icon icon

Trải qua nhiều thăng trầm, những chuyến tàu từ Hà Nội tới TP.HCM và ngược lại vẫn liên tục lăn bánh chở những người con xa quê, các gia đình nhỏ và du khách nước ngoài đi dọc chiều dài đất nước và rồi để lại nhiều hồi ức đẹp.

Xịch... xịch... xịch...

Tiếng còi tàu xé tan màn đêm tĩnh mịch, lao vút trong màn đêm cùng thứ ánh sáng le lói thỉnh thoảng vụt qua khung cửa sổ.

Gần 1h sáng, ông Xuân, bà Hà vẫn chưa ngủ. Cặp vợ chồng cao tuổi ngồi lặng lẽ trong ánh đèn đọc sách nhỏ ở đầu giường, thỉnh thoảng buông vài câu nói nhỏ như thì thầm.

Lên chuyến tàu SE3 từ ga Nha Trang để tới TP.HCM khám bệnh là việc đều đặn mỗi tháng một lần của cặp vợ chồng quê miền Trung. Vì thế hai ông bà cũng đã quen với tiếng lạch cạch dưới gầm, sự lắc lư đều nhịp của toa tàu.

“Giờ là mấy giờ rồi con? Bình thường ở quê cũng phải 2 - 3h sáng chú mới ngủ được", người đàn ông cười hiền khi phóng viên ngồi bên cạnh.

Qua từng ô cửa gương lớn của khoang tàu, lác đác có ánh đèn đường vụt chiếu làm chói mặt người. 

Trong suốt hành trình từ Hà Nội tới TP.HCM, tàu dừng đón khách tại mỗi địa phương chừng 5 - 10 phút. Đó là lúc có khách lên, có khách xuống. Mỗi lần như vậy, vài người từ trên khoang giường nằm thức giấc đi ra hành lang ngó nghiêng xem tàu đang dừng tại ga nào rồi quay về tiếp tục với giấc ngủ.

Hình ảnh đó không hề lạ với những ai từng được ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam dài 1.730km.

Đi tàu hỏa mất nhiều thời gian, giá vé không hề rẻ nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn vì một số lý do khác nhau. Có những vị khách mua vé đi từ thủ đô tới TP.HCM với chặng đường dài 1.730km, cũng có những người chỉ đi các chặng ngắn tới Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng hay Bình Định... Tuy nhiên, để có mặt tại Hòn Ngọc Viễn Đông, nếu xuất phát tại ga Hà Nội họ phải ăn ngủ nghỉ trên tàu gần 36 tiếng, tức thời gian dài gấp hơn 30 lần so với đường hàng không.

Phóng viên có mặt tại buồng lái tàu trước giờ lăn bánh. Lúc này các kỹ thuật viên bắt đầu thực hiện các quy trình kiểm tra. Có đến 6 kíp lái, mỗi kíp gồm 1 lái chính và 1 lái phụ đảm nhận lái tàu trong 6 tiếng và họ sẽ chỉ được nghỉ 5 - 10 phút tại các ga lớn.

Chuyến tàu số hiệu SE3 hôm nay khởi hành từ Hà Nội lúc 19h20. Lái chính là anh Hà Ngọc Nam, lái phụ là anh Trình Tiến Đông. Cả hai đã chuẩn bị sẵn về sức khỏe và các công việc cần thiết, sẵn sàng cho chuyến hành trình xuyên đêm.

Kiểm tra hệ thống cảnh báo, máy móc, phanh, gió, điện đèn rồi từ từ bật nút khởi động là những thao tác chính cho đoàn tàu chuyển bánh.

Khi tàu bắt đầu rời ga Hà Nội, những âm thanh hỗn độn xuất hiện, tiếng ầm ầm của đầu máy cộng hưởng với tiếng bánh lăn trên đường ray tạo nên cảm xúc lâng lâng trong lòng những người chứng kiến, đặc biệt là hành khách ngồi trên toa. 

Sau hồi còi chói tai, tàu chuyển bánh, nhiều hành khách và người thân lưu luyến vẫy chào nhau qua ô cửa lớn sáng màu.

Đứng lặng lẽ ở hành lang nhìn bạn bè cứ thế nhỏ dần ở sân ga, chị Hoàng Minh Tĩnh (Quảng Bình) bồi hồi nhớ lại những ký ức thời sinh viên. “Mỗi lần lên tàu, cả kỷ niệm thời trẻ như ùa về, cùng bạn bè nhảy lên tàu để khám phá cảnh đẹp đất nước. Không cần có lịch trình cố định, cứ xuống một sân ga bất kỳ rồi lại chờ chuyến tàu tiếp theo để trở về", chị kể lại. Sự cố định bất biến đó vừa thân quen lại vừa mới lạ làm cho người phụ nữ miền Trung vẫn ưu tiên chọn loại hình di chuyển này mỗi lần có dịp ra thủ đô.

Chuyến tàu có hơn 300 chỗ (tính cả khoang nằm và khoang ghế mềm điều hoà). Đôi khi mua vé tàu còn khó hơn so với vé máy bay bởi nếu muốn có giường tại khoang nằm mềm cần đặt trước cả tháng. Vào những dịp nghỉ lễ dài, tháng hè hay Tết, ngành đường sắt phải tăng cường thêm chuyến cũng như bổ sung ghế phụ để phục vụ nhu cầu của hành khách.

Trong một khoang giường nằm, phóng viên gặp gia đình anh Sơn đang di chuyển từ Huế vào quê ngoại Đà Nẵng. “Lên tàu là cháu tỉnh luôn, rồi nằm chơi nãy giờ", anh hứng thú nói về con gái của mình.

Anh Sơn cùng vợ thường xuyên di chuyển bằng xe lửa, đặc biệt là sau khi có em bé. Anh bảo không gian riêng nằm nghỉ tiện lợi và thoải mái, trẻ con không quấy khóc. Quãng đường từ Huế tới Đà Nẵng khoảng 100km, với nhiều người có lẽ sẽ chọn ô tô để di chuyển nhưng anh Sơn lại chọn tàu hỏa. "Có 3 tiếng thôi mà, không quá lâu lại còn đảm bảo an toàn cho cả nhà", người đàn ông sống ở mảnh đất cố đô nói.

Trên tàu, việc ăn uống tương đối thuận tiện khi có tổ phục vụ. Nếu hành khách mang theo đồ ăn dễ dàng lấy nước nóng ở đầu toa, ngoài ra vẫn có thể mua hàng của nhân viên đường sắt vào mỗi giờ ăn trưa, tối, đêm hoặc bữa sáng. Các suất ăn được đặt trước, đa dạng từ cháo, cơm phần, bánh mì, phở... mỗi phần có giá từ 40.000 đồng.

Hoà mình theo sự phát triển của thời đại, để giữ chân hành khách, các toa tàu đã dần được cải thiện chất lượng, riêng việc sinh hoạt của hành khách nay càng thuận tiện hơn. Buồng, khoang, ghế, giường thậm chí cả “chốn vệ sinh” cũng dần dần được cải tiến hiện đại và tiện nghi hơn. Ga giường trải phẳng phiu, gọn gàng như phòng ốc trong những căn homestay hay khách sạn. 

Và mỗi chuyến tàu đó cũng chứa đựng biết bao cuộc gặp gỡ, câu chuyện trải khắp các vùng miền. Những hành khách chưa từng gặp nhau thì nay được làm quen, thế giới bé nhỏ như dần mở ra một cách tự nhiên. 

Phóng viên gặp ông Lữ - một người đàn ông 75 tuổi lên xe lửa trở về TP.HCM sau chuyến ra Bắc chia tay người thân. Ông ngồi chung khoang nằm cứng 6 giường với cặp vợ chồng mang 105 chiếc bánh phu thê tới Bình Định ăn hỏi cho con trai. Ngoài ra còn có anh Phúc - một thanh niên quê Ninh Bình trở lại Hòn Ngọc Viễn Đông, nơi anh từng sinh sống và làm việc với mục đích thăm người cô là chính.

Những mẩu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường đã kéo gần họ lại với nhau. Nào là việc bác đi về đâu? Chừng nào tổ chức đám cưới, chúc mừng gia đình rồi chán chê rồi quay lại những câu chuyện từ thuở kháng chiến năm xưa. Dường như nhờ các chuyến tàu mà họ luôn được gợi lại những ký ức lấp lánh, bồi hồi, nhất là trong lòng những người đã lớn lên cùng với sự thống nhất đất nước.

Thỉnh thoảng, anh Phúc lại nói với ra bảo ông Lữ kể chuyện cho đỡ chán.

Người lính cũ lại ngồi nhìn xa xa, đọc mấy câu thơ: 

“... Chia tay lưu luyến mắt nhìn

Sầu riêng bịn rịn nhớ miền Nam xa

Ta về, mở rộng đường ta

Cho Nam với Bắc vào ra thêm gần

Hành quân nhẹ bước sang xuân

Chè xanh hoa nở trắng ngần đường xe…”

- Bây có biết bài gì không?
- Dạ, con không.
- Nước non ngàn dặm của Tố Hữu đó. Mỗi lần đọc là thấy tự hào lắm, thấy ngày trẻ cùng khát vọng, niềm tin của toàn dân tộc vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày trẻ anh Phúc cũng chọn đường sắt để di chuyển khá nhiều. Hồi đó anh có chiếc máy ảnh, cứ mải miết đứng ở mấy ô cửa ngó ra ngoài săn hình đẹp. Đến giờ anh vẫn thích đi tàu, chỉ là không được sử dụng thường xuyên do công việc bận rộn. "Vui nhất là được gặp gỡ mọi người, có những tâm sự thời trẻ, chuyện lịch sử của các bậc lớn tuổi như bác Lữ, như đưa mọi người về vùng ký ức xưa vậy đó", Phúc nói.

Khi bao câu chuyện chưa đâu vào đâu ở trên toa tàu còn chưa dứt chuyến xe lửa xuyên Việt chuẩn bị về đến ga Sài Gòn. Đứng ở hành lang, tàu trưởng Bùi Văn Tiến hôm nay cảm thấy hạnh phúc khó tả. Anh bảo lúc nào cũng nhớ về lần đầu tiên chạy hành trình Bắc - Nam, khi đó còn mới vào nghề. Đến giờ cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn, đặc biệt là những chuyến tàu Tết, chở những người con về quê được an toàn.

Người đàn ông với 28 năm làm trong ngành đường sắt luôn cảm thấy tự hào khi tàu hỏa ngày nay đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ngày càng được nhiều du khách nước ngoài yêu thích. “Với những chặng ngắn như Hà Nội - Huế - Đà Nẵng, lượng khách nước ngoài chiếm đến 70% còn lại chuyến dài vào TP.HCM đa phần là khách Việt”, anh nói.

Được khởi công xây dựng vào năm 1881, xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển, đến nay mạng lưới đường sắt từ Bắc tới Nam đã được hoàn thiện với tổng chiều dài 3.143km, trong đó có 2.632km đường sắt chính tuyến, 403km đường ga, 108km đường nhánh. 

Đi qua ba thế kỷ, chuyến tàu Bắc - Nam vẫn cần mẫn chở những chuyến hàng và các vị khách đến mọi miền của đất nước. Chuyến tàu “đi suốt bốn mùa vui", nối liền một dải.

Ngày thường, có 4 chuyến tàu Bắc - Nam được chia thành 4 khung giờ khác nhau, chuyến sớm nhất vào 6h10 và muộn nhất vào 22h. Điểm bắt đầu của hành trình hơn 30 giờ dọc miền đất nước ở hai chiều là Hà Nội và TP.HCM. 

Nguyễn Huế

Xem các bài viết của tác giả