Thế mà cuối cùng cả đoàn 8 người ở đây được hẳn 1 tháng. Bao nhiêu trải nghiệm và bài học mà họ có được ở căn nhà cạnh biển này là duy nhất, không thể nào tìm kiếm được ở một nơi nào khác.
Chị Vũ Thị Thuỳ Dung, 38 tuổi là một trong 2 bà mẹ “đạo diễn” chuyến trải nghiệm có một không hai từ thủ đô vào căn nhà cạnh bãi biển Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Chị nói, đó là chuỗi ngày vô lo vô nghĩ, thả trôi muộn phiền, deadline, công việc...
Tám người cả lớn cả bé chỉ có mỗi việc sáng ra nhảy xuống biển bơi, đói thì nấu cơm ăn, ăn no xong lại mắc võng nằm ngắm biển. Vợ chồng con cái cùng nhau nhặt rau, làm cá, nấu cơm, chia sẻ việc nhà, dành trọn vẹn thời gian bên nhau. Thứ mà các con chị nhận được là sự trưởng thành trong cả nhận thức lẫn kỹ năng sống. Còn với người lớn, chính họ cũng rút ra những bài học quý giá khi tiếp xúc và sống cùng cộng đồng ngư dân.
Bà mẹ 2 con tâm sự, vợ chồng chị có một bé nhỏ 6 tuổi, một bé lớn 10 tuổi - đang ở tuổi dậy thì, một lứa tuổi hết sức nhạy cảm và tâm sinh lý phức tạp. “Nhiều khi bố mẹ không biết mình sai ở đâu để nói chuyện được với con. Hai vợ chồng cảm thấy thực sự bất lực trước những lý luận, thái độ cũng như sự ương bướng của bọn trẻ. Vì thế, 2 vợ chồng nghĩ rằng có lẽ cần phải thay đổi cách giao tiếp với con và dành thời gian cho con nhiều hơn để hai bên cùng thấu hiểu nhau.
Anh xã quyết định tìm một nơi có cuộc sống lao động hoàn toàn, cho con sống ở đó để chúng nhìn thấy người dân lao động có cuộc sống như thế nào, để chúng thấy quý sức lao động của mình, của bố mẹ, và thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ hơn”.
Nếu chỉ đi 5-7 ngày thì chỉ đủ thời gian cho trẻ ăn, chơi. Các con mới chỉ cảm nhận được sự mới lạ và vui vẻ của vùng đất mới mà chưa cảm nhận được sâu sắc cuộc sống của người dân xung quanh mình. Vì thế, anh chị quyết định sẽ sống ở đây 1 tháng.
Chị chủ ý chọn một nơi hẻo lánh, không có khách du lịch, không có sẵn các dịch vụ. “Đó là cơ hội để các con học hỏi kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân, tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi”.
Căn nhà chị tìm được không thực sự giống như chị tưởng tượng ban đầu. Nhưng nó lại đáp ứng tiêu chí: không wifi, không tivi. Chị quyết định chọn đó là nơi trải nghiệm cho cả gia đình trong mùa hè năm nay.
Hai bà mẹ làm công việc kinh doanh tự do nên có thể chủ động thời gian. Hai ông bố đi làm công sở, vì thế để thực hiện chuyến đi này, đã xin nghỉ phép 1 tháng không lương để dành thời gian cho con. Thi thoảng, có việc cần kíp hoặc các con đến giờ học tiếng Anh, bố mẹ sẽ dùng mạng 4G để kết nối. Còn lại, các con tuyệt đối không được dùng điện thoại, máy tính, dành toàn bộ thời gian để hoà mình vào thiên nhiên và cuộc sống bản địa.
Ban đầu, chị Dung khá lo lắng về việc căn nhà không có điều hoà. Bởi vì mùa hè miền Trung nổi tiếng nắng nóng, nhất là thời điểm 2 gia đình lưu trú lại rơi vào tháng 6. Nhưng khi đến đây, chị mới thấy lo lắng của mình là không cần thiết.
“Ngoại trừ 3 ngày có gió Lào thì thời tiết đều rất tuyệt vời. Từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau, trời mát mẻ, se lạnh như mùa thu Hà Nội. Buổi tối sinh hoạt ngoài sân, tôi còn phải đắp thêm cái áo. Đêm ngủ có thể tắt quạt, đắp chăn mỏng. Ban ngày, trời chỉ nắng nóng vào giờ trưa nhưng cái nắng không khó chịu như ngoài Bắc, nhờ có gió biển thổi vào”.
Căn nhà được xây theo thiết kế nhà quê truyền thống. Gian nhà chính thoáng đãng, nhìn thẳng ra biển, có 2 chiếc giường cho bọn trẻ ngủ. Nằm vuông góc với gian chính là 2 phòng khép kín của 2 cặp bố mẹ. Cả tháng ở đây, bọn trẻ không đứa nào kêu ca về chuyện không có điều hoà.
Một ngày mới của 2 gia đình bắt đầu vào 5h sáng. Cả nhà cùng nhau dậy sớm ngắm bình minh, xem các bác ngư dân hôm nay về được bao nhiêu tôm cá. Sau đó 2 bố và các con xuống biển tắm, 2 mẹ đưa nhau đi chợ trong khoảng 30 phút, khi về vẫn kịp lao xuống biển cùng cả nhà.
Khoảng 8h rưỡi buổi sáng, cả nhà cùng nhau dọn dẹp, sơ chế đồ ăn cho bữa trưa… Quãng thời gian này cũng khiến chị Dung nhận ra, trước kia, ở thành phố bố mẹ bận cơm áo, dù vẫn dạy con làm việc nhà nhưng lại chưa đủ kiên nhẫn. Từ đó dẫn đến những tranh cãi theo kiểu “tại sao mẹ dạy con thế mà con vẫn làm sai?”. Nhưng thực ra là do mình dành ít thời gian cho con quá, nói mà con chưa hiểu hoặc hiểu sai nên mới không làm ra sản phẩm như bố mẹ mong muốn.
Khi ở đây, chị cùng con làm mọi việc, cặn kẽ giải thích cho con từng chút, quan sát xem con đã làm đúng hay chưa. Nhờ đó mà con làm mọi việc tốt hơn, bớt dần đi những xung đột không đáng có giữa bố mẹ - con cái.
Mỗi ngày 2 buổi sáng sớm và chiều tối, cả đoàn lại cùng nhau xuống tắm biển. Tổng cộng, mỗi ngày có 4 giờ đồng hồ được ngâm mình dưới nước biển. Biển ở đây cát trắng, nước xanh trong, có thể nhìn thấy cả đáy. “Bọn trẻ cứ cắm đầu xuống, chổng mông lên một hồi là lại ngoi lên với một sản vật mà chúng bắt được - có cả cua, ốc, rồm rộp, thậm chí bắt được cả cá”.
Suốt 1 tháng sống cạnh biển, bọn trẻ rèn được kỹ năng bơi thuần thục mà không cần dùng phao hay kính lặn. Chị Dung ví, bọn trẻ bơi và lặn giỏi như rái cá, thậm chí còn lặn thi tìm đồ vật bố vứt xuống biển xem ai lấy về được nhanh hơn. Nhờ 1 tháng bơi lội mải miết mà khi về Hà Nội, cả nhà được khen “nhuộm da” thành công, cơ thể trông khoẻ khoắn, rắn chắc.
Ngoài giờ bơi và làm việc nhà, 2 mẹ còn yêu cầu các con viết bài thu hoạch về những gì đã quan sát và trải nghiệm, không đưa ra bất kỳ giới hạn nào. Con viết xong, cả nhà sẽ nhận xét, góp ý, các con tự chữa lỗi cho nhau. Với nhiệm vụ này, chị Dung nhận thấy các con rất hào hứng thực hiện thay vì ngại viết lách như trước.
Sau 1 tháng với quá nhiều trải nghiệm, chị rút ra một điều rằng: “Nếu cuộc sống chỉ có đi làm, tích luỹ, thúc ép con cái học hành, đỗ trường này trường kia thì quá mệt mỏi”.
Trẻ con bây giờ thể hiện tính cách, góc nhìn rất rõ ràng, chứ không còn gọi dạ bảo vâng như thế hệ chị ngày xưa. Bố mẹ không thể áp đặt lên các con được nữa. Các con có nhận định riêng từ rất sớm và thay đổi từng ngày.
Những thứ mình nghĩ là tốt cho con thì rất có thể sau này nó không còn tốt nữa. Cũng giống như bố mẹ mình ngày xưa nghĩ rằng chỉ làm bác sĩ, giáo viên, bộ đội mới là tốt nhất. “Nếu mình áp đặt lên các con thì chúng sẽ sống co cụm lại trong thế giới của mình, lười giao tiếp và kết nối với bố mẹ, chỉ biết đến những hội nhóm trên mạng xã hội… Rồi vô tình các con ‘nhiễm độc’ từ lúc nào không hay”.
Đó là lý do mà gia đình chị quyết định sống chậm lại, không để chuyện cơm áo cuốn đi mà bỏ qua giai đoạn các con đang cần sự quan tâm của bố mẹ nhất.
Thức giấc từ 5h sáng, hằng ngày bọn trẻ được chứng kiến thuyền vào bờ, các cô chú ngư dân kéo lưới, vần con thuyền lên những bãi cát cao. Các con tận mắt chứng kiến sự vất vả của người dân để bắt được vài cân tôm cá, thậm chí nhiều hôm thuyền trống trơn. “Mình cũng nói thêm cho các con hiểu là các bác phải đi từ 5h chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau mới về, lênh đênh trên biển đêm mù mịt, mênh mông suốt 12 tiếng đồng hồ mới kiếm được số hải sản ấy. Từ đó, các con hiểu sâu sắc hơn giá trị của sức lao động”.
Không chỉ các con, chị Dung nói, chính người lớn cũng học được nhiều điều từ chính các ngư dân - cách họ đối diện với những thất bại trong công việc, cách họ sống phóng khoáng, hiền hoà với mọi người trong cộng đồng của mình.
“Khoảng 10 ngày đầu tiên trong thời gian ở đó, chúng tôi thường xuyên chứng kiến những chiếc thuyền rỗng, có ngày thì được dăm ba con cá ngừ nho nhỏ, 1-2 con mực ống. Có hôm gia đình tôi tham gia kéo lưới giúp ngư dân, cả 20 con người xúm vào hò dô ta kéo lưới mà khi nhấc lên chỉ được vài ba con cá vặt. Những buổi ấy có lẽ tiền bán cá không đủ tiền xăng dầu”.
Chị quan sát thấy nét mặt của người dân có vẻ chùng xuống nhưng không kéo dài lâu. Khi được hỏi, họ cũng chỉ nhẹ nhàng nói: “Hôm nay biển chỉ cho có thế”. Họ vẫn cười nói rôm rả, không cảm nhận thấy sự tức giận hay áp lực trên gương mặt. Ngược lại, có những hôm kéo được nhiều cá, khi được hỏi sao không đi tiếp để bù cho những hôm thất thu, họ cũng cười nói: “Thôi cất thuyền về đi nhậu đã”.
“Dường như họ luôn vui vẻ, chấp nhận những gì biển dành cho mình. Cách họ đối diện với những điều không như ý trong cuộc sống rất khác với người thành phố”.
Từ quan sát đó, chị cũng dạy các con nên biết cân bằng cuộc sống, biết thế nào đủ và biết bỏ lại những thất bại để tiếp tục chặng đường mới giống như các ngư dân. Theo chị, có lẽ nhờ vậy mà cuộc sống của người dân làng chài nơi chị ở luôn tràn ngập tiếng cười. Họ dễ hạnh phúc, luôn dễ thương và dễ chịu với những người xung quanh.
Những ngày xắn tay kéo lưới cùng ngư dân, chị đều nhận được “một ôm to” cá làm quà. “Khi mình từ chối thì họ nói không lấy sẽ giận, lần sau không cho kéo lưới nữa”.
Ngày thứ 2 khi đặt chân đến làng chài, 2 gia đình đã được hàng xóm xởi lởi mời sang nhậu. Thấy gia đình ngại không sang, họ lại mang cả mâm cơm sang mời - một điều mà gia đình chị Dung chưa bao giờ nhận được trong những chuyến du lịch thông thường trước kia. Đổi lại, 2 bà mẹ cũng tặng lại hàng xóm mẻ thịt ba chỉ một nắng - món sở trường của các bà nội trợ thành thị và được khen ngon.
“Sống ở đây, chúng tôi vẫn nói vui với nhau là không cần dùng đến não, trí nhớ ngắn hạn chỉ cần 3 giây sau là quên hết. Đúng là sống theo bản năng, đói thì ăn, no thì mắc võng nằm ngắm biển. Có những đêm sáng trăng, biển đẹp như một bức tranh - khoảnh khắc ấy thực sự quý giá và chỉ có đến đây chúng tôi mới được tận hưởng”.
Viết về trải nghiệm 1 tháng cùng nhau, chị Dung tâm sự: “Ở đây chỉ có biển - bình minh và hoàng hôn, không phân biệt giờ giấc tháng ngày. Một mùa hè không tivi, không điện thoại, không bể bơi, không điều hoà và càng không có dịch phụ ‘tận răng’. Ở đây, những đứa trẻ phải học cách tự phục vụ, tự kiếm trò chơi.
Nhiều người sẽ thắc mắc, nơi này có gì mà ở được tận 1 tháng. Còn chúng tôi lại luôn lo lắng, liệu chơi hết 1 tháng thì đã chán biển chưa?”
Chị bảo với chồng, “có khi từ nay 1 năm chỉ làm việc 11 tháng, còn 1 tháng để dành đi chơi, chỉ ở bên nhau, nấu cho nhau ăn, trò chuyện cùng nhau, chẳng cần phải làm gì cả”.
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Nguyễn Cúc