An Đen tên thật là Nguyễn Thuý An, sinh năm 1991 - người “kể chuyện đồng quê” cho gần 2 triệu khán giả trên nền tảng TikTok. 

Khác với các TikToker đang nổi, video nào của An cũng chậm, giống như cách sống của cô. Qua góc máy, qua cách kể chuyện của An, người xem hình dung mình đứng giữa buôn làng Tây Nguyên nơi cô đang sống. 

An tự nhận mình là một “kẻ yếu” - kẻ không thể thích nghi với Sài Gòn hoa lệ. 

Thời sinh viên, cũng như chúng bạn, cô làm đủ các công việc chân tay để phụ ba mẹ trang trải cuộc sống. Rửa chén, chà toilet…, An không nề hà việc gì. Tốt nghiệp đại học, An lăn lộn làm du lịch, bất động sản, làm văn phòng…, thậm chí làm cả công nhân may để bám trụ lại nơi thành thị. 

Thu nhập không đủ để có cuộc sống thoải mái, đêm xuống vẫn mơ về một nơi xa xôi mà quen thuộc, An bỏ Sài Gòn về quê sống cùng mẹ. “Chẳng phải theo trend bỏ phố về quê gì cả, em cảm thấy không phù hợp với thành thị thì về thôi, chấp nhận sống một cuộc đời chẳng có kế hoạch 5 năm, 10 năm…”.

May mắn, bà Bảy - mẹ An không cản. Bà bảo, nếu mệt mỏi quá thì về đi!

Em út đi học xa nhà. Thỉnh thoảng ba giận mẹ lại bỏ đi chơi xa. An về sống cùng mẹ, thấy tiện. Hai mẹ con có gì ăn nấy. Nhà sẵn có heo, có bò, chó mèo, cây cối, An tiện tay quay vài thước phim đăng lên mạng chơi. Bạn bè thích, được vài trăm like. An chẳng biết có thể kiếm được tiền từ sở thích ấy. 

“Bạn bè biết thu nhập của mình nằm ở mấy trái sầu riêng, vài buồng chuối, mấy mẻ bánh tét. Bạn xui làm YouTube để có tiền. Mình cũng làm thử, kéo cả bà Bảy đi làm cùng”.

Bà Bảy xách thau thúng lội đèo, lội suối đi quay với con gái, bấm máy giúp con. Mặc kệ ai đó không hiểu An đang làm trò điên khùng gì, bà Bảy vẫn hiểu. Đêm đêm nằm xem những chiếc video đồng quê, bà mỉm cười.

Báo nước ngoài biết đến An, bạn bè nghĩ là thành công, chúc mừng tới tấp. Nhưng ai biết đâu suốt 3 năm làm YouTube chẳng có tiền. Thu nhập chỉ được hơn 1 triệu mỗi tháng, đủ tiền đổ xăng. “Em vẫn làm, vì thích thôi”. Mọi người cười, ai cũng bảo: “Bà Bảy chiều con gái ghê ta”.

Thế rồi, bước ngoặt cho công việc sản xuất nội dung của An bắt đầu sau một lần cô vô tình xem video trên TikTok. “Anh ấy chỉ cầm cái điện thoại lia lia qua mấy gốc sầu riêng mà video tới triệu view lận. Em bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển đổi nền tảng và cách làm nội dung”. 

Video đầu tiên của cô trên nền tảng mới lọt vào top xu hướng. Chỉ sau vài ngày, nó đã thu hút hàng triệu lượt xem. 

Được đà, từ đó An phát triển dần kênh TikTok của mình, vẫn nội dung cũ nhưng cách làm mới. Hiện tại, An có gần 2 triệu người theo dõi, hơn 38 triệu lượt like - một con số mơ ước của bất cứ người làm nội dung nào. 

Với con số ấy, An bắt đầu nhận các đơn hàng quảng cáo một cách khéo léo trong các video để có thu nhập. “Em chỉ nhận lai rai thôi, những cái nào phù hợp em mới làm. Nếu so sánh với các TikToker khác có cùng lượt follow, thu nhập của em là thấp. Nhưng em hài lòng với điều đó. Bây giờ em có thể sống thoải mái với nhu cầu của mình. Đi chợ mua mắm muối, đồ ăn, em không phải đi ra đi vô đắn đo nữa, mà chỉ bước tới là mua liền. Như thế với em là đủ”.

Từ khi có thu nhập đều đặn từ các nội dung mình sản xuất, An nghĩ tới việc trích tiền túi nấu cơm cho bọn trẻ con ăn. Những đứa trẻ xung quanh An hầu hết là con nhà nghèo, con đồng bào người Ê-đê, người Mông. Bữa ăn thường ngày của chúng thi thoảng mới có thịt kho, cá kho. 

An trích mỗi lần 3 triệu, 5 triệu để nấu vài chục suất ăn. Những suất ăn được cô tỉ mỉ chế biến, xào nấu, không quá lạ lẫm với trẻ thành phố nhưng là một bầu trời háo hức với những đứa trẻ nơi đây. 

Mỗi lần chọn một buôn làng để nấu cơm cho trẻ, cô có mặt từ 11h trưa. 4h chiều bữa ăn sẽ sẵn sàng. Nhưng từ 12h trưa, bọn trẻ đã đến ngóng chờ. 

“Tất cả những món em nấu đều lạ lẫm với chúng, với người Mông thì càng lạ. Bọn trẻ chẳng kén chọn đâu, cứ thấy lạ và thơm là chúng ăn, ăn hết sạch, bằng một suất ăn của người lớn ở thành phố. Ăn xong hỏi có ngon không, gật đầu nói ‘ngon’. Đứa nào khôn hơn thì nói ‘con cảm ơn cô hen’”.

“Ngày xưa, nhà em cũng thiếu gạo, cũng vay nợ, cũng bị ngân hàng đến mắng quá trời. Em cũng từng là con nhà nghèo nên em hiểu chúng thích cái gì, thèm cái gì… Con mực, con tôm, chúng chưa được ăn bao giờ… Có khi em đang nấu, thấy bọn trẻ ăn cơm trưa với nước muối chan mà vẫn ăn ngon lành. Vậy là em biết lát nữa chúng ăn cơm của mình sẽ ngon như thế nào”.

Theo dõi những bữa cơm chan chứa yêu thuơng của An dành cho bọn trẻ, các mạnh thường quân từ khắp nơi bắt đầu ngỏ lời muốn chung tay. Từ Việt kiều Mỹ, mẹ bỉm sữa tới những đứa trẻ tiết kiệm 25 nghìn tiền ăn sáng… ai An cũng trân quý. 

Nhưng An có nguyên tắc làm từ thiện của riêng mình. Cô không giữ nhiều tiền trong tài khoản. Cô chỉ nhận đủ tiền nấu vài ba tháng và không nhận thêm. Nấu bữa nào, An đều nói rõ bữa nay nấu bằng tiền của mạnh thường quân nào gửi tặng. 

“Mình nhận nhiều tiền là các bạn sẽ nóng ruột, rồi sẽ thắc mắc khi nào thì tiền của mình được An nấu… rồi An sẽ mệt theo. Nhiều mạnh thường quân muốn giấu tên nhưng An cũng giải thích để anh chị hiểu. Anh chị có thể tin mình nhưng nếu An chỉ nêu mạnh thường quân chung chung, mọi người sẽ nghi ngại”.

Mọi món tiền gửi đến, An đều sao kê liên tục. An mua dầu ăn, nước mắm cho bữa ăn nào đều ghi chép đầy đủ bữa đó. Bởi cô hiểu sự phức tạp của việc chi tiêu tiền bạc thiện nguyện. Nhưng không vì thế mà cô sợ, không làm nữa. “Mình không làm gì khuất tất thì không có gì phải ngại”. 

Lâu lâu gặp những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, tai nạn, An lại kêu gọi giúp đỡ. Nhưng cô chỉ kêu gọi giúp vừa đủ. “Hoàn cảnh nào được chừng trên 100 triệu là em sẽ kêu mạnh thường quân dừng lại. Bởi vì nhiều tiền quá đôi khi sẽ sinh ra những hệ luỵ cho gia đình bệnh nhân”. Và khi trao tiền, lúc nào An cũng cẩn thận ghi lại bằng hình ảnh. Đó là cách để cô giữ sự thanh thản cho mình khi làm thiện nguyện. 

An kể, ngày xưa khi còn ở Sài Gòn, cô cũng mặc áo dây, đi giày cao gót, cắt tóc tém như ai. Nhưng từ ngày về quê, cô thấy mình thích mặc đồ linen, quần áo rộng, mặt mộc không son phấn. 

“Nhiều bạn góp ý ‘sao không trưng diện lên?’. Cũng có bạn thích thì bảo ‘cứ thoải mái vậy đi’. Thực ra, em cũng đang trưng diện theo cách của mình. Mỗi lần lên hình, em cũng chải đầu tóc, ủi lại áo quần, tắm rửa sạch sẽ. Nhưng chắc do cái da em… đen đen, nên nhìn dơ dơ hay sao không biết” - An hài hước nói.

Thậm chí, có người bình luận phía dưới video của An: “Biết là bạn ở nông thôn nhưng bạn cần phải trưng diện lên. Bạn đừng có cố tỏ ra như thế”.

“Không phải. Em không cố ý định hình hình ảnh của mình như thế, mà em thấy thế là đẹp, là thoải mái nhất, là em nhất. Chỉ vậy thôi”.

“Có lần, em bị ‘cưỡng ép’ trang điểm khi dự đám cưới. Mọi người làm xong, bước ra đường ai cũng ngửa mặt lên rạng ngời. Riêng em xấu hổ muốn chết”.

Như để giảm nhẹ đi sự “dị dị” của mình, An vội nói thêm: “Nhưng em vẫn thích son môi nha, lâu lâu vẫn tô son, chỉ có trang điểm lộng lẫy thì không phải là em”.

Thế mà, có hôm An tô son để lên hình, bỗng có người đàn ông nhảy vào bình luận “xấu cũng là một cái tội”.

“Em thấy thương cho một tâm hồn như thế” - An nói.

32 tuổi, chưa lập gia đình, An hay bị giục lấy chồng, “kẻo thành gái lỡ thời”. An nói, bản thân cô rất mong có một gia đình riêng, một hạnh phúc trọn vẹn như bao phụ nữ khác. Nhưng cô chưa bao giờ gây áp lực cho mình về việc này. 

“Lấy được người yêu thương mình mới đúng là cái ‘thời’ của mình tới. Em nghĩ chỉ cần sống hạnh phúc là được. Em tự chấm cho mình 7 điểm hạnh phúc. Với em, 7 điểm là khá rồi”.

“Em mơ lấy được một người biết bưng cho em tô phở khi em đi làm về muộn vào ngày mưa gió. Chỉ cần thế thôi. Hai đứa sống với nhau trong căn nhà nhỏ bên hồ, mỗi ngày cùng nhau bán nông sản, lai rai sống…”

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Hồng Anh