Trước đây, nhiều địa phương ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng “3 không”: không đường, không điện và không sóng điện thoại. Nhiều lúc, những bưu phẩm quan trọng như thư tuyển sinh, giấy báo nhập học hoặc hàng đảm bảo… người nhận nằm ngoài vùng phủ sóng không gọi điện thoại được, người dân phải trực tiếp vào tận thôn, bản cách trung tâm xã 7-10km, có khi đến vài lần mới gặp được chủ hộ.

Hơn 3 năm trước, thôn Nà Hắc (Hà Lâu) từng xảy ra vụ cháy rừng. Trưởng thôn và các hộ dân quanh đó phải cố gắng xoay sở dập cháy xong xuôi rồi mới chạy lên ngọn đồi cao “hứng” được ít sóng di động gọi điện thông báo về xã (do thôn nằm cách xa trung tâm xã hơn 10 cây số). Sau vụ cháy năm đó nhiều hộ dân lo ngại nếu để đám cháy lan rộng ra mà sóng điện thoại lại không có để gọi điện cứu trợ thì không biết hậu quả sẽ khó lường.

Dù chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 cây số nhưng cuộc sống của 33 hộ dân thôn Ngàn Chi (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) gần như bị cô lập thông tin với bên ngoài. Bởi, cả thôn chưa có hộ nào dùng điện thoại bàn vì chi phí lắp đặt đường dây quá tốn kém. Mọi thông tin trao đổi của người dân chỉ biết chông chờ vào những chiếc điện thoại di động. 

Sú Cáu, xã Húc Động là thôn đặc biệt khó khăn, điều kiện đi lại không được thuận lợi, nên việc lắp đặt trạm BTS không dễ. Nếu đặt bài toán về kinh tế, chắc chắn không cần tính toán đã có ngay kết quả. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa mạng di động đến vùng sâu, vùng xa, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và chính quyền địa phương, Viễn thông Quảng Ninh đã nỗ lực hết sức để xây dựng trạm phát sóng tại khu vực này nhằm phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân.

Sau 6 tháng thi công, ngày 26/11/2018 trạm BTS Sú Cáu chính thức đi vào hoạt động. Đó thực sự là ngày đặc biệt đối với người dân trong thôn. Việc thuận tiện trong liên lạc đã giúp khoảng cách giữa thôn xa nhất của xã Húc Động với những địa phương khác không còn nữa. Không chỉ phủ sóng di động 2G, sóng 3G, 4G cũng đã hiện diện tại đây.

Đảo Trần là đảo tiền tiêu của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc thuộc quần đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh - có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo. Đồng thời cũng là đảo xa đất liền nhất của tỉnh.

Sau khi điện lưới đã vươn được ra đảo vào tháng 9/2020, tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội chi nhánh Quảng Ninh (Viettel Quảng Ninh) đã phối hợp với huyện Cô Tô tổ chức khánh thành công trình trạm BTS phát sóng thông tin di động tại đảo. 

Được biết, trạm BTS phát sóng thông tin di động có tổng mức đầu tư 700 triệu đồng, dùng công nghệ 4G, băng tần 1800 MHz và được đặt tại Đồn biên phòng Đảo Trần. Trạm được Viettel Quảng Ninh xây dựng theo Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh về việc phủ sóng di động, internet cáp quang tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn 8 điểm thuộc 8 thôn đặc biệt khó khăn với gần 500 hộ dân của 4 địa phương (Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà) nằm trong vùng “lõm” sóng di động. Các điểm không có sóng di động trên địa bàn tỉnh đều nằm ở những vị trí cách xa trung tâm, chủ yếu khu vực miền núi, hải đảo, biên giới địa hình đồi núi cách trở. Theo ghi nhận thực tế, cuộc sống của các hộ dân khi thiếu sóng di động vất vả và bất tiện trong mọi công việc.

Từ ngày được phủ sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc tại các vùng này đã dễ hơn. Sóng điện thoại về với thôn, bản vùng cao không chỉ mang đến ánh sáng văn hóa mà còn xóa dần đi khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí giữa những vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo với khu vực đồng bằng, đô thị. Hơn nữa, đây là điều kiện để các thôn, xã sớm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. 

Được phủ sóng điện thoại, Sú Cáu, từ một thôn đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao 21/38 hộ (năm 2017) thì đến nay thôn chỉ còn 6/42 hộ nghèo, cận nghèo. Năm nay, thôn cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Kinh tế các hộ gia đình khấm khá, nên các hộ cũng đã quan tâm hơn đến xây dựng nếp sống văn hóa văn minh; tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của địa phương.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 10 trạm BTS được đầu tư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. Trong đó, Viễn thông Quảng Ninh đầu tư 3 trạm, gồm: 2 trạm BTS tại các thôn Tiền Hải, Bản Danh (huyện Tiên Yên); 1 trạm BTS tại thôn Sú Cáu (huyện Bình Liêu). Viettel Quảng Ninh đầu tư 7 trạm, gồm: 1 trạm tại thôn Khe Phương (huyện Hoành Bồ); 5 trạm tại các thôn Khe Tum, Đồng Quánh, Đồng Giáng B, Làng Mô và xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); 1 trạm tại thôn Đài Làng (huyện Vân Đồn).

Việc sớm xóa vùng “lõm” sóng di động cho các khu vực này không chỉ tạo ra động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà còn là nền tảng để triển khai thành công Chính quyền điện tử của Quảng Ninh.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực tập trung nguồn lực đầu tư các trạm BTS để phủ sóng tại 8 điểm còn “lõm” sóng. Dự kiến kinh phí lắp đặt 8 trạm mất hơn 13,7 tỷ đồng. Trong 8 điểm cần phủ sóng, đến nay đã có 1 điểm thuê được vị trí xây dựng và chuẩn bị việc đầu tư xây dựng phát sóng trong năm 2019; 1 điểm đang trình Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ dự án; 2 điểm đã khảo sát, thiết kế và lập dự toán. 4 điểm còn lại đang khảo sát xác định vị trí tại thực địa và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.