Vào một buổi tối muộn tháng 6, Jin Xueli phải vật lộn với cơn giận dữ của cậu con trai 5 tuổi khi cậu bé đòi xem bộ phim hoạt hình yêu thích Paw Patrol. Như những lần trước, cô đã cố gắng giải thích với con, nhưng bé chỉ la hét và khóc to hơn, không chịu đi ngủ dù đã quá giờ.

Khi Jin đã quá sức chịu đựng, chồng cô, anh Siwen - người rất rành các video nuôi dạy con cái trên mạng - đã nói với cô về một khái niệm hấp dẫn mà anh từng xem được, có tên là “fan xiang yu er” hay còn gọi “dạy con ngược”. 

Video này nói về những bậc cha mẹ đã từ bỏ các phương pháp kỷ luật thông thường, thay vào đó áp dụng phương pháp phản ánh lại hành vi của con cái.

Khi đứa trẻ nằm ăn vạ ở cửa hàng kem, cha mẹ cũng làm y như vậy. Nếu con cái ném đi một món đồ chơi thì cha mẹ cũng ném đi những món đồ chơi khác. Một số phụ huynh thậm chí còn đi đến cực đoan: tạm dừng việc học của con để cho chúng chơi trò chơi điện tử hàng giờ liền, theo ý muốn của chúng.

Tuyệt vọng trong việc tìm ra giải pháp, Jin quyết định thử cách nuôi dạy ngược như chồng gợi ý.

Cô cài đặt tivi phát đi phát lại cùng một tập phim Paw Patrol. “Nếu thằng bé muốn xem phim hoạt hình, nó sẽ được xem thỏa thích, và thậm chí còn hơn thế nữa” - Jin chia sẻ với tờ Sixth Tone.

Sau khi háo hức xem phim trong vòng hơn 1 giờ, sự phấn khích ban đầu của cậu bé giảm dần. Đến gần nửa đêm, cậu bé càng lúc càng cảm thấy buồn chán. Và mỗi khi cậu bé nhắm mắt lại, bố mẹ cậu lại lay con dậy.

Đến 2h sáng, khi cậu bé gần như không thể tỉnh táo, Jin yêu cầu con thực hiện một lời hứa trước khi tắt tivi, đó là: khi đến giờ ngủ thì phải đi ngủ. “Đã 3 tháng rồi, và thằng bé vẫn nhớ đêm đó” – Jin kể.

Những năm gần đây, phương pháp nuôi dạy con ngược mới lạ này đang trên đà phát triển khắp Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ trẻ.

Các thế hệ cha mẹ trước đây thường áp dụng những phương pháp giáo dục khác. Họ chủ yếu dựa vào các hình phạt như một hình thức kỷ luật và phần thưởng chỉ được trao cho trẻ em khi chúng thể hiện “sự tiến bộ” trong hành vi của mình.

Những bậc cha mẹ kiểu cũ này luôn giữ thái độ nghiêm túc, hiếm khi bày tỏ tình cảm một cách cởi mở và luôn tin rằng mình không bao giờ sai.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và mong muốn tạo mối quan hệ gần gũi hơn với con cái, thế hệ cha mẹ sau thập niên 90 ở Trung Quốc đang có một quan điểm và triết lý nuôi dạy con cái khác.

Trong khi một số chuyên gia khen ngợi cách tiếp cận mới này thì cũng có một bộ phận không đồng tình. Họ nêu ra những tác động bất lợi tiềm ẩn đối với trẻ em. 

Bất chấp cuộc tranh luận, cách dạy con độc đáo này vẫn có một sức hút đáng kể.

Dạy con hay trả đũa?

Phương pháp dạy con ngược gây ra nhiều tranh cãi.

Trong số những ví dụ phổ biến nhất về cách nuôi dạy con ngược trên mạng xã hội là một video dài 7 phút đăng trên mạng xã hội Douyin quay cảnh một người mẹ và đứa con mới biết đi ra ngoài lúc nửa đêm.

Với tiêu đề “chỉ có phép thuật mới đánh bại được phép thuật”, người mẹ này đã ghi lại cảnh con gái mình - khoảng chừng 2-3 tuổi - nhất quyết đòi ra ngoài chơi vào lúc 2h30 sáng.

Người mẹ đồng ý, nhưng bắt con gái hứa rằng cô bé sẽ chơi bên ngoài cho đến khi Mặt Trời mọc. Cô bé đồng ý và hai mẹ con đã đi ra ngoài.

Lúc đầu, cô bé rất hào hứng. “Hãy nhớ rằng ngay lúc này con đang hạnh phúc như thế nào. Hãy cùng chờ xem. Nếu tí nữa con khóc, con nên nhớ tới khoảnh khắc này” - người mẹ nói với giọng bình tĩnh.

Gần 5h sáng, cô bé lí nhí nói mệt và muốn về nhà ngủ. Nhưng bà mẹ từ chối.

Đoạn video không tiết lộ thời điểm họ về nhà vào sáng hôm đó. Nhưng nó đã lan truyền rất nhanh trên Weibo, thu hút hơn 5 triệu lượt xem.

Các ý kiến sau sự việc rất đa chiều.

Một số người khen ngợi thái độ bình tĩnh của người mẹ. “Cô ấy thật kiên nhẫn. Nếu là tôi, tôi sẽ nổi điên với đứa bé” - một người viết.

Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng phương pháp của người mẹ là cực đoan. “Người mẹ nên suy nghĩ xem một đứa trẻ có hiểu được ‘cho đến khi Mặt Trời mọc’ nghĩa là gì không?” - một người dùng đặt câu hỏi.

Jiang Lingling, một chuyên gia tâm lý chuyên về trị liệu gia đình, nói với Sixth Tone rằng, cách nuôi dạy con cái ngược kiểu này có những điểm tương đồng với cách nuôi dạy con cái truyền thống, ở chỗ cả hai đều liên quan đến quyền lực cốt lõi.

“Người mẹ đồng ý cho con gái đi chơi, nhưng quyền lực của người quyết định khi nào sẽ được về nhà vẫn nằm trong tay người mẹ” – bà Jiang nói.

Si Yamei – một chuyên gia tâm lý khác - cũng có chung quan điểm. Cô cho rằng mục đích thực sự của “nuôi dạy ngược” vẫn là khiến trẻ “không dám” cư xử sai trái nữa. “Nhưng đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, điều đó thực sự có hại.

Si bắt đầu biết đến cụm từ “làm cha mẹ ngược” khi các bậc cha mẹ trẻ đến gặp cô để thảo luận về chủ đề này.

Tuy nhiên, trong các trường hợp thực tế, Si tin rằng mục tiêu của việc nuôi dạy con cái là hướng dẫn trẻ phát triển lành mạnh và khuyến khích trẻ tự suy nghĩ theo hướng tích cực, giúp chúng thích nghi tốt hơn với xã hội.

Các bậc cha mẹ sinh sau những năm 1990 khác với các thế hệ cũ do đời sống vật chất được cải thiện. “Thế hệ sau thập niên 80 vẫn gặp khó khăn về vật chất nên họ biết cuộc sống của họ đang trở nên tốt hơn như thế nào và họ có thể cảm thấy hạnh phúc với những thay đổi đó.

Nhưng thế hệ sau những năm 90 được bảo vệ quá kỹ lưỡng. Họ chưa từng trải qua sự thất vọng thực sự và bản thân họ vẫn còn là những đứa trẻ” - Si nói thêm. “Họ thực sự đang đối xử với trẻ em giống như cách mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng làm, sử dụng nó như một phương tiện để trả đũa”.

“Chúng tôi cho rằng thế hệ sau những năm 90 sẽ hạnh phúc hơn thế hệ trước, nhưng thực ra họ đã đánh mất một số trải nghiệm cảm xúc chân thực trong quá trình trưởng thành”.

Hậu quả tiềm ẩn

Chuyên gia tâm lý cho rằng, cách nuôi dạy con cái ngược kiểu này có những điểm tương đồng với cách nuôi dạy con cái truyền thống, đó là cả hai đều đặt quyền lực trong tay bố mẹ. 

Với một số bậc cha mẹ, nuôi dạy ngược là phương sách cuối cùng. 

Tháng 11/2022, một phụ huynh có con học lớp 3 đã kể lại việc cô cho con trai nghỉ học một tuần, hoàn toàn tập trung vào trò chơi điện tử như thế nào. 

“Chúng tôi rất thất vọng với chứng nghiện trò chơi điện tử của thằng bé. Chúng tôi đã thử mọi cách, từ trò chuyện chân thành đến kỷ luật bằng roi vọt, đều không thể kéo dài quá 2 ngày” - cô chia sẻ trên mạng xã hội.

Không thấy có hi vọng gì về việc thay đổi con trai, cô quyết định thử cách nuôi dạy con ngược lại.

Cô thực hiện một bộ quy tắc nghiêm ngặt đối với con: Cậu bé sẽ chơi trò chơi điện tử ít nhất 16 giờ mỗi ngày và phải viết một bài đánh giá dài 200 ký tự mỗi khi thua.

Để đẩy xa ranh giới hơn nữa, cô đã thuê một game thủ chuyên nghiệp vào ngày thứ 5 để liên tục đánh bại con trai mình.

“Đó chỉ đơn giản là để đứa trẻ thử mọi thứ dựa trên mong muốn bên trong của chúng” - cô nói với Sixth Tone và từ chối phỏng vấn. 

Cai Dan, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu gia đình và Phát triển trẻ em tại Đại học Sư phạm Thượng Hải, cho biết phương pháp nuôi dạy con ngược có khả năng giáo dục trẻ hiệu quả.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, để phương pháp này thành công, cha mẹ phải thực sự tin tưởng và hỗ trợ con mình trong suốt quá trình.

“Nếu động cơ là để trừng phạt bọn trẻ một cách có chủ ý, chẳng hạn như khiến chúng bị cảm lạnh hoặc bị thương, thì điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được” - ông nói.