Lời tòa soạn: 

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 - Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Tuy nhiên, áp lực gia tăng từ các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Loạt bài Đồng Nai vào cuộc đua Net Zero do VietNamNet thực hiện thể hiện quyết tâm của địa phương trong chuyển đổi sang sản xuất xanh, hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.

Chỉ vào khu vực đất trống rộng hơn 10.000m2 trong khuôn viên công ty, ông Ngô Hoàng Hồ nói đó là phần đất để trồng cây xanh nhằm hấp thụ khí carbon - một trong những giải pháp của doanh nghiệp để trung hoà carbon về Zero. Thế nên, thời gian tới, việc trồng cây xanh sẽ được đẩy mạnh.

Theo ông, ở Việt Nam mọi thứ về Net Zero còn khá mới mẻ, nhưng với NOK, kế hoạch thực hiện đã có từ lâu. Mục tiêu đến năm 2030, công ty sẽ giảm 30% lượng khí thải carbon và dần tiến tới trung hoà. Để thực hiện hoá mục tiêu này, NOK dùng điện năng lượng mặt trời, sử dụng thiết bị máy móc tiết kiệm điện, tối ưu hoá nguyên liệu sản xuất sao cho lượng rác thải công nghiệp thải ra ít nhất… 

“Thậm chí, chúng tôi còn tính toán đầu tư ngân sách để liên kết với các đơn vị khác trồng cây xanh ở khu vực thích hợp trong tỉnh hoặc ở Việt Nam. Đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần nâng cao bể hấp thụ carbon trong môi trường”, ông nói.   

Ông Hồ cho biết, NOK là công ty con của Tập đoàn NOK (Nhật Bản). Từ năm 2021, tập đoàn đã có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất xanh cho tất cả các công ty con của mình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động để tiết kiệm chi phí sản xuất, thân thiện môi trường sống. Sau COP26 với những cam kết về phát thải khí nhà kính, quá trình chuyển đổi được đẩy mạnh, có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.

Các doanh nghiệp đang ráo riết chuyển đổi sang sản xuất xanh để tiến tới Net Zero. Ảnh: NVCC

“Tức là, bây giờ là buộc phải làm. Nếu không chuyển đổi hoặc chuyển đổi trễ một nhịp thì mình mất nhiều cơ hội lắm”, ông nhấn mạnh. Bởi, tới đây khách hàng cũng yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Chúng ta không chuẩn bị trước thì sản phẩm không cạnh tranh được với những doanh nghiệp khác, trở thành hàng lỗi thời. Thậm chí, “sản xuất xanh” trở thành tiêu chí số 1 để khách hàng đánh giá, xem xét ký hợp đồng mua bán hàng hoá, điều mà trước kia không có.

NOK còn phân công cho phòng hành chính quản lý về mặt khí thải phát thải CO2 để điều phối và kếtnối với tất cả các phòng, ban khác triển khai chỉ thị của tổng giám đốc và kế hoạch của công ty về sản xuất xanh.

Ngay chính bản thân ông và 4-5 đồng nghiệp khác ở công ty cũng trực tiếp đi học một khoá đào tạo tại Hà Nội về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phát thải ròng carbon, các tính toán sao cho chính xác nhất. “Không học, làm sao biết sản xuất xanh sẽ như thế nào, lượng phát thải ra sao. Phải đi học mới biết, mới làm được chuẩn, mới có báo cáo, kế hoạch chính xác và minh bạch”, ông chia sẻ.

Không chỉ với riêng NOK, theo ông Hồ, muốn chuyển sang con đường sản xuất xanh, ông chủ doanh nghiệp cũng phải đi học. Doanh nghiệp phải cử người tham gia những lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, cách tính toán làm sao giảm lượng phát thải… Đây là những kiến thức cơ bản mà mọi người cần phải nắm và thực hiện. Doanh nghiệp phải chủ động đi trước, không đợi chính quyền địa phương hỗ trợ những điều này.

Ở Đồng Nai, những doanh nghiệp như NOK ngày càng nhiều lên. Tại Khu công nghiệp Biên Hoà 2 (Đồng Nai), Tập đoàn Cargill vừa khánh thành nhà máy thứ 2 sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh.

Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc ngành dinh dưỡng vật nuôi Cargill Việt Nam và Thái Lan cho biết, đây là nhà máy hiện đại nhất của Cargill ở châu Á. Công trình được xây dựng theo mô hình xanh với nhà thép tiền chế và mái tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Bên trong, các khâu chủ yếu do robot thực hiện với tỷ lệ tự động hóa lên đến hơn 95%, đảm bảo kiểm soát chất lượng, giảm nhân công và giảm tỷ lệ hàng lỗi. Vì vậy, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn như ISO 22000 và FAMI QS.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tại Đồng Nai cũng đặt ra lộ trình các nhà máy giảm 20% phát thải vào năm 2025, giảm 50% vào năm 2030 và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu này, Nestlé tập trung vào thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; bảo tồn, tái tạo rừng. Cùng với đó, thực hiện chương trình giảm phát thải trong sản xuất, tái sử dụng bao bì. Đến năm 2025, trên 95% bao bì nhựa mà tập đoàn sử dụng sẽ được thiết kế để tái chế.

Ông Hồ chỉ vào những số liệu mà doanh nghiệp tự tính toán về phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng Nai là một trong những “cái nôi” công nghiệp ở nước ta. Đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 33 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất gần 10.515ha. Các KCN của tỉnh thu hút 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.111 dự án, trong đó có 1.459 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 652 dự án trong nước.

Do đặc thù sản xuất, công nghiệp cũng trở thành một trong những lĩnh vực có phát thải ròng carbon lớn. Trong Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt tháng 2 vừa qua, công nghiệp là 1 trong 7 lĩnh vực trọng điểm thực hiện lộ trình giảm phát thải.

Thực tế, từ những năm 2000, các nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề cập đến chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc. Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, những dự án sử dụng nhiều đất, thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ cũ để sản xuất, sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch… ảnh hưởng đến môi trường đều phải xem xét kỹ, thậm chí loại bỏ.

Những năm gần đây, Đồng Nai hầu như không tiếp nhận dự án dệt nhuộm, xi mạ, hay những dự án sử dụng nước hoặc xả thải ảnh hưởng đến môi trường lâu dài. Có khoảng 30 % các dự án muốn được xây dựng nhà máy sản xuất ở tỉnh nhưng bị từ chối ngay từ đầu.

Ngược lại, các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, ít nhân công, ít gây hại cho môi trường (giảm phát thải) và đem lại giá trị kinh tế cao được ưu tiên.

Đồng Nai ưu tiên cho những doanh nghiệp sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Ảnh: NVCC

“Với dự án sản xuất xanh, giảm phát thải, quá trình phê duyệt rất nhanh vì được ưu tiên phát triển”, ông Nguyên nói. Tuy nhiên, nhà đầu tư những dự án này phải chứng minh được là các sản phẩm làm ra ít thâm dụng tài nguyên và không có phát thải trong quá trình sản xuất. 

Năm 2023, các KCN Đồng Nai có thêm 93 dự án đầu tư mới. Trong đó, có 79 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư 467 triệu USD, các dự án này không thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động.

Đến nay, Ban Quản lý KCN đã cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo cho 18 doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tự dùng với tổng công suất khoảng 42MW. Việc này góp phần giảm phát thải, đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh theo chủ trương chung của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, yêu cầu hiện nay là khu công nghiệp phải tự "làm mới" mình, áp dụng chuyển đổi số, giảm phát thải nhanh chóng. Khi đó, bắt buộc nhà đầu tư thứ cấp cũng phải thay đổi. Khu công nghiệp xanh, cảng xanh, doanh nghiệp xanh là những mục tiêu mà chúng ta phải cần vươn tới.

Bài tiếp: Đồng Nai vào cuộc đua Net Zero: Cứ làm đi, đừng sợ sai!