Trong khi thế giới vẫn căng mình chống chọi với cuộc càn quét của Covid-19, có một Việt Nam vững vàng trong đại dịch, trở thành một trong những đất nước hiếm hoi có được cuộc sống “bình thường” quý giá.
Giữa tháng 12/2019, tại Vũ Hán, Trung Quốc bắt đầu ghi nhận những ca bệnh viêm phổi đầu tiên do một loại virus “lạ”. Khó ai hình dung nổi, chỉ sau đó hơn 1 tháng, virus này bắt đầu tấn công toàn thế giới, trở thành đại dịch lớn nhất nhân loại.
Do Trung Quốc ở rất sát và đường biên giới giữa 2 nước rất dài, Bộ Y tế đánh giá dịch chắc chắn xâm nhập vào Việt Nam nên kích hoạt cảnh báo từ rất sớm. Tuy nhiên tại thời điểm đó, thông tin về dịch bệnh rất ít, rất khó tiếp cận. Chưa ai biết “mặt mũi” virus ra sao, độc lực thế nào. Tên gọi duy nhất là virus “lạ”, cùng họ với SARS.
Cho đến khi 2 ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào sát Tết Canh Tý, ngay trong đêm 29 Tết (ngày 23/1), Chính phủ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, cả hệ thống được lệnh kích hoạt, bắt đầu cuộc chiến chống dịch chưa từng có tại Việt Nam. Hàng trăm cuộc họp nối tiếp nhau, hàng loạt quyết định được đưa ra, tất cả vì mục tiêu cao nhất: Bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhớ lại: “Lúc đó đúng là bước vào cuộc chiến thực sự. Mọi người có lúc lặng đi. Chúng tôi không hình dung nó khốc liệt thế nào, gian nguy đến đâu, xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào”.
Dưới sự chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng, Ban Bí thư, Việt Nam đã huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch Covid-19.
Hệ thống y tế dự phòng và điều trị khắp cả nước được kích hoạt, chiến lược “ngăn chặn – cách ly – khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị tích cực” được triển khai, kết hợp với nguyên tắc “bốn tại chỗ”: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và vật tư tại chỗ.
Kết quả của 4 đợt dịch (Đợt đầu tiên với 16 ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc; đợt 2, bắt đầu từ ngày 7/3, với ca bệnh xâm nhập từ châu Âu; đợt 3 từ 25/7 với ca bệnh tại Đà Nẵng; đợt 4, bắt đầu từ ca bệnh 1347 ngày 30/11) đã chứng minh đây là chiến lược vô cùng hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và dành nhiều lời khen ngợi.
Việt Nam có lẽ cũng là quốc gia duy nhất triển khai các biện pháp chống dịch cao hơn một mức so với khuyến cáo của WHO. Ngay từ giữa tháng 12/2019, khi WHO còn nghi ngờ về tác dụng của khẩu trang, Việt Nam đã khuyến cáo người dân sử dụng.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc, sau đó áp dụng cách ly y tế tập trung với tất cả người nhập cảnh và là nước thứ 4 thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2 chỉ sau 15 ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên.
Trên đà đó, Việt Nam trở thành nước thứ 5 tự sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm PCR. Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR đã được WHO, Châu Âu công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam cũng đã thu được những thành công bước đầu trong nghiên cứu vắc xin ngừa SARS-CoV-2.
Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ với quy mô lớn: Cách ly, phong toả một xã – Sơn Lôi với 11.000 nhân khẩu, công bố dịch Covid-19 toàn quốc; áp dụng giãn cách toàn xã hội khi dịch lần 2 bùng phát; lập Bộ chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng.
Song song chống dịch trong nước, Việt Nam vẫn liên tục duy trì hàng trăm chuyến bay đón công dân từ các vùng dịch, đặc biệt là chuyến bay đón 30 công dân từ Vũ Hán và hơn 200 công nhân từ Guinea Xích đạo dù xác định, nguy cơ xâm nhập dịch từ các chuyến bay này luôn thường trực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” vì “máu chảy ruột mềm”, là tình thương thân tương ái, là tình cảm đồng bào.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một trong những “thuyền trưởng” tại bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19 - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng chia sẻ với VietNamNet rằng tâm lý lo lắng của các y bác sĩ khi đứng trước một dịch bệnh mới và nguy hiểm như Covid-19 là điều chắc chắn. “Cái lo” này cũng giống như một phi công bay trên bầu trời, hay người tài xế khi trên đường, là không thể tránh.Thế nhưng thay vì chỉ ngồi lo lắng, họ xiết tay nhau,tìm hướng giải quyết vấn đề.
Các bác sĩ gặp khó khi phải tự “mò mẫm”, “dò đường” rất nhiều vấn đề của Covid-19 trong quá trình tiếp nhận, chữa trị cho bệnh nhân. Dựa trên hiểu biết và nỗ lực, họ đã đưa ra nhiều sáng tạo, quan điểm điều trị mới mà sau đó đem lại hiệu quả rất cao.
Một trong những quyết định có giá trị nhất là can thiệp cho bệnh nhân tổn thương phổi nặng bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập thay vì thở máy sớm, chỉ định chạy ECMO như nguyên tắc điều trị thông thường. Đây là quyết định chưa đúng nếu đối chiếu trên sách vở, tuy nhiên, chiến lược này sau đó phát huy hiệu quả, bệnh nhân đáp ứng và dần hồi phục.
Sau này, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng có quan điểm tương tự, khẳng định quyết định thời điểm đó của bác sĩ Việt Nam là đúng đắn.
Một quyết sách khác rất có ý nghĩa là thay đổi chiến lược phòng hộ, xác định SARS-CoV-2 lây truyền dễ dàng từ người sang người, không phải lây truyền hạn chế như các khuyến cáo sẵn có. Đồng thời, nâng nguy cơ lây nhiễm trong phòng hồi sức cấp cứu lên một bậc, nhân viên y tế cần sử dụng thêm mũ trùm đầu và máy lọc khí bên cạnh khẩu trang N95, mạng che mặt, găng tay, quần áo phòng hộ.
Quan điểm này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận hai nhân viên y tế đầu tiên lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 từ bệnh nhân. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tự tìm cách thiết kế, sáng tạo mũ trùm đầu, máy lọc khí trên những vật dụng đang có. Sau này, bệnh viện không có thêm nhân viên y tế lây nhiễm chéo.
Trong suốt những ngày cả nước “chiến đấu” với Covid-19, có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ. Họ phải ách ly hoàn toàn tại bệnh viện suốt thời gian dài, gần như “cô lập” với thế giới bên ngoài.
Có nhữngngười cha, người mẹ ra đi mà chẳng thể gặp con lần cuối. Nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hương ở Bệnh viện số 2 Quảng Ninh,nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đãkhông thể về nhà để tang cha mẹ.
Ca Covid-19 nặng để lại nhiều cảm xúc nhất cho dư luận có lẽ là bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 – phi công Anh. Họ đã đi gần trọn một vòng tử sinh, từ tưởng như không còn hy vọng sống tới sự hồi phục ngoài sức tưởng tượng.
Bệnh nhân 91 – phi công Anh được tờ Reuters gọi là “biểu tượng chống dịch thành công của Việt Nam”. Nam bệnh nhân 43 tuổi, phi công Anh nhập viện hôm 18/3, đã có thời điểm phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, lá phổi gần như phải cắt bỏ và tính đến phương án ghép phổi. Thế nhưng, sự kiên trì, nỗ lực của các bác sĩ đã giúp anh dần tiến triển khả quan.
“Kề cận phi công chứng kiến sự hồi phục, bạn mới hiểu rằng cảm giác tận cùng tuyệt vọng khi đi trong đường hầm tăm tối rồi đột nhiên bước ra ánh sáng, là cảm giác tột đỉnh của hạnh phúc, hân hoan mà không gì diễn tả nổi”, Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tâm sự.
Sau 115 ngày điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới rồi Bệnh viện Chợ Rẫy, khi khỏi bệnh, phi công người Anh đã chia sẻ:
“Tôi choáng ngợp với sự hào hiệp của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ và y tá.Tôi chỉ biết cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm. Tôi trở về nhà với một trái tim hạnh phúc”.
“Phản ứng quá mạnh mẽ đã giúp Việt Nam chiến thắng virus corona như thế nào”, “Đó là thành công trong cuộc chiến chống virus corona mà các nước từ Mỹ tới Italy chỉ có thể mơ ước”, “Việt Nam tạo nên chuẩn mực trong cuộc chiến chống Covid-19”….
Trong những ngày tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, những trang báo của nước ngoài liên tiếp đưa tin về kỳ tích chống virus nCoV của Việt Nam. Trong danh sách đó có những tên tuổi uy tín như CNN, ABC (Mỹ), BBC, Reuters, Financial Times (Anh), Asahi Shimbun (Nhật Bản)…
Đó không phải là những dòng tin tức ngắn ngủi mà là các bài phân tích sâu sắc về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam. Hầu hết đều chung quan điểm về chìa khóa dẫn tới thành công của Việt Nam. Đó là các chiến dịch truyền thông cộng đồng hiệu quả, theo dấu quyết liệt, xét nghiệm chiến lược.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế là đã phải đối phó với nhiều dịch bệnh trong quá khứ.
Cuối tháng 5, trang Politico của Mỹ công bố bảng xếp hạng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu trong hoạt động phòng chống dịch dựa trên kết quả kinh tế và y tế. Theo đó, Việt Nam là nước chống Covid-19 tốt nhất thế giới.
Sau một năm đầy thử thách kể từ ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, dịch bệnh đến nay đã tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 4 ca nhiễm mới đây tại TP.HCM lại một lần nữa khiến cộng đồng lo lắng. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh lan ra cộng đồng. Trong trạng thái bình thường mới được Chính phủ thiết lập, những kinh nghiệm và bài học quý báu của một năm gian khó sẽ tiếp tục được cả hệ thống chính trị và người dân vận dụng để tiếp tục duy trì cuộc sống.
Bài: Ban Sức khỏe
Ảnh: Lê Anh Dũng, Trần Thường, Đoàn Bổng, Ngọc Thành
Thiết kế: Thu Hằng
‘Là bác sĩ truyền nhiễm, tôi luôn tâm niệm sẵn sàng cho mọi tình huống của dịch’
Gần một năm căng mình theo từng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt, của riêng ông và cả những đồng nghiệp cùng ông “chiến đấu”.