“Thoát nghèo”

Sau phiên livestream giới thiệu các sản phẩm là đặc sản của huyện Cần Giờ (TP.HCM), Tống Thanh Nhàn (thường gọi là Thiện Nhân, SN 1996, Lai Vung, Đồng Tháp) tranh thủ gọi điện cho mẹ.

Đây là một trong những lần Nhân xa nhà, xa mẹ để quảng bá nông đặc sản sau khi trở thành nhà sáng tạo nội dung, bán hàng uy tín trên ứng dụng mạng xã hội TikTok.

Hướng mặt về phía biển, Nhân nhớ khoảng thời gian gia đình lâm cảnh khốn khó vì vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá lại mất mùa.

Bố mẹ Nhân là những nông dân thực thụ, canh tác lúa nước trên diện tích đất của gia đình. Thế nhưng sau một lần lúa nhiễm dịch bệnh, ông bà lâm nợ, buộc phải bán đất, bán nhà.

Biến cố ấy khiến hạnh phúc của bố mẹ Nhân tan vỡ. Bố có hạnh phúc mới, Nhân ở với mẹ trong căn nhà thuê bé xíu. Hết lớp 12, Nhân cùng lúc thi đậu 3 trường đại học với 3 chuyên ngành khác nhau.

W-tiktok-3.jpg
Trước khi trở thành TikToker nổi tiếng, Thiện Nhân từng trải qua nhiều khó khăn

Vì gia đình không đủ điều kiện, Nhân đành chọn học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở tỉnh Đồng Tháp dù không đúng đam mê. Để có thể ngồi trên ghế giảng đường, ngoài việc cố gắng giành học bổng, Nhân đi làm thêm đủ nghề.

Sau giờ học, Nhân đi phục vụ bàn, bán hoa vào dịp lễ, lau chùi, sắp xếp giày dép cho các cửa hàng kinh doanh ở chợ đêm... Ra trường, Nhân xin được công việc trái ngành học với mức lương không đủ trang trải, gửi về giúp mẹ ở quê.

Sau 11 tháng nỗ lực, Nhân nghỉ việc, chấp nhận ra vỉa hè đội nắng, dầm mưa bán dạo dép xốp, quần áo trẻ em để có thu nhập tốt hơn. Nam thanh niên nỗ lực làm việc với mục đích duy nhất là sinh tồn cho đến khi tiếp xúc với mạng xã hội TikTok.

Nhân kể: “Hồi đó, sau khi đi làm về, trong những lúc cô đơn, tôi thường dùng điện thoại quay lại cuộc sống của mình rồi đăng lên TikTok. Những cảnh quay của tôi rất đơn giản.

Đó chỉ là khung cảnh về nơi tôi ở, khu vườn tôi hái rau, gian bếp nhỏ với chiếc xoong gang, củi khô… tôi nấu cơm mỗi ngày. Thật bất ngờ, những cảnh quay mộc mạc ấy lại được nhiều người thích”.

Không chỉ thích các cuộc trò chuyện đậm chất miền Tây của Thiện Nhân, người xem còn tìm thấy hình ảnh quê hương mình trong các clip ngắn trên kênh của anh. Sau này, những clip ngắn Thiện Nhân chế biến các món ăn dân dã đặc biệt được yêu thích. Cá biệt, có nhiều clip đạt mức 10 triệu lượt xem.

Đến nay, kênh TikTok Thiện Nhân 5272 của nam thanh niên đạt gần 5 triệu lượt theo dõi, hơn 150 triệu lượt thích. Bất ngờ nổi tiếng, Nhân được một số nhãn hàng uy tín liên hệ sử dụng, đưa sản phẩm của mình vào các clip ngắn.

tiktok 2.jpg
Thiện Nhân (áo trắng, ngồi hàng dưới) trong phiên livestream giới thiệu, quảng bá đặc sản Cần Giờ trong sự kiện Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản vừa qua

Nhân thực hiện và có những thành công vượt mong đợi. Nam thanh niên bắt đầu công việc livestream giới thiệu, kinh doanh những mặt hàng chất lượng cao, uy tín.

Với số lượng người theo dõi lớn, các phiên livestream bán hàng của Nhân trên kênh TikTok của mình đều thu hút hàng triệu lượt người xem, mua hàng. Công việc đem lại mức thu nhập đáng mơ ước, Nhân thoát nghèo thành công.

Hỗ trợ nông dân

Nhân chia sẻ: “Có thể nói, TikTok đã thay đổi cuộc đời tôi. Trước đây, dù làm việc cật lực nhưng tôi không đủ sống. Dù đi làm, có thu nhập nhưng để có thể tồn tại, tôi đều phải tiết kiệm hết mức.

Đến nay, tôi không chỉ giúp gia đình trả hết nợ mà còn xây được nhà mới cho mẹ, đưa bà đi du lịch trong, ngoài nước và mở một quán nước nho nhỏ cho riêng mình.

Tôi vẫn mong công việc của mình có thể giúp ích cho cộng đồng, đem lại điều gì đó cho xã hội. Cuối cùng, tôi nghĩ đến nguyên nhân khiến gia đình mình lâm cảnh khốn cùng và quyết định sẽ hỗ trợ những người nông dân như bố mẹ tôi trước đây”.

Suy nghĩ ấy khiến Nhân tìm hiểu, nghiên cứu và có tình yêu đặc biệt với các loại đặc sản vùng miền. Mỗi khi biết một loại nông sản nào của địa phương được mùa nhưng mất giá, bán chậm, Nhân đều tìm cách hỗ trợ.

Nam thanh niên đến tận nơi trải nghiệm sản phẩm rồi thực hiện các clip ngắn, livestream quảng bá, giới thiệu chúng đến cộng đồng thông qua kênh TikTok của mình. Với lượng người theo dõi lớn, sau các phiên livestream, sản phẩm Nhân giới thiệu được nhiều người biết đến, ủng hộ.

W-tiktok-4-1.jpg
Các nhà sáng tạo nội dung livestream trong Chợ phiên OCOP tại huyện Cần Giờ.

Nhân nhớ lần bà con nông dân ở huyện Lai Vung được mùa quýt nhưng mất giá. Xót xa trước cảnh nhiều nhà vườn phải bán tháo hoặc bỏ những trái quýt chín mọng, Nhân đến tận vườn trải nghiệm. Sau đó, Nhân quay clip, thực hiện buổi livestream bán quýt trên kênh của mình.

Sau phiên livestream, các hộ nông dân trồng quýt tại Lai Vung đã đưa được sản phẩm của mình đến thị trường TP.HCM với giá tốt. Nhân được nông dân tại đây xem như “người hùng”.

Niềm vui ấy giúp anh hình thành khát khao hỗ trợ người nông dân quảng bá các sản phẩm vốn là đặc sản của mình. Đó cũng là lý do Thiện Nhân liên tục tham gia chương trình Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tại chương trình, Thiện Nhân và các nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng uy tín khác trải nghiệm và sử dụng hình ảnh của mình quảng bá, giới thiệu, bán những sản phẩm OCOP (“One Commune One Product” - được hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”) đến gần hơn với cộng đồng.

Thiện Nhân chia sẻ: “Tôi yêu đặc sản, nông sản của người nông dân. Tôi sẵn sàng từ bỏ các lợi ích cá nhân để giúp bà con nông dân quảng bá, giới thiệu các đặc sản vùng miền. Trong các phiên livestream sản phẩm OCOP, mục tiêu duy nhất của tôi là quảng bá những sản phẩm là đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng.

Những sản phẩm này đa số được sản xuất, kinh doanh theo phương pháp truyền thống nên khó tiếp cận khách hàng. Với các chương trình như thế này, chúng tôi sẽ mang những giá trị tích cực, tăng độ nhận diện về các loại sản phẩm này trên thị trường”.

Chương trình Chợ phiên OCOP do TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn) thực hiện.

Chương trình được khởi động từ tháng 4 với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản địa phương và nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP. Đến nay, chương trình đã trải dài xuyên suốt 14 tỉnh thành từ Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Giờ (TP.HCM)...

Tính đến quý 4, chương trình đã thực hiện hơn 800 phiên LIVE gắn logo Chợ phiên OCOP, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.

Hơn 25 sự kiện Chợ phiên OCOP diễn ra khắp cả nước trong 6 tháng vừa qua đã mở ra không gian giao lưu, kết nối thực tế, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản các vùng miền.