Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “phá cách” khi dành tới 4 tiếng đồng hồ để tiếp các nhà báo trong một cuộc gặp thân mật nhân dịp năm mới tại Văn phòng Chính phủ. Ông nói, ông muốn gặp các nhà báo để trao đổi những vấn đề “không có giới hạn” để người dân và doanh nghiệp biết thêm, chia sẻ thêm với Chính phủ trong điều hành nhiều lĩnh vực trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động khó lường. Gần như tất cả các vấn đề các nhà báo đặt ra, từ cán cân kinh tế vĩ mô đến tăng lương hay xử lý các vụ việc tiêu cực trong sử dụng đất đai, cổ phần hoá… đều được ông trao đổi lại cặn kẽ, không né tránh.
Tuần Việt Nam lược trích những vấn đề ông chia sẻ liên quan đến điều hành kinh tế.
GDP cả năm 2018 đạt mức tăng cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua, sau khi chật vật về đích năm 2017 và không cán đích năm 2016. Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả đó?
Kết quả đó đạt được nhờ những nỗ lực của cả quá trình từ 2016 và của hơn 30 năm Đổi mới chứ không phải ngày một ngày hai mà có được. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực; cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người công nhân, mỗi người nông dân đều đã dám nghĩ, dám làm. Chúng ta đã kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế để đạt được kết quả trên.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn những yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu chưa dễ gì giải quyết ngay được. GDP bình quân đầu người tăng nhanh nhưng mới chỉ đạt 2.587 USD, mức thấp trong khu vực. Nguy cơ tụt hậu vẫn đang thách thức rất lớn cho chúng ta. Thành công hiện tại chỉ là ban đầu và chúng ta cần phải duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững nếu muốn đất nước bước tiếp những nấc thang phát triển cao hơn.
Theo ông, động lực tăng trưởng là gì?
Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc là do cả ba khu vực sản xuất, cung, cầu cùng phát triển.
Tôi muốn nhấn mạnh đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 12,98%, cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016. Nền kinh tế cơ bản đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác, xuất khẩu khoáng sản và tài nguyên (thực tế thì những năm qua lĩnh vực này đều tăng trưởng âm-PV).
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại dịch vụ năm có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng của người dân tăng cao. Các bạn xem, cứ có những kỳ nghỉ dài ngày là nhân dân đi du lịch đông nghịt.
Điều đáng nói nhất là nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố từng bước. Mặc dù lãi suất thế giới gia tăng và các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh nhưng mặt bằng lãi suất trong nước vẫn duy trì được sự ổn định, tỷ giá tăng nhẹ ở mức hợp lý, không gây tác động bất lợi cho kinh tế vĩ mô. Điều này đã củng cố được lòng tin của thị trường đối với VND. Bên cạnh đó, tình trạng đô-la hóa, vàng hóa giảm mạnh, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao cũng giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã rất nỗ lực tái cơ cấu nợ công qua các biện pháp giảm được lãi suất và kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ.
Ông đã đề cập đến cơ cấu lại kinh tế không thể làm xong trong ngày một ngày hai; nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về chất lượng tăng trưởng. Ông suy nghĩ như thế nào về việc này?
Theo tôi, năm vừa qua chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện tương đối rõ nét. Để giải thích điều này, tôi cần cung cấp một vài số liệu.
Ví dụ, tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2016-2018 là 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Tôi xin bổ sung là trong kế hoạch 5 năm chỉ đặt mục tiêu đóng góp của TFP trong GDP chỉ là 30- 35%.
Nhờ TFP thay đổi rõ rệt như vậy nên năm 2018 dù giải ngân vốn đầu tư công chậm nhưng ta tăng trưởng nhanh và tăng trưởng đã không phụ thuộc nhiều vào vốn. Ví dụ, năm 2016 để có tăng trưởng 1 điểm phần trăm thì cần 2,94 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng; năm 2017 tiếp tục giảm và đến năm 2018 chỉ cần chưa đến 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng.
Như vậy, tín dụng ra ít hơn, giải ngân đầu tư công cũng ít (ước chỉ đạt hơn 85% kế hoạch) mà tăng trưởng vẫn cao. Tôi cho rằng, nếu đánh giá chất lượng tăng trưởng kém đi là không thuyết phục.
Tôi bổ sung thêm yếu tố năng suất lao động đã được cải thiện đáng kể và năm qua chúng ta có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/người lao động (4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93%; bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR đang dần được cải thiện, từ mức 6,42 năm 2016 giảm xuống còn 6,11 năm 2017 và ước tính 5,79 năm 2018.
Độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 208,6%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.
Tôi cho rằng, chất lượng tăng trưởng có cải thiện tích cực chứ không kém đi như nhiều người lo lắng.
Lạm phát trong mấy năm qua luôn thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều loại giá như dịch vụ y tế, điện, than... vẫn được Chính phủ kiểm soát và không tăng theo thị trường. Trong điều hành, ông có tiếc là lẽ ra cần phải tăng trong năm 2018 để tránh rủi ro thị trường, tránh các cú sốc sau này hay không?
Khác với các nước, Việt Nam điều hành giá phải theo hai mục tiêu: vừa theo tín hiệu của thị trường và thế giới, vừa phải chủ động điều tiết giá dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, than…để tiệm cận với thị trường. Nếu chỉ kiểm soát lạm phát theo biến động giá cả thị trường trong nước và quốc tế thì nhiệm vụ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng chúng ta phải đáp ứng mục tiêu kép. Đây là chuyện không đơn giản.
Hồi tháng 11/2018, khi thấy mức lạm phát tăng trưởng âm 0,25%, Chính phủ và cá nhân tôi đã chỉ đạo đưa mức lương cơ bản vào giá dịch vụ y tế. Điều hành này làm CPI tháng 12 tăng thêm 0,29%. Đồng thời, tháng 12 giá xăng dầu giảm mạnh và công tác kiểm soát giá cuối năm tốt nên chỉ số giá tháng 12 tiếp tục âm và cả năm 2018 chỉ tăng bình quân 3,54% so với năm 2017.
Có người băn khoăn, tại sao không điều chỉnh giá điện? Lý do là trong kịch bản giá hồi đầu năm đã không tính đến tăng giá điện trong 2018; trong Nghị quyết của Chính phủ cũng có chủ trương không điều chỉnh giá điện 2018. Chính phủ đã có Nghị quyết thì phải nghiêm túc thực hiện để tạo niềm tin cho người sản xuất và tiêu dùng, không để gia tăng yếu tố lạm phát kỳ vọng. Ở Việt Nam chúng ta yếu tố lạm phát kỳ vọng lớn lắm. Hiểu được đặc điểm này thì Chính phủ điều hành mới tốt được.
Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng giá điện như điều chỉnh tăng giá khí trong bao tiêu, giá than bán cho điện chưa rõ ràng nên Chính phủ tạm thời không tăng giá điện. Trong năm 2018, Tổ kiểm soát chi phí giá điện gồm cả đại diện của VCCI và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cũng thấy như vậy. Những yếu tố này sẽ được xem xét kỳ trong kỳ điều hành giá vào năm nay, 2019.
Lãi suất ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, làm doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh vô cùng. Phó Thủ tướng nói gì về điều này?
Lãi suất phải theo nguyên lý lãi suất thực dương trong tương quan với lạm phát. Năm 2011 lạm phát 18,3% và lãi suất là 21-24%. Năm 2018 mặt bằng lãi suất trong nước vẫn duy trì được sự ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6-9%/năm, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm. Lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn ở mức tương đối hợp lý và khá ổn định, chỉ cao hơn khoảng 1-2%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN. Tuy nhiên, chúng ta phải nỗ lực kiểm soát lạm phát hơn nữa để kéo giảm lãi suất xuống.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp tôi nhận thấy họ có tình trạng vốn rất mỏng. Các khảo sát cho thấy, có đến hơn 53% doanh nghiệp hoạt động không có lợi nhuận. Vì sao các doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng này? Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp có ít vốn. Họ hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao. Cộng thêm các chi phí khác nên doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt.
Sau này nên có quy định để điều chỉnh tình trạng vốn mỏng. Lập nghiệp mà dựa quá nhiều vào vốn ngân hàng không hẳn là tốt. Nhiều doanh nghiệp lập ra mà không có vốn, phải đi vay là chủ yếu nên chi phí tài chính lớn, cạnh tranh thấp. Nhiều doanh nghiệp lỗ vì thế. Lập nghiệp, khởi nghiệp chỉ bằng tiền vay, tiền huy động thì không bền vững, chưa nói đến chuyện vay ngoại tệ còn làm gia tăng áp lực tỷ giá cho nền kinh tế.
Vì sao Chính phủ lại đặt mục tiêu “bứt phá” trong phương châm điều này năm nay, và làm gì để “bứt phá”, thưa Phó Thủ tướng?
Nghị quyết 01 của Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tức thêm từ “bứt phá” so với năm ngoái. “Bứt phá” để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.
Nhiều người hỏi tôi, bứt phá như thế nào? Thực ra, đường hướng điều hành năm 2019 đã vạch ra từ năm ngoái để phấn đấu tiếp tục chu kỳ tăng trưởng nhanh, chất lượng hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ rồi.
Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển các thị trường trong nước; khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng. Phát huy vai trò động lực phát triển của các thành phố lớn; thực hiện thí điểm các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh.
Một nhiệm vụ nữa là hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ đặc biệt kỳ vọng ở việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Niềm tin là điều quan trọng hơn cả. Chính phủ sẽ luôn gắn lời nói với mỗi hành động cụ thể để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và con người.
Tư Giang – Lan Anh lược ghi
Thiết kế: Phạm Thị Luyện