Một năm mới vừa sang, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Lựa chọn rực rỡ". Đó là những câu chuyện của các bệnh nhân từng đứng trước lằn ranh sinh tử, từng phải đối diện với những giây phút chỉ muốn chấm dứt cuộc đời mình. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua và đang từng ngày tận hưởng những giây phút của cuộc đời.
Bài 1: 15 tuổi biết mình bị ung thư máu, tôi tưởng cuộc đời đã chấm dứt từ đây
Thời điểm biết tin mắc ung thư máu khi mới 15 tuổi, Mạnh cũng như nhiều người vẫn nghĩ “ung thư là hết”, từng muốn kết thúc cuộc đời để không còn là gánh nặng. Được hồi sinh từ liều thuốc tinh thần, Mạnh cũng muốn trao lại “chiếc phao” đó cho những hoàn cảnh khác.
Đầu năm học lớp 9, Bùi Tiến Mạnh (quê Nam Định) khi đó 14 tuổi đau nhức ngón chân cái. Bố mẹ đưa cậu bé đi khám ở viện gần nhà rồi lên tỉnh và Trung ương, đều chẩn đoán viêm đa khớp, sau khi loại trừ bệnh gout. Cậu bé vẫn đau, 3 tháng trời không dứt. Cơn đau từ ngón chân lan lên tay, rồi đầu, quay cuồng, nhức nhối.
“Ban đầu, bố mẹ có thể xoa bóp khi đau nhưng sau đó đau đến nỗi tay bố mẹ mới khẽ chạm vào da, chưa kịp nắn bóp, em đã đau đớn. Thuốc giảm đau khi đó là cứu cánh”, Mạnh nhớ lại.
Một ngày đầu tháng 1, chưa đến lịch tái khám, Mạnh đau phát khóc, gia đình phải tức tốc bắt xe lên Hà Nội khám từ 3 giờ sáng. Sau hàng loạt xét nghiệm, gia đình nhận tin bé bị bạch cầu dạng nguyên bào Lympho cấp (ung thư máu), phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ngay.
Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong các bệnh ung thư máu ở trẻ em, đây là bệnh phổ biến nhất, chiếm 75%.
Để chăm con ở viện, mẹ của Mạnh phải bỏ việc đồng áng, chạy chợ, gửi 2 đứa con còn lại cho bà nội. Nghe tin con bị ung thư, bố của Mạnh vốn mắc bệnh đau thần kinh tọa và thoái hóa đốt sống lưng, bỏ việc ở Quảng Ninh tức tốc về Hà Nội, chấp nhận đi làm phụ hồ để vừa gần con, phụ vợ. Những ngày ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, để có được suất cơm cho 2 mẹ con, mẹ của Mạnh phải xuống căng tin của viện phụ rửa bát thuê.
Mạnh nhớ mãi chuỗi ngày đầu tiên ở “viện máu”. Khi đó, em vẫn chưa biết mình bị ung thư. Bác sĩ báo tin em phải ở lại điều trị xuyên Tết âm lịch. Gia đình khi đó chia đôi ngả, hai anh chị lớn ở nhà đón Tết cùng bà nội, còn bố mẹ ở lại cùng Mạnh điều trị.
“Cảm giác dằn vặt, tự oán trách bản thân chính mình khiến gia đình nặng gánh, bố mẹ phải nghỉ việc, còn không được sum vầy đón Tết như người khác”, cậu bé 15 tuổi với vẻ ngoài mũm mĩm, hay cười nhưng rất hiểu chuyện, từng nghĩ…
6 tháng từ ngày nhập viện, Mạnh vô tình biết tin bản thân mắc ung thư qua cuộc điện thoại của người cùng phòng bệnh. “Suy sụp hoàn toàn. Lúc đó em cũng như nhiều người ở quê, luôn nghĩ ung thư là dấu chấm hết. Có những đêm, em đã nghĩ đến hình ảnh trên phim, rút máy thở ra đi để người ở lại bớt khổ…”, cậu nhớ lại.
Cú sốc tâm lý bệnh tật khiến cậu bé đang tràn đầy ước mơ không ngừng suy nghĩ tiêu cực, ăn uống không tốt, ảnh hưởng điều trị. Nhiều đêm không ngủ được, Mạnh lại ra cầu thang bộ ngồi khóc rấm rứt, cố để mẹ không nhìn thấy...
Mạnh tiếp tục điều trị hóa chất. Những đợt “đánh hạng nặng” khiến tóc của em rụng nhiều, phải cạo ngắn lơ thơ. Có những lần khom lưng để thầy thuốc tiêm hóa chất vào tủy sống gần thắt lưng, không may kim chọc bị lệch vị trí, đau không tả xiết, Mạnh khóc không ngừng. Từ đó cậu bị ám ảnh tâm lý.
Lại có lần đang truyền hóa chất xuyên đêm, trong giấc ngủ chập chờn xoay trở thân người, Mạnh bừng tỉnh, hoảng loạn, òa khóc nức nở khi thấy vũng máu đỏ trên ga giường trắng muốt. Hóa ra cậu bị tuột ven khi trở mình. Xót xa, đau đớn, mẹ của Mạnh chỉ biết ôm con dỗ dành, dù cố trấn an con bình tĩnh…
Người ốm mệt, người đi chăm sóc người ốm cũng căng thẳng, mệt mỏi. Mạnh thầm biết có những đêm mẹ giấu em, ra cầu thang bộ lối thoát hiểm, khóc một mình. Lớn rồi, Mạnh biết, có thể đó là cách giải tỏa tốt nhất cho mẹ lúc đó.
Giữa lúc hoang mang, Mạnh tình cờ thấy cuốn sách Muôn ánh mặt trời của tác giả Diệu Thuần (một bệnh nhân ung thư máu khi mới chớm 20 tuổi đã ghép tế bào gốc thành công, sau này sáng lập Mạng lưới Vì trẻ em ung thư).
Cuốn sách được đặt dưới gối kê đầu giường bệnh, ghi lại chặng đường chị Diệu Thuần từng đi qua, có những giọt nước mắt đắng cay, có niềm vui, hạnh phúc, nhưng hơn hết là lòng tri ân cuộc đời khi chị nhận được tình cảm ấm áp, sẻ chia của những người xung quanh. “Trước đây em không hay đọc sách, nhưng cuốn sách gần 200 trang đó như có sức hút kỳ lạ, em say sưa đọc suốt hai ngày”, Mạnh kể.
Đến bây giờ, sau 6 năm gặp “duyên kỳ ngộ”, Mạnh vẫn coi Muôn ánh mặt trời là cuốn sách thay đổi thái độ cuộc đời, là liều thuốc tinh thần lớn giúp em dần vượt qua được cú sốc bệnh tật khi đó và cả sau này.
“Gập cuốn sách lại, em để nó về đúng chỗ cũ, biết đâu, lại có người may mắn tiếp theo có thể đọc được… và nhờ mẹ mua một cuốn khác cho riêng mình”, cậu kể. Đó là người bạn của Mạnh, mỗi khi em thấy yếu lòng.
Tâm lý người bệnh ung thư rất bấp bênh, đặc biệt là thiếu niềm tin. Mạnh kể, hồi mới biết tin bị bệnh, cậu nhận được nhiều lời động viên nhưng suy nghĩ tiêu cực luôn đến. Lúc đó, cậu bé 15 tuổi không tin, chỉ nghĩ rằng "mọi người có đau hộ tôi đâu, có bệnh hộ tôi đâu".
Hoặc có lúc, chứng kiến nhiều người bạn cùng điều trị, có người là đồng hương, đang điều trị ổn định, bỗng nhiên trở nặng rồi ra đi khiến Mạnh trở nên hoang mang, sợ hãi. “Câu chuyện Chiếc lá cuối cùng cứ ám ảnh trở đi trở lại trong em, bao giờ sẽ đến lượt mình? Nhưng cuốn sách giúp em có cái nhìn tích cực hơn, bởi nó được viết bởi một người cùng cảnh ngộ và họ đã vượt qua. Chị ấy vượt qua được, mình cũng làm được", cậu tâm sự.
Bệnh tật, mệt mỏi, đau đớn, tưởng chừng khiến cậu nam sinh Bùi Tiến Mạnh bỏ dở việc học và thi lên cấp 3. Nhưng không, khi bệnh dần ổn, cậu vẫn quyết tâm trở lại việc học, ôn thi tốt nghiệp.
“Mọi người nghĩ em đi học là để vui vẻ, gặp gỡ bạn bè, nhưng không phải, em đi học còn để thi, để không phụ lòng bố mẹ”, Mạnh kể. Kết quả, cậu đỗ vào trường cách nhà 10km. Nhưng gia đình nghèo, chỉ có xe đạp, ngại con phải đi xa nên bố mẹ Mạnh động viên em ôn thi lại, vào trường gần nhà.
Vì bệnh tật, Mạnh chỉ có 3 tháng trước kỳ thi để học lại. Có những đêm, cậu học rất muộn. Xót con, chỉ sợ sức khỏe con trai bị ảnh hưởng, hai bố con từng to tiếng. Nhưng Mạnh vẫn quyết tâm học trong nước mắt.
Nỗ lực của Mạnh được đền đáp khi cậu đỗ vào trường cấp 3 gần nhà. Ba năm sau, ngày Mạnh báo tin đỗ vào Trường Đại học Giao thông vận tải, nhiều người không tin cậu bé ung thư năm nào có thể trở thành sinh viên đại học ngay lần thi đầu tiên.
Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất đại học, Mạnh chủ động bày tỏ mong muốn trở thành tình nguyện viên Mạng lưới Vì trẻ em ung thư ngay tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi cậu từng điều trị.
Mạnh kể, lần đầu tiên em được cầm trên tay bánh sinh nhật là khi điều trị ở Khoa Nhi, Viện Huyết học. Lúc đó, cậu sung sướng phát khóc. Đó là lần đầu tiên cậu được thổi nến, được ước nguyện như tất cả những đứa trẻ khác… Sinh nhật năm đó, niềm ước ao của Mạnh là bố mẹ đỡ vất vả, gia đình mãi yêu thương nhau và không bị xa cách nhau nữa.
“Em muốn ước bù lại cho nhiều năm trước đó mình chưa được ước”, Mạnh nói.
Món quà đầu tiên Mạnh được nhận cũng là những ngày tháng ở bệnh viện. Cậu hiểu, liều thuốc tinh thần quan trọng nhường nào, đặc biệt là với các bệnh nhi nghèo. “Em chỉ muốn chia sẻ lại niềm vui cho mọi người, cho các em nhỏ”, cậu chia sẻ động cơ trở thành tình nguyện viên của Mạng lưới Vì trẻ em ung thư. Kể từ đó, câu chuyện của Mạnh trở thành niềm hy vọng dành cho nhiều em nhỏ và phụ huynh đang điều trị tại đây.
Trong những lần đi tiêm hóa chất vào tủy, xếp hàng chờ gọi tên, Mạnh chứng kiến cảnh có những bé vài tháng tuổi phải lấy ven trên đầu; hoặc những em bé gồng cứng người gào khóc, giãy dụa, mẹ phải nhờ những người xung quanh, người giữ chặt tay chân, người giữ đầu bé để vào thuốc tủy cho bé, chỉ sợ gãy kim thì rất nguy hiểm. Mạnh cũng thấy cảnh người mẹ thương con trong bất lực, phải chạy ra ngoài khóc không ngừng…
“Nhiều phụ huynh trẻ rất suy sụp, đau đớn khi con ốm đau. Họ phải là điểm tựa cho con nhưng họ cũng cần điểm tựa để cùng con chiến đấu, đặc biệt nhiều gia đình không biết bám víu vào đâu khi không còn nơi xoay xở tài chính”, Mạnh kể.
Từng là bệnh nhân ung thư, Mạnh nói ngoài tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc thì tinh thần rất quan trọng, thậm chí chiếm hơn một nửa thành quả. Cậu hiểu cảm giác khi bị rụng tóc do truyền hoá chất là như thế nào. Cạo trọc đầu với các bệnh nhân nam như Mạnh không có nhiều khác biệt, nhưng với các bé gái, sự tự ti, hoang mang… là điều khó tránh khỏi.
Mạnh cũng từng chứng kiến nhiều phụ huynh còn trẻ, họ còn suy sụp hơn cả các bé. Vì thế, nhiều phụ huynh tìm đến Mạnh, nghe cậu chia sẻ, truyền động lực tinh thần tích cực…
Kể lại những tháng ngày điều trị, Mạnh nói vẫn còn cảm nhận được từng trận đau đớn khi tiêm chọc tủy, những lần con khóc, bố mẹ khóc hay vẫn gai người ám ảnh khi nhìn kim tiêm. Nhưng điều lớn lao hơn đó là cậu sinh viên 21 tuổi luôn biết ơn vì đã được sống thêm lần nữa.
Thương bố mẹ nghèo, Mạnh cố gắng hạn chế xin tiền từ gia đình mà chủ động sắp xếp việc học để làm thêm. Những lúc rảnh rỗi, cậu chạy xe ôm công nghệ.
Có lần trời tối, mưa to, nhớ nhà, Mạnh nhận một “cuốc xe” của một vị khách nước ngoài. Quãng đường không dài nhưng buồn, lạnh. Đến nơi, vị khách trả tiền và nói: “Chúc em buổi tối vui vẻ” bằng giọng bập bẹ tiếng Việt. Mạnh giật mình. Cậu nhận ra được sống, được lao động, lại được nghe những âm thanh tích cực như vậy đã là điều hạnh phúc. Từ đó, cậu càng thêm trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống và phải truyền cảm hứng sống tích cực cho người khác, bởi điều tồi tệ nhất đã qua rồi.