dạy cho con em quê hương như những gì mình từng mơ về của thời điểm 25 năm trước.

Và nếu phải lựa chọn lại, có lẽ mình vẫn sẽ lựa chọn làm nghề giáo không một chút phân vân, để được nhìn thấy những gương mặt ngời sáng của học trò sau khi đã tìm được lời giải hay và đẹp từ những bài toán khó, và để thấy được sự ứng nhân xử thế của học trò mới tinh tế làm sao!".

Bài: Thúy Nga - Ảnh: Kiều Thanh

Thiết kế: Phạm Luyện

Con gái bác bảo vệ giành huy chương Toán quốc tế

Con gái bác bảo vệ giành huy chương Toán quốc tế

Với Chu Thị Thanh - nữ sinh duy nhất của đội tuyển IMO Việt Nam, việc học toán diễn ra tự nhiên, “vì yêu mà học, càng học càng khao khát tìm hiểu thêm”.