Đang có cuộc sống “sang chảnh” cùng công việc cho thu nhập cao, O Lệ quyết định từ bỏ để về quê Quảng Trị trồng lúa, suốt ngày chân lấm tay bùn gánh “trăm mối lo” hộ người nông dân. Ở đây, O Lệ từng nếm trải nỗi buồn bị dân kiện đến hạnh phúc vỡ òa khi đồng đất “nhả ngọc”. 

Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Diễm Lệ (O Lệ) - Chủ tịch HĐQT QTOrganic trong cuộc trò chuyện với PV VietNamNet sau chuyến đi quảng bá sản phẩm tại một triển lãm ở Nam Ninh (Trung Quốc).

Chuyến đi này, thay vì mang theo gạo hữu cơ, O Lệ chọn các sản phẩm chế biến sâu từ gạo để quảng bá. Kết quả, 5 doanh nghiệp phía Trung Quốc muốn độc quyền sản phẩm để phân phối tại thị trường tỷ dân thông qua kênh bán hàng trực tiếp và online. 

Mọi thủ tục đang trong giai đoạn hoàn tất để xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Với O Lệ, đây là khởi đầu cho chặng đường mới của hạt gạo hữu cơ… 

- O Lệ nói đây là chặng đường mới. Vậy hành trình trước đó của hạt gạo hữu cơ tại vùng "đất lửa" Quảng Trị diễn ra như thế nào?

Đến nay đã 7 năm rồi. Trước đó, tôi làm bên lĩnh vực dầu khí chứ không phải nông nghiệp. Trong một lần lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dẫn đoàn cán bộ đi tham quan và học hỏi mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Tây Nam Bộ (có mô hình sản xuất phân hữu cơ của Đại Nam Ong Biển), tôi là người đứng ra kết nối.

Sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ngỏ lời hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Buổi lễ ký kết diễn ra, lãnh đạo tỉnh hỏi “Ai là người đứng ra thực hiện dự án này?”. Cậu tôi quay sang bảo “Nó là người làm”. Và cây lúa được chọn làm với diện tích khoảng 200ha.

Tính toán vậy, nhưng về thuyết phục nông dân làm lúa hữu cơ mà không ai hiểu nó như thế nào, không ai tin tưởng, sợ liên kết rồi bị bỏ rơi. Tôi cùng vài người khác phải đến tận nhà dân thuyết phục. Năm đó, chỉ làm được 58ha. 

Vụ Hè Thu đầu tiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt nhất trong 10 năm, sâu bệnh hoành hành. Lúa hữu cơ lại không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sợ mất mùa, người nông dân còn viết đơn kiện tôi gửi tới cả chủ tịch tỉnh. 

Cũng may có lãnh đạo tỉnh đồng hành. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Sở NN-PTNT đứng ra cam kết “bà con cứ làm theo đúng quy trình, nếu sâu bệnh ăn hết lúa mà doanh nghiệp không đền thì chúng tôi sẽ đền”. Thế là bà con yên tâm.

Theo đúng quy trình, chúng tôi cung cấp cho nông dân lúa giống, phân bón, bao tiêu lúa cho bà con với giá cao hơn thị trường 30%. Ngoài ra, bảo hiểm năng suất 5 tấn/ha, nếu mất mùa, nông dân vẫn được trả tiền.

Vụ đầu tiên, thu hoạch lúa xong tôi trả tiền tươi cho bà con nông dân ngay tại chân ruộng. Thấy vậy, người nông dân tin tưởng, diện tích lúa tăng dần lên 200ha.

Đang làm cho một tập đoàn lớn, O Lệ quyết định về quê trồng lúa hữu cơ

- Đó là khâu sản xuất, còn thị trường tiêu thụ thì sao?

Hồi đó còn “hồn nhiên”, thích là làm. Chứ nếu nghiên cứu kỹ về thị trường tiêu thụ chắc tôi không dám làm lúa gạo hữu cơ.

Người tiêu dùng khi ấy còn mù mờ thông tin sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt, nghe gạo hữu cơ trồng ở Quảng Trị liền nghi ngờ về chất lượng. Họ nghĩ đây là vùng đất từng xảy ra “mưa bom, bão đạn” làm sao trồng ra được hạt gạo hữu cơ. Thậm chí, nhiều khách hàng phản ứng, gọi điện đòi trả lại gạo. Tôi phải cho nhân viên thu hồi hàng về.

Song, tôi kiên trì chứng minh bằng những kiểm nghiệm khoa học để khách hàng thấy, vùng đất lửa Quảng Trị không những “nhả ngọc” cho gạo thơm ngon mà còn đạt chất lượng cao, tốt cho sức khỏe người dùng. Loại gạo này không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. 

Đến nay, gạo được nhiều người tin tưởng tiêu dùng, định vị trong phân khúc thị trường gạo cao cấp ở Việt Nam, xuất khẩu được sang thị trường châu Âu. 

- Chị vừa nói mình từng làm trong ngành dầu khí trước khi gắn bó với hạt gạo?

Tôi sinh ra ở Quảng Trị, từ bé đến lớn chỉ tập trung vào việc học. Tốt nghiệp đại học, tôi đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với mức lương thưởng luôn ở top cao. 

Thế nên, trước khi bước vào làm lúa gạo, tôi có cuộc sống khá nhàn nhã, thậm chí có thể nói là sang chảnh, đâu phải chân lấm tay bùn và gánh trên vai “trăm mối lo” như hiện nay. 

Nhiều người hỏi tôi vì sao chọn gạo. Làm lúa gạo nếu xét về mặt kinh tế, tôi không bao giờ bước chân vào. Vì đây là ngành đem lại lợi nhuận rất thấp và đầy rủi ro. Song tôi sinh ra ở miền Trung, chứng kiến cuộc sống lam lũ và đầy bấp bênh của người dân. Tôi muốn làm điều gì đó để người dân quê hương có cuộc sống ổn định hơn. Đây cũng là lý do tôi gật đầu đồng ý làm lúa gạo hữu cơ.

Nhưng phải thú thật, mới đầu tôi vẫn “chân trong chân ngoài”. Đến khi buộc phải chọn 1 trong 2, tôi quyết định làm lúa gạo. Cuộc sống của tôi cứ như thế xoay chuyển hoàn toàn.

Làm lúa gạo có rất nhiều lo toan. Từ chỗ người nông dân lo lắng bão lũ mùa màng mất trắng, sâu bệnh dịch hại, được mùa mất giá… thì giờ tôi gánh vác nỗi lo ấy cho họ. 

Đổi lại, tôi thấy hạnh phúc. Mình đã làm được điều gì đó cho người nông dân nơi đây, làm cho nhiều người biết đến Quảng Trị với những cánh đồng lúa hữu cơ, có những sản vật đặc biệt.

Trước kia, ở Quảng Trị quê tôi đâu ai biết nông nghiệp hữu cơ là gì. Bây giờ trở thành phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Mô hình liên kết sản xuất của tôi không lớn song truyền được cảm hứng cho nhiều người. Các doanh nghiệp đến đây ngỏ ý hợp tác làm nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn. Vậy là vui rồi!

- Ở nước ta, làm nông nghiệp đã khó, làm nông nghiệp hữu cơ còn khó khăn hơn. Trong 7 năm qua, O Lệ từng nghĩ mình sẽ dừng lại chưa?

Có chứ. Thậm chí là nhiều lần tôi nghĩ sẽ dừng lại. 

Một vụ mùa lúa chín chỉ 1 tuần nữa được thu hoạch. Ai ngờ bão về, nước lũ dâng cao. Ruộng lúa chìm sâu dưới nước, lâu ngày thóc mọc mầm, thế là mất trắng. 

Bán gạo trên thị trường cũng vậy. Nhiều lúc gạo hữu cơ phải bán giá gạo thường.

Những lần như thế rất nản lòng, muốn dừng lại.

Rồi tôi lại nghĩ tới lý do ban đầu mình làm gạo hữu cơ. Cứ như vậy một lần nữa cố gắng. Đến giờ, tôi vẫn làm hạt gạo hữu cơ, tuy nhiên chiến lược sản phẩm đã thay đổi. Thay vì bán gạo, tôi làm các sản phẩm chế biến sâu để gia tăng giá trị.

- Cụ thể những sản phẩm đó là gì?

Trước kia tôi chỉ đơn thuần bán hạt gạo hữu cơ. Giá gạo khoảng 50.000 đồng/kg. Có thời điểm thị trường tiêu thụ chậm, tôi phải bán gạo hữu cơ với giá gạo thường để thu hồi vốn. Lỗ nhiều lắm!

Năm nay tôi chuyển hướng sang làm các sản phẩm chế biến từ gạo. Ví như cốm gạo lứt tôi bán với giá 790.000 đồng/kg. Hay như cám gạo là mặt hàng giá rẻ, trước nay thường dùng làm thức ăn chăn nuôi, tôi đã tinh chế ra để làm các sản phẩm đồ uống, mỹ phẩm với giá trị thu về tăng gấp 5-10 lần…

Thay vì kết thúc ở hạt gạo, O Lệ đang kéo dài chuỗi lúa gạo hữu cơ

- Nghe nói chị đã bán rất nhiều nhà đất để đổ tiền vào hạt gạo hữu cơ?

Thời làm công ăn lương thu nhập rất cao, tôi có nhiều nhà đất cho thuê. Cuộc sống của tôi rất sung túc.

Bước vào làm 200ha lúa hữu cơ, chi phí cải tạo đất rất lớn, tôi phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư phân bón, lúa giống cho bà con. Cuối vụ lại chi lượng tiền khổng lồ gom mua lúa. 

Bỏ tiền ra thì nhiều, gạo bán chậm. Tồn kho lớn phải bán tống bán tháo với giá gạo thường để thu hồi vốn, bù lỗ nặng.

Thế là, tiền tiết kiệm cạn dần, 5 căn nhà phố cũng bán hết sạch. Thậm chí, tôi còn phải đi ở nhà thuê. Cũng may, từ ngày chuyển hướng làm sản phẩm chế biến sâu, tôi bắt đầu hòa vốn gốc và có lãi nhẹ. 

Từ cuộc sống sang chảnh lại chuyển sang làm nông nghiệp với nhiều vất vả và đầy lo toan, O Lệ đã quen chưa?

Giờ là đam mê. Tôi xem sản xuất lúa gạo là sứ mệnh nên dành nhiều thời gian cho hạt lúa, hạt gạo trên đồng đất Quảng Trị.

Tôi sinh ra ở nông thôn, song không biết gì về nông nghiệp. Từ nhỏ đã học trường chuyên lớp chọn, một năm có bao nhiêu vụ lúa tôi còn không biết. Gắn bó cây lúa, tôi phải học từ những điều cơ bản nhất.

Bây giờ tôi nắm rõ ngày tháng gieo cấy, thu hoạch, nhận biết được các loại sâu bệnh, thời gian tốt nhất để xuống giống, thời điểm bón phân… Tôi thậm chí còn lái cả máy cấy, máy gặt. Tôi đúc kết ra được quy trình sản xuất lúa hữu cơ chuẩn nhất. Cảm tưởng mình đã là nông dân chính hiệu!

Tôi mê đồng ruộng. Mỗi lần công việc căng thẳng, stress, tôi lại về Quảng Trị và đi ra cánh đồng lúa hữu cơ. Ở đó, tôi cảm nhận được không khí trong lành, ngửi được hương thơm ngát từ cây lúa, vui khi thấy cua cá bơi tung tăng dưới chân ruộng… Tôi dần tĩnh tâm, cân bằng được cảm xúc, thấy bản thân hạnh phúc, thấy được mình đã làm được điều gì đó cho bà con quê hương.

Nhớ có lần đang ở TP.HCM, nhận được cuộc điện thoại của bạn kỹ thuật viên báo “vụ này năng suất thấp lắm”, tôi thấy buồn vì năng suất thấp thì lỗ nặng. Rồi xem clip máy đang gặt lúa trên cánh đồng, đàn chim bay lượn xung quanh, tôi vui trở lại, ngẫm mình đã góp một phần làm cho môi trường sinh thái hồi sinh. 

Đây là động lực để mình đi tiếp, lấy lại năng lượng để làm việc.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng O Lệ cảm thấy hạnh phúc khi chọn làm gạo hữu cơ

- Điều gì làm nên O Lệ của ngày hôm nay?

Tôi may mắn vì được gia đình ủng hộ hết mình trong công việc. Người chồng hiện tại luôn yêu thương, trân trọng, thấu hiểu tôi.

Mọi người hay gọi tôi là “bông hồng thép”. Ai nhìn qua sẽ cảm nhận tôi là người mong manh yếu đuối. Nhưng đằng sau đó là một cuộc đời đầy trải nghiệm. Tôi cũng trải qua những nỗi bất hạnh của người phụ nữ, những vấp ngã, đau thương… 

Song, bản thân tôi luôn vô tư, lạc quan. Bởi vậy, tôi vượt qua mọi thứ nhanh hơn, cũng tôi luyện bản thân trở thành một người mạnh mẽ hơn. Giờ tôi nhìn cuộc đời tươi sáng, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị:

  Gạo hữu cơ Quảng Trị là mô hình liên kết sản xuất đầu tiên của tỉnh trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Mô hình này không quá lớn nhưng đem lại ý nghĩa lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh và người nông dân nơi đây.

  Từ chuỗi lúa gạo hữu cơ này, nhiều người biết đến nền nông nghiệp Quảng Trị, thành địa chỉ tin cậy để học hỏi kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, doanh nghiệp tìm đến tỉnh liên kết làm nông nghiệp hữu cơ.

  Đến nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trở thành phong trào của tỉnh, góp phần đưa những vùng nông thôn của tỉnh Quảng Trị thành vùng quê đáng sống, cuộc sống của người nông dân sung túc hơn. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiết kế: Thu Cúc