{keywords}


TS Đặng Kim Sơn chia sẻ về tình yêu, vợ và 2 con.

Nhà báo Hà Sơn: Lâu nay, mọi người biết đến TS Đặng Kim Sơn - một người say mê và đóng góp nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đời sống gia đình của ông ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ông có thể tiết lộ một chút về bà xã?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi may mắn chọn được người bạn đời đẹp đẽ, hiểu biết, chín chắn, thủy chung. Chúng tôi là bạn học cùng lớp 4 năm trong trường ĐH, sau đó lại cùng công tác với nhau nên hiểu rõ tính nết, năng lực, dung nhan. Lựa chọn không khó và gắn bó với nhau cũng tự nhiên. Mới tốt nghiệp, tôi về tổ quy hoạch nông nghiệp ở Hà Tiên, sau đó làm việc tốt nên được Viện đưa về làm ở Đoàn điều hành Quy hoạch cả Đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ, cô ấy lúc đó làm đội trưởng đội quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, cách nhau con sông Hậu.

Đám cưới của chúng tôi diễn ra năm 1978, chính vào đêm Noel. Đã gắn bó với nhau một thời gian dài, hôm đó đồng chí Trưởng đoàn khuyên: "Thôi nhân dịp cơ quan làm lễ tổng kết cuối năm, đằng nào cũng tổ chức liên hoan bây giờ hai cậu nhân dịp này làm luôn lễ cưới, tiệc tùng, bạn bè sẵn cả rồi chỉ có mời gia đình vào thôi". Thấy ý tưởng ấy hay quá, chúng tôi đồng ý và lễ cưới của vợ chồng tôi diễn ra đúng vào lễ tổng kết cơ quan và cũng là buổi chia tay cả đơn vị anh chị em đồng môn sau 2 - 3 năm công tác quy hoạch.

Đến lúc vào lễ, mới nhận ra là tổng kết tiết kiệm, chỉ có mấy lọ hoa nhựa cắm bàn. Mọi người ngơ ngác hỏi nhau kiếm đâu ra hoa tươi để chụp ảnh cô dâu? Một anh bạn chạy đi hái một bó hoa đại gói vào giấy bóng kính, cô dâu ôm chụp ảnh trông cũng giống như hoa lay ơn. Đám cưới diễn ra đặc biệt, ấn tượng, tất cả chúng tôi, anh em trong lớp đều nhớ về ngày thành hôn vui vẻ ấy.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Chẳng giấu gì TS Sơn, bố mẹ tôi cũng học và làm về lĩnh vực nông nghiệp. Thời bố mẹ tôi cũng như thời của ông, tình yêu dường như đơn giản và không màu mè. Mẹ tôi đã yêu bố tôi chỉ vì 2 câu thơ viết tặng giản dị. Không biết để chinh phục được bà xã và gắn bó đến bây giờ, ông có “vất vả” không?

TS Đặng Kim Sơn: Thời nào có kiểu lãng mạn của thời đó, cũng có thư từ, có thơ, có hoa, cũng hẹn hò nhưng thú thực vợ chồng tôi yêu nhau nhiều hơn là sau khi đã cưới. Lúc học trong trường tôi yêu một cô lớp dưới, vợ tôi cũng có một vài người lớn tuổi hơn đặt vấn đề. Tốt nghiệp chúng tôi đến với nhau, tình yêu khi ấy không lãng mạn kiểu sinh viên mà chín chắn, hiểu biết và sâu nặng hơn. Tôi nghĩ rằng đó cũng là điều may mắn mà thời kỳ khó khăn đó đem lại cho chúng tôi.

Nhà báo Hà Sơn: Phụ nữ làm khoa học thường âm thầm, kiên định và dễ bị nhận xét là “khô cứng”. Vậy bà xã của ông có ngoại lệ? Hành động lãng mạn nhất bà xã đã dành cho ông và ngược lại ông dành cho vợ là gì?

TS Đặng Kim Sơn: Đúng là những người làm khoa học nhất là sinh học thường chỉn chu, không bốc đồng, không mây gió lắm, vợ tôi xuất thân từ nông thôn nên phần lãng mạn càng tiết kiệm, nhưng sự chín chắn, nền nã, sự tận tâm, thủy chung thật dồi dào. Khác với những tình yêu non trẻ đầu đời mê đắm, hay những mối tình lãng mạn thoảng qua, tình cảm bạn đời thực sự chỉ đến sau chuỗi dài năm tháng chịu đựng bom đạn chiến tranh, chia sẻ đói kém, vượt qua vinh nhục, đợi chờ xa cách, gánh vác tuổi già, đỡ đần bệnh tật. Tôi ngẫm ra tình yêu trong cuộc đời thường nhật mới là báu vật thực sự và mừng vì con cái cũng được thừa hưởng báu vật đó trong gia đình chúng.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Vì công việc, có giai đoạn ông xung phong vào miền Nam làm nông trường bỏ lại gia đình ở miền Bắc. Quyết định đột ngột này của ông có khiến người thân buồn lòng và lo lắng?

TS Đặng Kim Sơn: Một câu hỏi rất thú vị. Như tôi đã kể, lần đầu tiên tôi xung phong vào Nam năm 1976, lúc đó mới tốt nghiệp, chưa xây dựng gia đình nên ra đi nhẹ như lông hồng. Đầu thập kỷ 80, vợ chồng tôi sau khi lấy nhau ở đồng bằng sông Cửu Long lại được ra Hà Nội, về Bộ làm ở Viện quy hoạch nông nghiệp. Với nhiều bạn bè, đó là một cơ hội ước mơ. Nhưng một lần nữa tình yêu với mảnh đất phương Nam mà vợ chồng tôi đã từng vẽ lên bản đồ quy hoạch thôi thúc tôi viết đơn gửi lãnh đạo Bộ, xung phong lên đường xây dựng các nông trường khai hoang ở Nam Bộ. Tôi biết vùng đất hoang, phèn mặn, nước không có mà ăn, bom mìn nhiều nên tự nhủ sẽ đi một mình. Vợ và gia đình rất thương nhưng đồng ý ủng hộ.

Năm 1981, tôi cùng mấy anh cùng học lại đưa mấy chục thanh niên và máy móc quay trở lại xây dựng nông trường thanh niên khai hoang mảnh đất Hà Tiên xưa kia. Ba năm khai hoang hăng hái và gian khổ, chúng tôi cay đắng nhận ra mình đã thất bại. Đất phèn, bom mìn phá hoại máy móc, nhưng cơ chế quan liêu bao cấp còn phá hoại con người tệ hại hơn, lớp thanh niên lý tưởng trở thành xấu xa, xăng dầu bị lấy trộm đi bán, máy móc bị đem đi cho thuê mà lúa trồng đến đâu lỗ đến đấy. Lý tưởng chung cao đẹp bị cách quản lý cũ xô đổ trước thực tiễn quyết liệt của cơ chế thị trường và những sai lầm đi ngược quy luật của thiên nhiên.

Tôi nhận ra sự thật nếu cứ tiếp tục phát triển nông trường như thế này chỉ lãng phí, không thể sản xuất ra lương thực cho đất nước. Thấy sai là sửa, tôi báo cáo thẳng một cách quyết liệt với đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục khai hoang xin đổi hướng đi. Có thể nói ý kiến của cậu thanh niên mới 27 tuổi đưa ra khác với quyết định của Nhà nước lúc đó là một sự liều lĩnh. Tôi rời nông trường nhưng không được về nhà mà đến làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Lúa ĐBSCL.

Năm 1983, chuyển hướng đầy khó khăn, vợ đang làm ở Tổng cục quyết định đem con bỏ hộ khẩu Hà Nội vào, lấy nhà tranh vách đất ở Ô Môn - Cần Thơ làm tổ ấm. Sinh cháu thứ hai, cả hai vợ chồng cùng say mê nghiên cứu mẹ tôi phải vào nuôi cháu, đỡ đần chúng tôi. Sự hỗ trợ của gia đình là cực kỳ quan trọng để tôi đứng vững, đem lại lòng say mê, xây dựng nhiệt huyết trở thành cán bộ nghiên cứu.

Suốt 10 năm lăn lộn, tôi viết được một cuốn sách về Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ đó năm 1990, đoàn quy hoạch của Hà Lan đã chọn tôi làm chuyên gia nông nghiệp xây dựng Đề án Quy hoạch Tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long và tôi lại bắt đầu thời kỳ mới làm công việc của một nhà quy hoạch phát triển. Không có sự ủng hộ của gia đình, không có hậu phương vững mạnh chắc chắn tôi không thể mạnh dạn có những bước chuyển quyết liệt như thế trong cuộc đời được.

Nhà báo Hà Sơn: Như vậy ông bà sinh con ở nông thôn Nam Bộ, các cháu học hành, trưởng thành thế nào?

TS Đặng Kim Sơn: Ở Viện lúa ĐBSCL khi ấy có một điểm giống nhau là tất cả cán bộ nghiên cứu đều say mê học tập. Chúng tôi sống trong môi trường đó cũng học tập anh em. Vợ tôi được đi học thạc sĩ ở Ấn Độ, làm tiến sĩ trong nước, tôi làm tiến sĩ trong nước rồi sang Mỹ làm thạc sĩ nên chúng tôi cũng mong muốn trang bị cho con cái học thức. Mọi người đều nghĩ tài sản duy nhất có thể tích lũy và truyền nối được cho thế hệ tương lai là trí tuệ.

Con trai đầu của chúng tôi lớn lên ở Viện Lúa, đi học thạc sĩ rồi học tiến sĩ ở Úc. Cháu gái thứ hai cũng theo anh sang Úc học lấy bằng thạc sĩ. Các cháu cũng giống bố mẹ, chủ động kết hôn với người mình tin yêu và lấy gắn bó gia đình làm mục tiêu. Thật mừng là chúng đều chọn đúng người mong đợi. Con dâu đang học tiến sĩ bên ấy, còn con rể và con gái đang chuẩn bị trở về Việt Nam.

Nhà báo Hà Sơn: Gia đình con gái ông đã sinh sống ở Úc nhưng quyết định về lại Việt Nam. Ông đã thuyết phục con trở về cống hiến cho quê hương hay con gái tự nguyện muốn quay trở về?

TS Đặng Kim Sơn: Gia đình tôi tạo mọi điều kiện nhưng không thuyết phục con đi học nước ngoài hay trở về đất nước. Các cháu cũng như chúng tôi xưa kia, toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Gia đình chồng con gái tôi đã hy sinh nhiều vì đất nước, cũng như gia đình tôi, luôn coi rất trọng các giá trị quê hương. Yêu thương bố mẹ hai bên nên các cháu quyết định đem con về Việt Nam để các cháu nhỏ được đắm mình vào ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong giai đoạn thơ ấu quan trọng nhất đầu đời. Con người phải có gốc rễ sâu để đi xa, đi đến tương lai lâu dài.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người làm trong lĩnh vực Nông nghiệp và cả giới truyền thông nhận xét ông bộc trực thẳng thắn, dám nói dám làm. Vậy có khi nào ông thấy khó xử hay buồn trong công việc và cuộc sống và xử lý việc đó thế nào?

TS Đặng Kim Sơn: Muốn được lòng nhiều người cứ tròn vo, chỉ cười duyên mà lẩn tránh mọi trách nhiệm. Đã quyết thay đổi trong công tác quản lý, phải quyết định động chạm về con người, không thể tránh được sự yêu ghét, khen chê. Làm tham mưu chính sách còn động chạm đến quyền lợi sát sườn của nhiều nhóm có lợi ích khác nhau trong xã hội, tất sẽ có mâu thuẫn làm mình khó khăn.

Thực ra tính cách thẳng thắn, bộc trực đem lại không dễ gây đụng chạm bằng sự rành mạch, thẳng thắn trong tư duy và hành động. Trong cơ chế hiện nay, những mâu thuẫn căng thẳng nhất thường xoay quanh các quyết định liên quan đến lợi ích của từng cá nhân. Người ta không chịu so nhau về năng lực, về hiệu quả, về đạo đức mà ganh nhau về bằng cấp, tuổi tác, cơ cấu, quan hệ...  đồng đội quay lưng với nhau với nhau chỉ vì lợi ích, vì chức quyền thật đau đớn.

Vì thế điều làm mình buồn nhất không phải trở ngại trước mắt mà là những bới móc đằng sau. Người khác trí hướng, không cùng quan điểm phê phán mình là điều tất yếu nhưng người tốt, không hiểu, thông tin không đúng về mình thật buồn, có lẽ đó là chỗ yếu của tôi. Nhưng dù buồn cách cư xử của tôi vẫn bỏ qua, không chấp nhặt những đơn từ khiếu nại sai lạc, những câu chuyện ném đá nói xấu. Không phải là “nhẫn” vì không thể nhẫn với cái sai nhưng tôi “nhường” với những người vô tình, với sự nhẹ dạ. Tôi tin rằng sự nhường nhịn sẽ tạo nên đồng cảm xã hội, hóa giải mâu thuẫn dành sức lực, trí tuệ làm việc lớn đáng làm.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Trong các cụm từ truyền thông dành tặng như "Nhà nông học xuất sắc của Việt Nam”, “Người cầm đèn chạy trước ô tô”, “Người nghĩ mở, nói thẳng”, ông thích hay thấy cái nào đúng với mình nhất? Nếu tự nhận xét về mình ông sẽ nói gì?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi cảm ơn tất cả các bạn đã yêu mến đặt cho những “nick name”, có cái thú vị, có cái cũng hơi giật mình. Tôi nghĩ mình chỉ là người bình thường, có mặt tốt, có mặt xấu, có chăng, chỉ là niềm mong ước muốn thay đổi cho cuộc đời tốt lên.

Nhà báo Hà Sơn: Đáng nhẽ khi về hưu ông sẽ phải nghỉ ngơi nhưng lại vẫn đau đáu với các dự án mới. Vậy thời gian nào để ông refresh bản thân có thêm những năng lượng mới?

TS Đặng Kim Sơn: Tôi cũng có thời gian giải trí như xem phim, nhất là những phim chiến đấu, phim hành động, phim tài liệu khoa học. Tôi cũng thích vẽ. Lúc bé được học vẽ họa sĩ Phạm Lực, thầy trò vẫn gặp gỡ nhau. Sau đó, họa sĩ Phạm Viết Song đem về nhà dạy tôi vẽ để có nghề kiếm sống. Các thầy vẫn bảo tôi có năng khiếu vẽ nhưng tôi thích nhất là khi nào được nghỉ ngơi sẽ viết về câu chuyện những người tôi yêu mến nhất như về bố mẹ tôi, về con người Việt Nam.

Nhà báo Hà Sơn: Nhân ông nhắc về bố mẹ, được biết cách đây ít tháng mẹ ông đã qua đời. Dù ai cũng hiểu tuổi già không cưỡng lại được, nhưng sự ra đi của mẹ có khiến ông trống trải?

TS Đặng Kim Sơn: Mẹ tôi mới mất, với chúng tôi, mẹ là một người tuyệt vời. 100 năm cuộc đời của bà phản ánh thăng trầm của đất nước, từ một cô giáo hiền lành lớn lên trở thành một người chiến sĩ dũng cảm giúp đỡ gia đình, chăm sóc chồng, con, cháu vượt qua mọi khó khăn thử thách về kinh tế, đảo lộn về chính trị. Mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau, kiếm sống nuôi dạy chúng tôi mà những lúc khó khăn nhất trong đời, tôi luôn có mẹ. Ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ…, bất kỳ nơi nào có con cháu cần là bà đến, có lúc bà khâu vá cho hàng xóm, có lúc chăm thêm trẻ con hay bán đồ đạc…, bằng mọi giá, bằng mọi cách bà kiếm tiền, bà bỏ sức để nuôi cháu cho con làm việc.

{keywords}

Khi gia đình gặp nạn, sự học của anh em chúng tôi rất khó khăn. Mẹ gõ tất cả các cửa, gặp tất cả mọi người, viết nhiều lá đơn, nhờ quyết tâm đó và sự giúp đỡ của nhiều người. Một trong đó là bác Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng bộ Giáo dục đã tạo điều kiện cho anh chị em chúng tôi được học hành. Cũng nhờ những người tốt bụng trong và ngoài nước, có bác Nguyễn Công Tạn - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mà tôi được du học nước ngoài. Con đường học vấn đã chắp cánh cho tôi.

Thú thực với các bạn, khi mẹ tôi ra đi, trong nhà không một ai cảm thấy hụt hẫng cả. Anh chị em chúng tôi và con cháu cảm nhận được động lực vô giá của bố mẹ truyền tiếp cho: là tình cảm trọn vẹn trong gia đình và nếp sống tử tế với mọi người, hướng về sự nghiệp chung. Đấy là hạnh phúc và sức mạnh giúp tôi đi qua mọi thử thách và sẽ cùng con cháu, anh em bè bạn đi tiếp.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Quý - Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết Kế: Đỗ Tú Uyên

Phút trải lòng của Viện trưởng 'cầm đèn chạy trước ô tô'

Phút trải lòng của Viện trưởng 'cầm đèn chạy trước ô tô'

TS Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng viện Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - người từng được gọi là "Nhà kinh tế nông nghiệp sáng tạo", "Người cầm đèn chạy trước ô tô".