Xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Triển khai Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển giống chè Shan Tuyết.
Chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên, dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh và phân bố tập trung ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang.
Hiện, cây chè đã trở thành giống cây trồng mũi nhọn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Hơn 10 năm trước, khi mới triển khai nhân rộng và phát triển giống chè Shan Tuyết, xã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc và phát triển cây chè. Bà con ai cũng hoài nghi về loại cây trồng này, nhận thức đối với cây chè còn rất mơ hồ.
Khi đó, diện tích đất của bà con chủ yếu trồng ngô, trồng sắn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cây công nghiệp ngắn ngày chỉ trồng theo mùa vụ, giá cả lại bấp bênh, năm được mùa thì mất giá, trong khi được giá lại mất mùa khiến cho đời sống bà con nhân dân ở xã rất khó khăn.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án, sự quyết liệt của địa phương trong chuyển đổi cơ cấu câu trồng, cây chè đã sinh trưởng và phát triển tốt, việc chăm sóc và chi phí đầu tư ít, một số hộ dân chỉ mất đến 2 -3 năm chăm sóc là cây chè đã bắt đầu cho thu hoạch, nguồn thu nhập từ cây chè ổn định và cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô.
Từ việc mắt thấy, tai nghe, nhiều hộ dân của xã Xuân Minh đã xung phong chuyển đổi từ những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây chè.
Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh kéo dài và sinh trưởng ở độ cao từ 600 đến 700m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên sản phẩm chè Shan tuyết ở Xuân Minh có búp to, chất lượng tốt, hương vị đặc trưng và mang tính đặc thù (thơm, ngon, sạch), được các thương lái đánh giá chất lượng rất cao.
Hương vị đậm đà, sản phẩm chè Shan tuyết đặc trưng của Xuân Minh được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây là cơ sở giúp địa phương nhân rộng diện tích, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Từ đó, nhận thức của nhân dân được nâng cao, mọi khâu chăm sóc, chế biến đảm theo theo quy trình, không có tình trạng không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học.
Tổng diện tích chè toàn xã là 544,02 ha: Diện tích trồng trong năm 2024 là 10,3ha, diện tích chăm sóc 22,49 ha, diện tích cho thu hoạch 511,23 ha.
Hiện tại, chè Xuân Minh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được bán ra với giá 12.000 đồng/kg chè búp tươi, trung bình bà con thu nhập từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Các hộ dân đã bắt đầu tìm hiểu, đưa sản phẩm chè lên các trnag mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá, bán chè. Việc nghiên cứu, chăm sóc chè đảm bảo đúng kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến cũng được bà con học hỏi thêm qua internet.
Nhiều hộ gia đình từ cận nghèo, hộ nghèo đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Chất lượng cuộc sống thay đổi từng ngày.
Hướng tới mục tiêu nghèo bền vững, Ủy ban nhân dân xã xác định một trong những giải pháp ưu tiên khuyến khích là việc áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước giúp người dân cải thiện năng suất chất lượng hàng hoá của mình.
Được biết, tại nhiều địa phương của Hà Giang, Chè Shan tuyết là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực để tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch.