Lời Toà soạn: 

Nhiều bất cập trong việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã khiến người dân bức xúc và dư luận không đồng tình. Đặc biệt ở nội dung mô phỏng trong phần thi lý thuyết hay học lái xe trên cabin điện tử.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra bộ này đã tập trung thanh, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cả nước. Kết quả, Thanh tra Bộ đã chuyển thông tin 6 trung tâm đào tạo lái xe cho cơ quan công an để xem xét và xử lý theo thẩm quyền.

Cũng theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái xe nhưng chỉ có khoảng 50% vượt qua kỳ thi sát hạch.

Xuất phát từ thực tiễn này, Báo VietNamNet tổ chức Chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Tháo gỡ, bất cập trong đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe” nhằm cùng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp cho việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thực chất, hiệu quả và thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Tham dự Chương trình Bàn tròn: “Tháo gỡ bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe” với 3 vị khách mời:

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ quản lý đo lường Hà Nội - một học viên vừa trải qua 3 lần thi sát hạch lái xe.

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn 3 vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình của Báo VietNamNet. Câu hỏi đầu tiên, xin được gửi tới ông Nguyễn Tuấn Việt, người vừa trải qua kỳ thi cấp lại GPLX với rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về hành trình thi đỗ bằng lái xe?

Ông Nguyễn Tuấn Việt: Vâng, tôi là người đã lái xe 10 năm rồi. Ngày trước, khi tôi thi thì dễ hơn, ít câu hỏi lý thuyết hơn. Nhưng lần này, khi đổi bằng, tôi phải thi lại lý thuyết.

Phần thi lý thuyết nhiều câu hỏi hơn và có thêm phần nữa là phần thi mô phỏng. Phần thi mô phỏng này gây khó và bỡ ngỡ cho người lái xe. Bởi vì, những tình huống trong thi mô phỏng khiến cho chúng tôi như là đang phải chơi game. Và cái cách để mà xác định đúng hay sai, chỉ là một nút trên bàn phím.

Phần học mô phỏng gồm 120 câu hỏi nhưng đến lúc thi chỉ có 10 câu. Thời gian để được đánh giá đúng chỉ kéo dài khoảng vài giây. Đây là điều khiến cho người đã lái xe như tôi hay bị xử lý sớm các tình huống. Mà xử lý sớm hơn chỉ 1 giây cũng không được điểm. Do đó, tôi rơi vào trạng thái hoặc được 0 điểm hoặc được 5 điểm.

Ở trong lớp lý thuyết của tôi có một chị là hiệu phó một trường nhưng đã phải thi lại đến 16 lần. Phần thi mô phỏng của chị rất vất vả. Chị ấy nhiều tuổi nên mỗi lần vào phòng thi rất run, thường ấn nút sớm quá hoặc muộn quá. Tôi nghĩ, ở phần thi này khó đối với những người như tôi đã lái xe hoặc những người có nhiều tuổi.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Quyền, thời gian vừa qua Hiệp hội đã nhận được những ý kiến nào phản ánh về tình trạng bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Thời gian vừa qua, với vai trò của Hiệp hội, chúng tôi cũng tiếp xúc với khá nhiều các cơ sở đào tạo và người học.

Chúng tôi cũng đã đi khảo sát một số cơ sở và tiếp nhận các ý kiến phản ánh, phải nói là khâu quản lý đào tạo của chúng ta trong thời gian vừa qua đã đổi mới khá nhiều. Tuy nhiên, cũng có những nội dung phù hợp nhưng cũng nhiều nội dung không phù hợp.

Ví dụ, quy định về tiêu chuẩn của giáo viên dạy thực hành lái xe. Mình quy định phải có bằng trung cấp. Hay là những quy định về yêu cầu bắt buộc phải học tập trung, có điểm danh đối với phần học lý thuyết. Chưa hết, với phần mềm mô phỏng, cabin điện tử, tôi cho rằng khi chúng ta ban hành chưa có sự thử nghiệm, đánh giá.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong số những việc ông vừa nêu, vấn đề nào khiến cho các học viên cảm thấy bất cập và bức xúc nhất?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay, các cơ sở đào tạo trong phạm vi cả nước gần như đang "đóng băng". Người ta không dám tiến hành đào tạo nữa bởi vì sợ sai và sợ bị cơ quan pháp luật xử lý. Nhất là Hà Nội và TP.HCM, có thể nói là 100% các cơ sở đào tạo đang ngừng.

Những nội dung bất cập nhiều nhất mà học viên phản ánh có 2 vấn đề. Thứ nhất, đó là phần mềm mô phỏng không phù hợp.

Phần mềm mô phỏng này chỉ trang bị cho người học khả năng nhận diện tình huống giao thông thôi chứ không phải là kỹ năng xử lý. Bởi vì đây chỉ là xử lý trên bàn phím, như vậy hoàn toàn khác với xử lý trên vô lăng. Nếu muốn xử lý tình huống thì phải xử lý trên cabin điện tử mới sát với thực tế.

Thứ hai, đó là cách chấm điểm. Phần mềm chỉ chấm điểm khi học viên xử lý đúng thời điểm quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, người lái xe nhận diện tình huống nguy hiểm, xử lý tùy theo khả năng phản xạ của mỗi người.

Người ta có thể xử lý sớm một chút hoặc những lái xe nhuần nhuyễn, thành thạo, đủ tự tin, có thể người ta xử lý muộn hơn. Vậy phải xây dựng thang điểm -  xử lý sớm chút có thể là điểm thấp, xử lý đúng điểm tối ưu... Tôi cho rằng cần có nghiên cứu để làm sao sát với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Quyền

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Thống, những thông tin được chia sẻ như trên cho thấy khá nhiều bất cập. Được biết, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc họp với các địa phương về vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe. Trong các cuộc họp trực tuyến đó, Cục có nhận được những ý kiến tương tự như vậy không? Và đến thời điểm này, với vai trò đại diện của Cục Đường bộ Việt Nam, ông phản hồi như thế nào về các ý kiến của ông Quyền cũng như ông Việt vừa nêu?

Ông Lương Duyên Thống: Phần lớn quy định về công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe đã thực hiện từ rất lâu. Hệ thống văn bản đã ổn định và thường xuyên được cập nhật, tiếp thu các ý kiến góp ý của người học, các cơ sở đào tạo cũng như các Sở, đặc biệt là ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Phần mềm mô phỏng đã triển khai từ tháng 6/2022. Ở các nước Anh, Úc, Nhật, Singapore, người ta đã áp dụng phần mềm mô phỏng như thế này.

Phần mềm mô phỏng mục đích là để cho người học nhận biết các tình huống nguy hiểm, tình huống mất an toàn giao thông. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan của bộ cũng như Đài Truyền hình Việt Nam lấy các tình huống mất an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sau đó mô phỏng lại trên phần mềm 3D.  Mục đích là cho  người học nhận biết các tình huống chứ không phải là xử lý tình huống.

Như anh Việt và một số bạn thi mà cảm nhận thấy mình có thể xử lý sớm thì lại không đúng mục đích của phần mềm. Phần mềm này là nhận biết các tình huống. Nhận biết là khi tình huống nó xuất hiện thì mình mới nhận biết được. Còn nếu mình phán đoán, xử lý trước thì coi như tình huống đó chưa xuất hiện đã nhận biết rồi, như vậy không đúng với tiêu chí của phần mềm. Vì thế, người học cũng cần phải hiểu được bản chất của phần học này.

Tiếp nữa, khi hiểu nguyên lý của 120 tình huống thì có thể đạt được điểm ngay từ lần đầu thi. Có nhiều người cũng đạt ngay lần đầu dự sát hạch trên phần mềm mô phỏng.

Ông Lương Duyên Thống

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, ý tưởng của cơ quan quản lý đưa ra phần mềm học mô phỏng là tập trung vào nhận biết và nhận biết phải đúng thời điểm. Nhưng với người học đã có kinh nghiệm thực tiễn như anh Việt, cũng như ông Quyền, đại diện của Hiệp hội thì lại cho rằng là nó không hợp lý.

Bởi vì trên thực tiễn việc nhận biết tùy vào từng cái phản xạ, năng lực của từng cá nhân. Người lái xe có người nhận biết sớm, có người nhận biết muộn hơn. Và về mặt lý thuyết nếu nhận biết muộn thì không ổn, nhưng nhận biết sớm hơn tình huống giao thông, tức là khả năng phán đoán của người ta tốt, dự cảm của người lái tốt thì vẫn tốt hơn chứ. Ông có thể có ý kiến thêm về vấn đề này?

Ông Lương Duyên Thống: Cũng như vừa rồi tôi trình bày, ở đây là nhận biết tình huống. Nhận biết là khi tình huống nó xuất hiện thì mình mới nhận biết. Còn khi tình huống đó chưa xuất hiện mà mình nhận biết thì đấy là mình cảm giác hoặc có thể là học theo cách chủ quan, học tủ, học vẹt.

Lúc đầu, khi triển khai phần mềm mô phỏng, tỷ lệ đạt yêu cầu chỉ ở mức 40-50%. Sau đó, tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội cũng như phản ánh của học viên, chúng tôi cũng đã điều chỉnh thời gian. Theo đó, từ khi nhận biết đến khi tác động vào bàn phím đã có điều chỉnh thời gian.

Ví dụ, từ khi tình huống xuất hiện, nếu nhận biết trong 3 giây thì vẫn đạt điểm tối đa. Nếu ấn phím chậm hơn chút nữa thì xuống 4 điểm, 3 điểm, 2 điểm, 1 điểm. Và nếu mà chậm lâu hơn nữa thì sẽ là 0 điểm.

Được biết, sau điều chỉnh này, phần lớn các Sở GTVT báo cáo kết quả đạt yêu cầu từ 75-80%.

Hiện nay, nếu tiếp tục có phản ánh của người học về việc vẫn còn chưa phù hợp, đặc biệt là đối với những trường hợp như anh Việt (phải thi lại khi cấp đổi GPLX- PV), đặc biệt là các bác lớn tuổi có thể phản xạ chậm thì Bộ GTVT cũng đang giao cho Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Anh Nguyễn Tuấn Việt 

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, xin hỏi ông Việt và ông Quyền có ý kiến như thế nào về hướng giải quyết này? 

Ông Nguyễn Tuấn Việt: Tôi tán đồng với ý kiến của ông Thống về việc cho kéo dài thời gian tác động vào tình huống đó. Bởi vì trong 10 câu hỏi, từ câu thứ 4 đến câu thứ 7 hoặc câu thứ 8 là những tình huống cần phải có sự phản xạ nhanh. Khá nhiều người trượt ở những câu hỏi đó.

Bây giờ nếu điều chỉnh kéo dài khoảng thời gian tác động vào nút máy tính để xác nhận tình huống đó, theo tôi, sẽ thuận lợi hơn cho người học rất nhiều, đặc biệt người nhiều tuổi.

Nhà báo Phạm Huyền: Còn ý kiến của ông Quyền như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi thấy, sau khi Hiệp hội có ý kiến về việc phải xây dựng một thang điểm chứ không phải là chỉ có điểm tối đa như lúc đầu ban hành, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có chỉnh sửa, cơ bản là phù hợp. Nhưng ở nội dung này, tôi xin đề nghị với cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu thêm mấy ý sau:

Ở phần thi này, đối với những học viên trẻ, ở thành phố, có lẽ sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Nhưng với những học viên ở nông thôn, đồng bào dân tộc ở miền núi chưa tiếp cận với bàn phím của máy tính bao giờ, đây rõ ràng là thách thức.

Chúng ta phải nghiên cứu, nếu như phần mềm cứ thống nhất dùng chung cho tất cả mọi đối tượng, rõ ràng sẽ không phù hợp.

Thứ hai, đối với những người có giấy phép lái xe rồi bị giữ, bị mất, bị hỏng phải đi sát hạch lại, với nhóm này có cần thiết phải sát hạch nội dung này không?

Nhà báo Phạm Huyền: Với những nội dung ông Việt và ông Quyền vừa nêu, ông Thống có ý kiến như thế nào?

Ông Lương Duyên Thống: Theo ý kiến của ông Quyền cho rằng phần mềm mô phỏng khó khăn đối với người nông thôn, hoặc người đồng bào dân tộc thiểu số, thực chất nội dung này Cục Đường bộ Việt Nam cũng đang nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh, đặc biệt là các hình ảnh mô phỏng trên màn hình làm sao cho rõ nét.

Đối với việc nhận biết, thao tác, xử lý, thực ra là máy tính, chỉ cần lấy tay tác động vào một phím, tôi nghĩ cũng không liên quan nhiều đến việc sử dụng.

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xem xét điều chỉnh thời gian, các hình ảnh trên các tình huống làm sao cho rõ ràng, rõ nét để người học dễ nhận biết.

Chúng tôi cũng sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét đối với những trường hợp đã được cấp giấy phép lái xe, nhưng do quá hạn hay bị mất, có cần thiết phải thi lại phần mềm mô phỏng không.

Trong thời gian sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi sẽ có nghiên cứu để báo cáo Bộ GTVT.

* Phần 2: Rà soát lại quy chuẩn về học trên ca bin điện tử

  • Tác giả: Ngô Huyền
  • Ảnh: Lê Anh Dũng
  • Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc
  • Thiết kế: Thu Hằng
  • MC: Phạm Huyền