{keywords}
 
{keywords}
 

Chị Lê Thanh Nam (39 tuổi, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên năm 19 tuổi.

“Ngày ấy, tôi hồ hởi tham gia trong khi không hiểu gì về hiến máu cả. Hồi hộp tới nỗi lúc vào khám phải đo huyết áp, đo nhịp tim đến 2 lần mới được. Nhưng lúc xong cảm giác vui lắm, vì biết rằng mình vừa làm một việc rất có ích”, chị Nam kể.

{keywords}
 

Sau lần ấy, tham gia hiến máu tình nguyện trở thành một hoạt động thường xuyên trong cuộc sống của chị Nam. Cứ cách 3 tháng 1 lần, đủ điều kiện sức khỏe, chị Nam lại đăng kí hiến máu. Tính tới nay, chị đã có 82 lần hiến máu và các thành phần máu dù mới 39 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động đoàn thể, tình nguyện, chị Nam được bố mẹ đặc biệt ủng hộ. Chính bố của chị cũng là một tình nguyện viên vận động hiến máu tích cực ở địa phương. Cứ mỗi đợt phường hay Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện, cả gia đình chị lại tham gia hiến máu và vận động mọi người cùng góp sức.

“Gia đình tôi có một lực lượng đông đảo là con em ra Hà Nội học, bạn bè của các bạn ấy, rồi bạn bè của tôi, của bố mẹ tôi. Mỗi đợt hiến máu như vậy nhà tôi đều vận động được khoảng 15 người để tham gia hiến máu”, chị Nam tự hào tâm sự.

Là một nhân viên của Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Nam ngày ngày chứng kiến hoàn cảnh của các bệnh nhân phải chờ máu. Đó cũng chính là lý do khiến chỉ cần có thể, chị sẽ đi hiến máu cứu người.

“Có những giai đoạn thiếu máu, bệnh nhân phải chờ nhiều ngày để có máu truyền. Ngay cả đến những sinh hoạt cá nhân họ cũng không thể tự làm được. Tôi thấy rất thương họ, càng nghĩ rằng phải cố gắng có sức khỏe thật tốt để tới thời gian cho phép sẽ đi hiến máu”, chị Nam nói.

{keywords}
 

20 năm tham gia hiến máu tình nguyện, cũng là 20 năm chị Nam gắn bó với công việc của một tình nguyện viên vận động hiến máu. Những ngày đầu, chị Nam bị rất nhiều người xa lánh.

“Rất nhiều người bạn nói rằng, họ sẽ không chơi với tôi nữa vì bố mẹ cấm. Phụ huynh họ sợ tôi lôi kéo con cùng đi “bán máu”. Tôi đã rất buồn và tủi thân”.

Được sự động viên của bố, chị Nam nhanh chóng vực dậy tinh thần và tiếp tục làm công việc mình yêu. Chị luôn nỗ lực hết sức với hi vọng có ngày mọi người sẽ hiểu đây là việc làm rất có ích cho xã hội, hơn nữa lại không hề ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

{keywords}
 

Làm việc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhiệm vụ hàng ngày của chị Nam là đi động viên hiến máu ở các đơn vị, cơ quan và lên kế hoạch, tổ chức các sự kiện hiến máu nhân đạo. Chị Nam bảo, chị và đồng nghiệp vẫn thường đùa vui với nhau: công việc này giống như đi kinh doanh bảo hiểm, bạn đang làm việc trên sự từ chối của mọi người.

“Chúng tôi bị từ chối rất nhiều. Các doanh nghiệp nói rằng có thể cho tiền chứ tuyệt đối không giúp vận động nhân viên hiến máu vì cho rằng việc đó ảnh hưởng tới năng suất của cơ quan. Một số đơn vị khác thậm chí còn phớt lờ mọi liên lạc của chúng tôi hoặc liên tục nói bận để không tiếp”, chị Nam kể.

Có những đợt thiếu máu trầm trọng, chị và các đồng nghiệp phải tất tả nhờ truyền thông, kêu gọi cán bộ trong viện hay các đơn vị thân thiết để nhanh chóng có máu cứu người bệnh. Chị Nam bảo, với người làm công tác vận động hiến máu, đây là giai đoạn rất vất vả bởi họ phải chạy đua với thời gian, với sự sống của người bệnh.

Áp lực công việc đã đành, chị gặp nhiều khó khăn hơn nữa từ khi lập gia đình riêng. Đặc thù công việc rất bận rộn, chị có rất ít thời gian dành cho gia đình. “Hàng xóm xung quanh chẳng ai biết mặt tôi cả vì đi sớm lại về muộn. Có những khi, tôi đi từ 5h sáng tới 10h đêm mới về. Lúc ấy tụi trẻ đã ngủ cả, cũng không kịp ăn bữa cơm chung với gia đình”, chị Nam tâm sự.

“Lúc đầu chồng tôi chưa hiểu về công việc này nên chúng tôi mâu thuẫn rất nhiều. Nhưng rất may mắn đến hiện tại anh cũng như tất cả mọi người đã hiểu và ủng hộ công việc tôi làm. Hôm nào thấy tôi được ở nhà mọi người còn ngạc nhiên nữa cơ”, chị Nam mỉm cười kể tiếp.

{keywords}
 

20 năm làm công việc đầy thử thách này, chị Nam có một nguồn động lực đặc biệt khiến bản thân không thể ngừng cố gắng. Đó là những con người xa lạ mà có khi chị chẳng thuộc họ, rõ tên. Họ là những người hi sinh rất nhiều để đến tham gia hiến máu cứu bệnh nhân mỗi khi có trường hợp khẩn cấp.

“Có bạn phải xin nghỉ làm từ sớm, đi xe máy từ tỉnh xa về tận Hà Nội để nhanh chóng lấy máu cứu bệnh nhân. Cho máu xong, các bạn ấy lại đi xe về ngay để kịp mai đi làm. Tôi rất xúc động khi được gặp gỡ những con người tuyệt vời ấy. So với họ, vất vả của những người làm công tác vận động hiến máu như tôi không là gì”, chị Nam chia sẻ.

39 tuổi, số lần hiến máu của chị Nam gấp đôi tuổi đời, nhưng chị chưa bao giờ có ý định dừng việc làm ý nghĩa này lại.

“Niềm vui của tôi luôn là thấy những bệnh nhân khỏe mạnh, bình an. Tôi sẽ còn làm việc này tới khi còn có thể”, chị Nam tâm sự.

Nguyễn Liên

Thiết kế: Phạm Luyện