Đánh giá về tầm quan trọng của việc triển khai nhiệm vụ giảm nghèo, ThS Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta; được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Bác chỉ rõ: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi", “Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.
Bước sang thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ: “Mục đích của Chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn, dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Người yêu cầu Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để “phát triển kinh tế và văn hoá”, “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”5.
Giai đoạn nào cũng vậy, Đảng ta xác định, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên phải phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế mới, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên địa bàn cả nước, “giúp dân xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở những vùng đất còn hoang hoá, các xã đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.
Kết quả xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích của người dân. Nổi bật là về nhà ở, đi lại, đến năm 2020, cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm ở các thôn, bản; 99% địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biên giới có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã. Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế và được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Với hệ thống bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế thông suốt từ trung ương đến cơ sở, Việt Nam đã khống chế, đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 64 tuổi trong thập kỷ 90 (thế kỷ XX) lên 73 - 75 tuổi năm 2020.
Những kết quả này được nhân dân ta ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước và tổ chức quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng văn hóa, thành công trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ thực tiễn đã tổng kết, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị; đặc biệt là bài học để xóa đói, giảm nghèo có kết quả phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị cùng với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, vùng nghèo.
Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, Đảng ta đã chỉ rõ: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách xóa đói, giảm nghèo phù hợp với từng giai đoạn; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo và các vùng đặc biệt khó khăn.
Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, có chính sách và giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo. “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người” và đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mỗi năm giảm từ 1,5% - 1,7% tỷ lệ hộ nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3,5% trở lên.
Đến năm 2025 giảm 40% - 50% các xã thuộc diện khó khăn và giảm trên 50% thôn, bản đặc biệt khó khăn; đồng thời khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giầu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.
Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”.
Hồng Vũ (lược ghi)