Lời tòa soạn: 

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 - Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Tuy nhiên, áp lực gia tăng từ các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Loạt bài Đồng Nai vào cuộc đua Net Zero do VietNamNet thực hiện thể hiện quyết tâm của địa phương trong chuyển đổi sang sản xuất xanh, hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ rất nhiều về ý nghĩa của Net Zero. Ông cũng nhấn mạnh, nhờ COP26 với quyết tâm của Chính phủ, Đồng Nai có thêm động lực để chuyển đổi để phát triển bền vững. Đây là con đường bắt buộc phải đi, không thể làm khác được.

- Đồng Nai vừa phê duyệt Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án này được xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt trong khoảng thời gian ngắn. Đồng Nai đi tiên phong và đây cũng là lĩnh vực hoàn toàn mới, thưa Bí thư? 

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh:

Đúng vậy. Net Zero đúng là còn rất mới với Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đã được triển khai tại các nước tiên tiến trên thế giới từ những năm 1990 nên tỉnh Đồng Nai đã kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia có nhiều kinh nghiệm để xây dựng được Đề án này. 

Có nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng tham vấn cho tỉnh xây dựng hệ thống tín chỉ carbon, đánh giá môi trường và đồng hành trong quá trình phát triển theo con đường bền vững. Họ gợi ý cho chúng tôi các giải pháp từ truyền thông, quản trị, chính sách đến các giải pháp kỹ thuật cụ thể cũng như phương án thực hiện. Từ đó, các cơ quan sở ngành của tỉnh tham gia xây dựng Đề án nhận thức và hình dung được chương trình tổng thể về hành động. 

Hiện, có ít nhất 3 đối tác của Mỹ, châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc) cùng hợp tác để giúp cho Đồng Nai.

- Các sở ngành khi tham gia xây dựng Đề án gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn sợ sai vì mọi thứ liên quan đến Net Zero còn quá mới mẻ?

Mục tiêu Net Zero có ý nghĩa rất lớn. Khoan nói đến lợi cho doanh nghiệp, nhìn ở góc độ xã hội trong 10 năm sau, 20 năm sau hay 30 năm sau, con cháu của chúng ta sẽ được lợi từ chủ trương quá đúng đắn về giảm thiểu phát thải. Đây là xu thế chung của thế giới, là con đường bắt buộc phải đi, không thể làm khác được. 

Do còn nhiều điều mới mẻ, thế nên các ban ngành than khó cũng dễ hiểu. Nhưng tôi nói “cứ làm đi, đừng có sợ sai vì mình làm chuyện tốt”. Mình trồng thêm cây xanh, mình kiểm đếm rừng, kiểm đếm những hoạt động mang giá trị về môi trường, kiểm đếm những hoạt động gây hại môi trường để tính toán bù trừ cho hài hòa; mình khuyến khích hành động tốt và giảm thiểu hành động không tốt nên không thể nào sai được. 

Nếu có sai chỉ là trong tính toán chưa chính xác. Lẽ ra người ta được 100 tín chỉ carbon, ông tính thành 50 tín chỉ thì là thiệt hại cho người ta. Vậy, làm sao tính toán chính xác để đưa ra chương trình hành động cho người dân, doanh nghiệp áp dụng theo? Cơ quan chức năng của tỉnh cũng bắt đầu triển khai những vấn đề này.

Hiện nay, rất nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp không hiểu trong cuộc sống hay trong sản xuất cái gì sẽ tăng phát thải, làm gì để giảm phát thải, cơ chế bù trừ và các vấn đề liên quan đến lợi ích gắn liền với tăng trưởng xanh. Do đó, Đồng Nai tổ chức một hội nghị nâng cao nhận thức về Đề án này cho doanh nghiệp, cho cán bộ quản lý, lãnh đạo và cộng đồng dân cư, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để đi đến hành động.

Net Zero quá mới mà. Chưa ai làm nên tỉnh đi đến đâu “mở đường” đến đó, ngộ ra dần. Tôi tin sẽ làm được!

- Thực tế, có những doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất xanh, thưa ông?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ý thức được việc này. Có khu công nghiệp ngay từ đầu đã thực hiện theo mô hình sinh thái theo nghị định số: 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Những khu công nghiệp cũ phải có lộ trình cho họ chuyển đổi dần.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm phát thải cao trong các ngành công nghiệp nặng như sản xuất nhựa, thép, xi măng, hàng không… cũng đặt mục tiêu đưa phát thải về mức thấp nhất. Khi phát thải ra bao nhiêu thì doanh nghiệp phải mua lại lượng tín chỉ carbon tương ứng để cân bằng.

Ví như doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tạo ra lượng phát thải cao hơn định mức tương đương 1.000 tấn carbon thì phải trả thêm chi phí mua lại tín dụng carbon để bù trừ vào khoản phát thải cao hơn. Như vậy, cũng công bằng hơn với những ngành sản xuất hấp thụ được carbon như trồng rừng, sản xuất nông nghiệp sạch hơn. Đây là giải pháp tuyệt vời mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện để các ngành chung tay bảo vệ môi trường, cùng nhau phát triển theo hướng bền vững.

Theo lộ trình của Chính phủ, sắp tới sẽ hình thành thị trường tín chỉ carbon để cho những doanh nghiệp hay tổ chức có nhu cầu tham gia mua - bán. Bởi, xu hướng tương lai, các thị trường sẽ áp dụng tiêu chuẩn xanh, bền vững và minh bạch. Sản phẩm không đáp ứng những tiêu chuẩn này sẽ không được tham gia thị trường giao thương.

- Doanh nghiệp cũng đang rốt ráo trong chuyển đổi sang sản xuất xanh. Thế nhưng, họ thiếu quy chuẩn chung để tính toán lượng phát thải? 

Các chuyên gia sẽ giúp họ hiểu hơn về tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng hiện nay. Bộ ngành cũng sẽ đưa ra quy định chung để tính toán lượng phát thải cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ở Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện kiểm kê phát thải. Còn doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tâm thế, có lộ trình thực hiện thì áp dụng được ngay.

Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp có thể tiếp cận các tổ chức nước ngoài có nguồn ngân sách dành cho tăng trưởng xanh, sản xuất xanh. Những tổ chức này sẵn sàng dành một nguồn tín dụng lớn để ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi. 

Mục tiêu của chúng ta đến năm 2050 phát thải ròng về 0. Đây là lộ trình dài để thực hiện chứ không phải ngày một ngày hai có thể làm xong ngay. Thế nên, dựa vào nội lực của mỗi doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi từng bước một.

Với tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cũng xác định nội thân phải làm, phải chuẩn bị tâm thế. Khi Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý cho từng lĩnh vực, quy định rõ ràng về tín chỉ carbon, cách tính lượng phát thải… tỉnh có thể bắt tay vào triển khai ngay. 

- Cá nhân ông có kỳ vọng gì khi tỉnh thực hiện Đề án giảm thiểu carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất so với các tỉnh ở khu phía Nam. Rừng Nam Cát Tiên, rừng Mã Đà là rừng giá trị, giàu cây xanh. Khi thực hiện Đề án, đây sẽ một trong các nguồn tín chỉ carbon lớn để bù trừ cho các doanh nghiệp có phát thải. 

Hiện, Đồng Nai có quá nhiều khu công nghiệp, quá nhiều doanh nghiệp công nghiệp nên phải hành động quyết liệt, hành động ngay để đóng góp vào mục tiêu chung của Chính phủ trong việc đưa phát thải ròng về 0.

Do đó, Đồng Nai ý thức được phải đi đầu, bắt buộc phải làm nhanh, không thể chậm trễ nữa. Đây là trách nhiệm với với thế hệ mai sau, không thể không làm.

Tôi muốn mọi người cùng hành động. Nhiều người hành động mới có thể thành công.

Không chỉ đặt kỳ vọng riêng với tỉnh Đồng Nai, tôi cũng mong các tỉnh khác cùng tham gia vào cuộc đua để tới Net Zero. Chỉ một ông bí thư tỉnh hành động thì không giá trị gì. 

Thiết kế: Cúc Nguyễn